Thứ hai, 09/09/2024 22:51 (GMT+7)
Thứ năm, 19/10/2023 09:53 (GMT+7)

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là gì?

Theo dõi KTMT trên

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. So với các cam kết về môi trường FTA truyền thống, CPTPP mang tính ràng buộc và phải thực thi qua sử dụng công cụ về kinh tế.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có tính đến tiếp cận dựa trên quyền con người khi xem xét việc thực hiện nghĩa vụ về thương mại, đầu tư của các quốc gia. 

Hiện nay, CPTPP bao gồm 12 thành viên: Australia, Canada, Chile, Malaysia, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Vương quốc Anh và Việt Nam. 

Tại thời điểm ký kết, CPTPP là khối liên kết kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Nhật Bản (JEFTA) và Liên minh châu Âu (EU); có phạm vi thị trường khoảng hơn 502 triệu dân; tổng GDP vượt trên 10 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới; với các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Australia hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.

CPTPP là văn kiện thương mại có hiệu lực với khoảng 500 triệu dân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với giá trị đóng góp khoảng 14% GDP của thế giới và khoảng 15% thương mại toàn cầu. Mục tiêu chính của CPTPP là tăng cường hợp tác kinh tế cũng như các chính sách, quy định thương mại giữa các quốc gia, thông qua đó tiến tới xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản thương mại đối với hàng hóa, dịch vụ xuất, nhập khẩu giữa các nước thành viên, nhằm tăng cường thương mại và đầu tư, thúc đẩy sáng kiến, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và lợi ích xã hội.

Nội dung cơ bản của Hiệp định CPTPP

Hiệp định CPTPP gồm 07 Điều và 01 Phụ lục. Hiệp định CPTPP có quy định về mối quan hệ với Hiệp định TPP trước đây (đã được 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam ký ngày 06 tháng 2 năm 2016 tại New Zealand) cũng như xử lý các vấn đề khác liên quan đến tính hiệu lực, rút khỏi hay gia nhập Hiệp định CPTPP.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là gì? - Ảnh 1
Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP (gồm 30 chương và 9 phụ lục) nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP. 20 nhóm nghĩa vụ tạm hoãn này bao gồm 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới 7 Chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng. Tuy nhiên, toàn bộ các cam kết về mở cửa thị trường trong Hiệp định TPP vẫn được giữ nguyên trong Hiệp định CPTPP.

Nội dung môi trường trong CPTPP

Trong khuôn khổ của CPTPP, 11 thành viên cam kết thực thi có hiệu quả pháp luật về môi trường và không làm suy giảm hệ thống pháp luật của các quốc gia về môi trường nhằm khuyến khích thương mại và đầu tư. Chương 20 của CPTPP đưa ra các quy định về thúc đẩy thương mại, bảo vệ môi trường và thực thi có hiệu quả pháp luật về môi trường, cũng như tăng cường năng lực của các bên để giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến thương mại, bao gồm cả thông qua hợp tác. 

Mục tiêu của Chương Môi trường trong CPTPP là thúc đẩy sự tương hỗ giữa các chính sách về thương mại và môi trường và hướng tới việc tăng cường bảo vệ môi trường ở mức độ cao thông qua thực thi hiệu quả luật pháp trong nước về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Chương Môi trường cũng hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực của các Bên tham gia Hiệp định để giải quyết các vấn đề về môi trường liên quan đến thương mại thông qua các giải pháp, trong đó có cả giải pháp mang tính hợp tác.

Các cam kết về chính sách và pháp luật trong nước về môi trường

CPTPP không đưa ra các tiêu chuẩn môi trường cụ thể trong bất kỳ lĩnh vực nào. Tuy nhiên, CPTPP có đưa ra một số yêu cầu cụ thể về một số biện pháp, khía cạnh nhằm bảo vệ môi trường mà các nước phải tuân thủ. Cụ thể, CPTPP có 02 nhóm cam kết tương đối chi tiết về môi trường. 

Thứ nhất, cam kết về minh bạch và tăng cường vai trò của các bên liên quan trong bảo vệ môi trường. 

Nhóm này bao gồm các cam kết cụ thể, đặt ra các nghĩa vụ chi tiết và bắt buộc với các nước CPTPP, đáng chú ý có:

- Nghĩa vụ phải đảm bảo quyền của tổ chức, cá nhân (công chúng) kiện đòi bồi thường hoặc khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm pháp luật môi trường hoặc quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền có hành động thích hợp bảo vệ lợi ích của mình;

- Nghĩa vụ phải thiết lập cơ chế cụ thể để các tổ chức, cá nhân trong nước nộp Bản Đệ trình (Đơn khiếu nại/kiến nghị) về môi trường, và nếu Bản Đệ trình đó có cáo buộc nước Thành viên không đảm bảo các cam kết của mình về môi trường theo CPTPP thì sẽ có một cơ chế cho phép Ủy ban Môi trường của CPTPP xem xét Bản Đệ trình này nhằm xem xét/đánh giá các giải pháp hợp tác để giải quyết.

Thứ hai, cam kết trong một số vấn đề môi trường. 

CPTPP có các cam kết trong một số vấn đề môi trường cụ thể như: Đa dạng sinh học; Tự vệ trước các sinh vật ngoại lai; Giảm phát thải; Trợ cấp đối với việc khai thác/đánh bắt hải sản; Biện pháp bảo tồn; Chính sách với các loại hàng hóa, dịch vụ thân thiện/có lợi cho môi trường.

Tuy nhiên, đáng chú ý là mức độ cam kết trong các lĩnh vực này khá lỏng (trừ hai vấn đề trợ cấp đánh bắt trên biển và ngăn chặn hành vi khai thác và buôn bán động, thực vật hoang dã xuyên biên giới).

Riêng với Việt Nam, liên quan tới các nghĩa vụ về loại bỏ các loại trợ cấp đối với việc đánh bắt gây ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản vốn đang trong tình trạng bị đánh bắt quá mức và trợ cấp đối với tàu cá hoạt động bất hợp pháp, trong khi các nước CPTPP phải thực hiện nghĩa vụ này trong vòng 03 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực thì Việt Nam có thể yêu cầu gia hạn lộ trình này thêm 2 năm.

Các cam kết về việc tham gia các Thỏa thuận quốc tế về môi trường

CPTPP không buộc các nước phải gia nhập hay tham gia bắt buộc các Công ước mới về môi trường mà chỉ yêu cầu các nước thực thi hiệu quả cam kết trong các Công ước về môi trường mà mình là thành viên, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nghĩa vụ trong 03 điều ước quốc tế về môi trường mà các nước CPTPP đã là thành viên, bao gồm Nghị định thư MONTREALvề các chất làm suy giảm tầng ô-zôn; Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển (Công ước MARPOL) và Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã đang bị đe dọa (Công ước CITES).

Bảo vệ môi trường trong hoạt động thương mại

Thứ nhất, các Bên thừa nhận tầm quan trọng của việc kinh doanh và đầu tư vào hàng hóa và dịch vụ môi trường như là một phương tiện để cải thiện biểu hiện môi trường và kinh tế và giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu. 

Thứ hai, các Bên thừa nhận chủ quyền của mỗi Bên trong việc thiết lập mức độ bảo vệ môi trường trong nước của riêng mình và những ưu tiên môi trường của mình, và trong việc thiết lập, thông qua hoặc sửa đổi các luật và chính sách môi trường cho phù hợp.

Thứ ba, không Bên nào không thực thi có hiệu quả pháp luật về môi trường của mình thông qua một quá trình kéo dài hoặc tái diễn hành động hoặc không hành động một cách có ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư giữa các Bên, kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực đối với Bên đó.

Thứ tư, CPTPP cho phép các Bên công nhận rằng mỗi Bên giữ lại các quyền tự quyết và đưa ra quyết định liên quan đến các vấn đề về điều tra, truy tố, quản lý và tuân thủ và sự phân bổ nguồn lực thực thi pháp luật về môi trường liên quan đến pháp luật khác về môi trường được xác định để đạt mức ưu tiên cao hơn. 

Khi thực hiện quyền tự quyết trong việc thực thi pháp luật môi trường, các thành viên được coi là tuân thủ khoản 4 việc hành động hoặc không hành động thể hiện việc áp dụng hợp lý quyền tự định đoạt, hoặc là kết quả của một quyết định về phân bổ các nguồn lực phù hợp với các ưu tiên thi hành pháp luật môi trường của mình. 

Điều này cho thấy CPTPP rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Cũng như so với các cam kết chung thể hiện mong muốn cao hơn của các Bên trong việc thúc đẩy tính tương hỗ giữa phát triển thương mại và bảo vệ môi trường.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là gì? - Ảnh 2

Bảo vệ môi trường trong các hoạt động thương mại là vấn đề được chú trọng trong CPTPP. 

Tác động cam kết đến Việt Nam 

Do các cam kết đi kèm với chế tài và cơ chế giải quyết tranh chấp, Hiệp định CPTPP có tác động lớn đối với môi trường Việt Nam. Đầu tiên, điểm sáng là các điều khoản thỏa thuận trong CPTPP sẽ giúp bảo vệ môi trường Việt Nam thông qua việc yêu cầu các bên liên đới tuân thủ các thỏa thuận quốc tế về bảo vệ môi trường và sử dụng những thỏa thuận này để giải quyết các tranh chấp.

Tuy nhiên, CPTPP đặt ra những yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với các Hiệp định Thương mại tự do truyền thống về sự minh bạch trong việc tuân thủ và thực hiện các vấn đề về môi trường. Điều này bao gồm công bố thông tin công khai minh bạch về chất thải, giải pháp bảo vệ môi trường, và sự hiện diện của cơ quan đầu mối chuyên trách về môi trường tại các tổ chức và doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, đây là một thách thức không nhỏ. Các yêu cầu và đòi hỏi của CPTPP đòi hỏi sự tuân thủ và thực hiện các vấn đề về môi trường một cách minh bạch và chính xác. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có khả năng đáp ứng các yêu cầu này và tuân thủ các quy định về môi trường.

Ngoài ra, hệ thống chính sách và pháp luật về môi trường của Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện và vẫn còn thiếu một số khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực môi trường. Điều này gây khó khăn cho việc thực thi các cam kết quốc tế và đòi hỏi năng lực và kinh nghiệm của các cán bộ trong việc xử lý các vấn đề thương mại quốc tế liên quan đến môi trường. 

Phạm Thu

Bạn đang đọc bài viết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chủ xe VF 6: “Hoàn toàn tự tin đi xuyên Việt“
Sau hành trình du lịch từ Hà Nội vào Gia Lai bằng VinFast VF 6, anh Đỗ Hoàng Thái Bảo (Hà Nội) nhận thấy chiếc xe hoàn toàn có thể chạy xuyên Việt dễ dàng nhờ động cơ mạnh mẽ, hệ thống ADAS an toàn và phạm vi hoạt động vượt kỳ vọng.