Thứ sáu, 06/12/2024 06:26 (GMT+7)
Thứ sáu, 12/08/2022 17:50 (GMT+7)

Hoàn thiện cơ chế phát triển bền vững kinh tế biển

Theo dõi KTMT trên

Biển và hải đảo là không gian phát triển nhiều hoạt động kinh tế - xã hội quan trọng. Để trở thành quốc gia mạnh về biển Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới.

Nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển

Hướng tới trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển, các vùng biển, ven biển, hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển.

Nghị quyết 36-NQ/TW nêu rõ: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển, tạo đồng thuận trong toàn xã hội; hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển; phát triển khoa học, công nghệ và tăng cường điều tra cơ bản biển; đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển.

Hoàn thiện cơ chế phát triển bền vững kinh tế biển - Ảnh 1
Hướng tới trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển. (Ảnh minh họa)

Cùng với đó, các địa phương tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về biển, đại dương, kỹ năng sinh tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, tránh thiên tai cho học sinh, sinh viên trong tất cả các bậc học, cấp học; tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển; chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển; huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển, xây dựng các tập đoàn kinh tế biển mạnh.

Ông Lê Tấn Hồ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết để thực hiện tốt việc triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp về phát triển, thu hút đầu tư; tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế biển.

Tỉnh có những chính sách để tập trung thu hút, khuyến khích các nguồn lực xã hội tham gia các ngành kinh tế biển như năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy, hải sản quy mô công nghiệp, du lịch biển, định hướng phát triển kinh tế biển xanh, bền vững, thân thiện với môi trường cũng như bảo vệ, phát triển cộng đồng dân cư địa phương…

Về các hệ sinh thái biển, đảo, khoanh vùng, bảo vệ các khu, hệ sinh thái san hô, cỏ biển trên vùng biển của tỉnh được chú trọng bảo vệ: Đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, Hòn Yến, Hòn Chùa, Hòn Lao Mái Nhà, Hòn Nưa… Lập kế hoạch phục hồi và phát triển các khu, hệ sinh thái, đa dạng sinh học bị suy giảm, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguồn gốc từ đất liền và từ biển, đảo... Ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ trong cảnh báo, giám sát động đất, sóng thần, bão lũ; quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo của tỉnh.

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Bà Rịa-Vũng Tàu có một số định hướng phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững cho giai đoạn tới, tiếp tục nâng cấp các ngành kinh tế biển của tỉnh đã được định hình.

Đặc biệt, tỉnh tiếp tục xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển, định vị thương hiệu du lịch tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế; tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, kết nối liên vùng và khu vực, hình thành hệ sinh thái logistics để cụm cảng Cái Mép-Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế; nghiên cứu triển khai, thu hút đầu tư cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt tạo động lực mới cho phát triển du lịch.

Tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư cho khoa học-công nghệ biển, nhất là ưu tiên vào lĩnh vực hải dương học, gắn khoa học và công nghệ với phát triển du lịch biển, tham quan học tập và giáo dục dục cộng đồng; sớm đầu tư dự án Khu Khoa học và công nghệ biển tại thành phố Vũng Tàu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực biển nhằm đáp ứng được yêu cầu quản lý biển cũng như đáp ứng được yêu cầu khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ tốt môi trường biển và phát triển hiệu quả kinh tế biển...

Điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường ven biển

Theo PGS.TS Vũ Văn Tích, Trưởng ban Khoa học-Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng căn cứ Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mặc dù có nhiều nội dung do các bộ, ngành đã và đang triển khai, nhưng phần lớn tập trung vào điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường ven biển, các chương trình nghiên cứu cơ bản và chương trình nghiên cứu định hướng ứng dụng liên quan đến biển.

Tính đến nay vẫn thiếu công trình khoa học và công nghệ nghiên cứu về ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ làm cơ sở, nền tảng cho việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh ven biển theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương, cũng như Văn kiện Đại hội Đảng bộ các tỉnh ven biển đã đề ra.

PGS.TS Vũ Văn Tích nhấn mạnh việc triển khai một chương trình khoa học và công nghệ làm cơ sở để thu hút đầu tư cũng như phát triển các ngành kinh tế, ngành công nghiệp hay các mô hình phát triển các khu kinh tế đặc thù đang đặt ra như một thách thức lớn đối với nền khoa học - công nghệ nước nhà.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân tại Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam nhấn mạnh, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, kiến tạo môi trường chính sách, pháp lý cho nền kinh tế biển bền vững, kinh tế xanh để khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển, thúc đẩy thu hút và huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển các ngành kinh tế biển mới như điện gió ngoài khơi, nuôi biển xa bờ; tăng cường điều tra cơ bản tập trung thăm dò, tìm kiếm các loại khoáng sản, kim loại chiến lược.

Các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển, trọng tâm là Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Quy hoạch các khu vực biển, đảo cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Đầu tư phát triển hạ tầng kết nối các vùng kinh tế động lực ven biển, phát triển hệ thống giao thông hàng hải các-bon thấp và bền vững, các cảng thông minh và thích ứng với khí hậu cũng như các cơ sở hạ tầng biển và ven biển khác, quy hoạch sử dụng đất đô thị, công nghiệp, vùng bờ và biển để phát triển kinh tế bền vững. Phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên và các hoạt động du lịch dựa vào bảo vệ và bảo tồn hệ sinh thái biển và ven biển.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho rằng, cần khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực; thực hiện các dự án thí điểm để tiếp cận tất cả các nguồn năng lượng tái tạo biển, bao gồm năng lượng gió, sóng, thủy triều, dòng chảy, nhiệt và năng lượng mặt trời, nhằm phát huy tối đa tiềm năng về năng lượng tái tạo biển của Việt Nam.

Với kết quả khảo sát của chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng gió trung bình so với các nước trên thế giới và trong khu vực nhưng thuộc diện lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW, lớn gấp 200 lần công suất của nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam năm 2020. Trong đó, khu vực ven biển cực Nam Trung Bộ có mật độ năng lượng khoảng 400-600 W/m2. Ngoài ra trên khu vực vịnh Bắc Bộ cũng có mật độ năng lượng đạt 300-400 W/m2.

Tại các tỉnh, thành phố tăng cường hợp tác về quản lý, giám sát và giải quyết ô nhiễm môi trường các vùng biển; giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động trên đất liền cũng như ô nhiễm từ tàu và ngư cụ thải bỏ; thúc đẩy bảo vệ đa dạng sinh học, các hệ sinh thái và rạn san hô biển phù hợp với xu thế quốc tế.

Việt Nam tích cực tham gia các sáng kiến, hành động toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương phù hợp với Nghị quyết của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc, cũng như tham gia hiệu quả vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu về môi trường biển và khí hậu, để tận dụng các cơ hội từ xu thế thời đại về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Để bảo đảm phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững, phù hợp với tiềm năng phát triển kinh tế biển của Việt Nam cần áp dụng phương thức quản lý mới, phương thức quản lý tổng hợp biển và hải đảo theo cách tiếp cận hệ sinh thái hướng tới phát triển một nền kinh tế biển xanh hài hòa lợi ích kinh tế từ các hoạt động kinh tế ngành, khai thác, sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn, bảo vệ tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển. 

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Hoàn thiện cơ chế phát triển bền vững kinh tế biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới