Hàng triệu ha lúa chất lượng cao của Việt Nam cần quy hoạch như thế nào?
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính tại vùng Đồng bằng sông cửu Long (ĐBSCL).
1 triệu ha lúa chất lượng cao không quy hoạch cố định cho từng tỉnh
Vừa qua, trả lời trước báo chí, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Trần Thanh Nam nhấn mạnh việc xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao không có nghĩa là quy hoạch cố định về mặt địa điểm diện tích lúa được phân bổ cụ thể cho từng tỉnh, mà là trên cơ sở xây dựng những tiêu chí cơ bản về vùng lúa chuyên canh 1 triệu ha chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính.
Sau đó, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (vùng ĐBSCL), hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các hợp tác xã để định hướng, khuyến khích các thành phần tham gia xây dựng vùng lúa chất lượng cao, giảm thải khí nhà kính hiệu quả.
*Bộ đang định hướng xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao, ông có thể nói rõ hơn về nội hàm của vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao?
-Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Trước hết là sử dụng giống lúa xác nhận cho chất lượng cao, các giống lúa hướng đến đảm bảo về dinh dưỡng và nhu cầu chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng từ hạt gạo.
Thứ hai, vùng lúa chất lượng cao đảm bảo quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải khí nhà kính theo hướng áp dụng các quy trình canh tác bền vững, giảm sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giống...
Thứ ba, phải thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị giữa người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp để đảm bảo người dân được cung cấp đầu vào chất lượng, giá thấp và đầu ra giá trị gia tăng cao để mang lại lợi ích cho các bên tham gia...
Một điểm nữa là vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao phải được đầu tư phát triển bền vững, sẽ tạo niềm tin và thu nhập cao hơn cho người trồng lúa, giúp người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất lúa.
Doanh nghiệp dẫn dắt, khuyến nông cộng đồng làm cầu nối
* Để có thể xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, vai trò, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, địa phương... như thế nào?
-Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Đây là vấn đề khó, đòi hỏi có sự tham gia của các ngành, các cấp, nhất là vai trò của địa phương trong việc định hướng xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu và xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển hệ thống logistics, phát triển thương hiệu theo hướng lúa sinh thái, lúa phát thải thấp.
Các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt, cung ứng nguyên liệu đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra đảm bảo chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng cho người nông dân.
Đối với người nông dân trồng lúa và hợp tác xã giữ vai trò trực tiếp sản xuất và tổ chức lại sản xuất theo tiêu chuẩn, quy trình và thực hiện quy mô phát triển liên kết hợp tác sản xuất.
Sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao
- Để xây dựng vùng lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính, Bộ NN&PTNT có kế hoạch tổ chức thực hiện thế nào thưa ông?
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025 với diện tích khoảng 160.000ha ở 13 tỉnh để tập trung nguồn lực khoa học công nghệ, các chính sách hỗ trợ phát triển, từng bước lan tỏa rộng khắp các vùng sản xuất trên cả nước.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT xây dựng Đề án sản xuất bền vững 01 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao vùng ĐBSCL. Hiện tại, Bộ đang giao các đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng Đề án cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện.
Sẽ tăng thu nhập cho người trồng lúa?
* Khi thực hiện vùng lúa chất lượng cao, bộ có đặt mục tiêu hay kỳ vọng gì tăng thu nhập cho người trồng lúa?
- Đến bây giờ chúng tôi chưa tính sẽ tăng được bao nhiêu. Hiện chúng tôi mới đang thí điểm để nhân rộng nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng khi thực hiện thì sẽ tăng thêm giá trị gia tăng từ các sản phẩm từ gạo, từ việc giảm phát thải khí nhà kính, từ sử dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp và tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác xã quy mô lớn thì dễ đầu tư, giảm chi phí thì sẽ tăng giá trị cho người nông dân.
* Là một người gắn bó với nông nghiệp ĐBSCL rất nhiều năm, ông có đánh giá như thế nào về tính khả thi của đề án này?
- ĐBSCL là vùng trọng điểm lúa của cả nước, chiếm hơn 90% lúa xuất khẩu, với sản lượng 24 triệu tấn/năm, 1,6 triệu ha sản xuất lúa chuyên canh, tôi nghĩ rằng ý tưởng như tôi nói trên là hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, để chuyển đổi nhận thức của các bên doanh nghiệp, người dân, hợp tác xã và chính quyền một số địa phương thì họ phải có sự chuyển biến về nhận thức, tư duy để phối hợp, liên kết nhau để xây dựng các vùng nguyên liệu lớn thì mới đạt được các yêu cầu.
Đối với Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ thúc đẩy sự liên kết giữa các địa phương để làm sao chúng ta xây dựng các vùng nguyên liệu đạt yêu cầu. Thực ra đây là vấn đề khó, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm thì mới thực hiện được.
"Việc tổ chức triển khai xây dựng các vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, phát triển bền vững cần phải có thời gian và nguồn lực tổng thể, do vậy rất cần sự tham gia, liên kết hợp tác của chính quyền các địa phương vùng ĐBSCL, các bộ, ngành trung ương, đoàn thể chính trị xã hội trung ương, các tổ chức quốc tế, viện trường trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân để thống nhất trong chỉ đạo thực hiện, đảm bảo đủ nguồn lực về khoa học, kỹ thuật và vốn đầu tư nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, giúp người dân yên tâm sản xuất và làm giàu được từ sản xuất lúa gạo".
(Thứ trưởng Trần Thanh Nam)
Hà Anh