Thứ ba, 07/01/2025 19:40 (GMT+7)
Thứ sáu, 12/07/2019 06:00 (GMT+7)

Hé lộ khối tài sản "khủng" của ái nữ "đại gia điếu cày"

Theo dõi KTMT trên

Lê Thị Hoàng Yến là ái nữ của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản ông chủ Tập đoàn Mường Thanh, hiện cô gái này đang sở hữu chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam với khối tài sản lên tới nghìn tỉ.

"Đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản được biết đến là một doanh nhân thành đạt, nhưng nhiều người có lẽ chưa biết đằng sau ông còn có người con gái Lê Thị Hoàng Yến cũng nổi tiếng không kém với vai trò là cánh tay phải, Tổng giám đốc chuỗi khách sạn Mường Thanh.

Lê Thị Hoàng Yến là chị cả trong số 3 người con của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản, thuộc thế hệ cuối của "8X". Trước khi quyết định về Việt Nam trợ giúp gia đình, nối nghiệp kinh doanh cô từng có 7 năm tu nghiệp ở nước ngoài.

Theo đó, năm 2013, cô con gái lớn Lê Thị Hoàng Yến chính thức gánh trên vai trọng trách Tổng Giám đốc chuỗi khách sạn Mường Thanh thay cha khi chưa đầy 30 tuổi.

Chỉ 3 năm sau ngày nhận chức Hoàng Yến đã liên tiếp mở rộng thương hiệu Mường Thanh tới nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, thậm chí còn hướng đến các vùng kinh tế mới như Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…nâng tổng số khách sạn từ 13 vào năm 2012 lên con số 38 vào năm 2015.

Hé lộ khối tài sản "khủng" của ái nữ "đại gia điếu cày" - Ảnh 1
Lê Thị Hoàng Yến hiện đang là CEO của chuỗi khách sạn Mường Thanh.

Đến năm 2016, CEO của chuỗi khách sạn Mường Thanh tiếp tục khai trương khách sạn 5 sao tại Thủ đô Viêng-Chăn (Lào). Chưa dừng lại ở đó, mục tiêu của cô con gái đầu “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản là đến năm 2018 sẽ đạt 50 khách sạn trên cả nước với tổng doanh thu 2.500 tỉ đồng.

Mặc dù chuỗi khách sạn Mường Thanh của CEO Lê Thị Hoàng Yến liên tục phình to về quy mô, nhưng lại gặp vô số những tai tiếng. Hàng loạt công trình khách sạn Mường Thanh bị phạt, thậm chí đình chỉ thi công trên khắp cả nước. Chỉ trong vòng 5 năm qua có tới 7 dự án khách sạn Mường Thanh xây dựng sai phép bị cơ quan chức năng phát hiện.

Các sai phạm này bao gồm: Dự án Khách sạn Mường Thanh Quảng Ngãi bị thu hồi vào tháng 5/2017; Khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột xây dựng không phép bị xử phạt trong năm 2016, Khách sạn Mường Thanh Khánh Hòa bị đình chỉ thi công cũng trong năm này. Trước đó, khách sạn Mường Thanh Mũi Né và Khách sạn Mường Thanh Sài Gòn cũng từng bị đình chỉ thi công, Khách sạn Mường Thanh Thanh Hóa và Mường Thanh Quảng Ninh bị phạt do không có giấy phép xây dựng.

Ngoài những sai phạm về xây dựng, chuỗi khách sạn Mường Thanh còn liên tiếp bị xử phạt về thực phẩm bẩn. Cụ thể, tháng 2/2017 cơ quan chức năng quyết định xử phạt hành chính Nhà hàng khách sạn Mường Thanh (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) 10 triệu đồng vì sử dụng nguyên liệu hết hạn để chế biến thực phẩm. Trước đó, tháng 1/2016 đoàn kiểm tra Liên ngành tỉnh Quảng Nam cũng tiến hành kiểm tra và phát hiện Khách sạn Mường Thanh Quảng Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, trong đó có việc sử dụng thực phẩm quá hạn.

Được biết, Tập đoàn Mường Thanh xây dựng khách sạn đầu tiên năm 1997 tại Điện Biên, nhưng hiện tại tập đoàn này đang sở hữu số khách sạn lên tới 60 cái gồm các thương hiệu: Mường Thanh, Mường Thanh Luxury, Mường Thanh Grand và Mường Thanh Holiday.

Bên cạnh đó, Mường Thanh còn sở hữu một số trung tâm giải trí như: Vinh Recreation Center, Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm và một số trung tâm thể hình...

Ban đầu, các khách sạn Mường Thanh được sở hữu bởi Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên - công ty phát triển bất động sản chủ chốt của ông Lê Thanh Thản.

Tuy nhiên, từ năm 2012, ông Thản đã thành lập thêm CTCP Tập đoàn Mường Thanh (Mường Thanh Group) làm đầu mối quản lý. Qua đó, sở hữu hệ thống khách sạn theo một tiêu chuẩn chất lượng và hình ảnh đồng nhất. Theo tìm hiểu, hiện Mường Thanh Group đang quản lý/sở hữu hơn 30 khách sạn Mường Thanh. Phần còn lại vẫn do Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên sở hữu hoặc 1 số pháp nhân khác sở hữu như Mường Thanh Grand Phương Đông thuộc sở hữu của CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông - công ty được gia đình ông Thản mua lại từ Ocean Group.

Tính đến tháng 1/2019, Mường Thanh Group có số vốn điều lệ lên tới 2684,4 tỉ đồng. Trong đó, ông Lê Thanh Thản nắm giữ 68,5%; phần còn lại do 3 cá nhân nắm giữ gồm bà Lê Thị Hoàng Yến (19%), ông Đỗ Trung Kiên (8,4%) và ông Lê Hải An (4%).

Đức Trọng

Bạn đang đọc bài viết Hé lộ khối tài sản "khủng" của ái nữ "đại gia điếu cày". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nhờ giá điện tăng, EVN đã thoát lỗ năm 2024
Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, nhờ tăng giá điện vào tháng 10/2024, EVN đã thoát lỗ năm qua. Tuy nhiên, con số chi tiết vẫn chưa được tập đoàn này công bố.
Việt Nam đã thành công trong kiểm soát CPI
Tính chung cả năm, CPI tăng 3,63% so với năm trước, vượt mục tiêu đề ra. Nếu so với tháng 12/2023, mức tăng là 2,94%. Như vậy, Việt Nam tiếp tục có thêm một năm thành công trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
GDP năm 2024 tăng 7,09%
Theo Tổng cục Thống kê, GDP năm 2024 tăng 7,09% so với năm trước. Mức này chỉ thấp hơn tốc độ tăng các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024.

Tin mới