“Hô biến” hàng tấn rác thải nhựa thành đồ nội thất
Dự án Reborn Décor với thông điệp rác có thể là kho báu nếu ta biết cách tận dụng chúng đã thành công biến 1,8 tấn rác nhựa thành đồ nội thất. Hành động này đã giúp giảm lượng khí carbon lên tới 4.000 tấn.
Reborn Décor được hình thành nhằm lan tỏa ý nghĩa tích cực của việc sử dụng vật liệu tái chế. Qua đó kêu gọi giảm sử dụng rác thải nhựa và hành động nhiều hơn để bảo vệ môi trường. Dự án đã huy động được hơn 30 sinh viên thiết kế từ Đại học Kiến trúc TPHCM và trường Đại học Tôn Đức Thắng tham gia thực hiện thiết kế cho dự án.
1,8 tấn rác thải nhựa thành sản phẩm mới không những thế triển lãm Reborn Décor từ sản phẩm tái chế đã thu hút được hơn 1.000 người tham dự. Các tác phẩm được làm từ rác thải đô thị và chất liệu rác thải công nghệ như bo mạch, dây điện, dây sạc, nhựa tiêu dùng,... Triển lãm Reborn Décor còn là cơ hội để thay đổi tư duy của mọi người về việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Qua đó chứng minh nghệ thuật còn là một cầu nối để góp phần bảo vệ nguồn sống trên hành tinh này.
Chị Hà Phan Kim Nguyệt, đại diện Dự án, chia sẻ với báo chí, nỗ lực biến rác thải nhựa thành sản phẩm nội thất đã giúp nhóm nhận được nhiều tài trợ từ các doanh nghiệp. Hiện cả nhóm đang thực hiện một khu vui chơi xanh tại Bệnh viện Nhi Đồng tỉnh Đồng Nai cho hơn 800 bệnh nhi. Được biết sân chơi sẽ được xây dựng bằng cách vật liệu tái chế, từ đó góp phần nâng cao ý thức của trẻ em trong việc bảo vệ môi trường.
Khi làm việc nhóm cũng gặp không khít khó khăn buộc các thành viên phải chủ động, bước ra khỏi vùng an toàn để trình bày ý tưởng với nhà tài trợ. Sự bất đồng ngôn ngữ, cách làm việc là khó khăn mà nhóm gặp phải. Thế nhưng sau khi cùng ngồi lại và lắng nghe, chia sẻ thì vấn đề đã được giải quyết. Bên cạnh đó việc sản xuất vật liệu tái chế đòi hỏi thời gian để ra được sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp.
Tương tương lai, Reborn Décor dự kiến sẽ mở rộng các hoạt động tại Việt Nam. Thành công thực hiện Triển lãm Nội thất bền vững REBORN DÉCOR tại Indonesia và mở rộng quy mô ra các quốc gia khác trong khu vực. Tiếp cận với đa dạng đối tượng nhằm hoàn thành được sứ mệnh đề ra.
Theo Viện Chiến lược và Chính sách về Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, người Việt Nam sử dụng hơn 30 tỷ túi nilon, trung bình mỗi ngày một gia đình dùng 4 túi. Còn theo thống kê từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, năm 1990, mỗi người Việt Nam chỉ tiêu thụ 3,8kg nhựa mỗi năm, nhưng 25 năm sau, con số này đã là 41kg.
Chính sự tiêu thụ “mạnh tay” ấy mà Việt Nam hiện đang đứng thứ 17 trong 109 quốc gia về lượng phát thải nhựa phát sinh hàng năm, là một trong 4 quốc gia thải ra nhiều túi nilon nhất Châu Á, và còn là một trong 5 nước gây ô nhiễm hàng đầu cho các đại dương trên thế giới.
Nhật Hạ