Hạn mặn khốc liệt có thể tái diễn tại ĐBSCL trong năm tới
Nhiều khả năng tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục tái diễn tại ĐBSCL trong mùa khô năm tới.
Theo Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam, dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa kiệt 2020-2021 thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm, chỉ tương đương với các năm có hạn mặn lịch sử 2015 - 2016 hoặc 2019 - 2020.
Lưu lượng bình quân tháng 12 thấp hơn so với trung bình và có cao hơn so với năm có hạn mặn lịch sử là 2015 - 2016 và 2019 - 2020.
Năm 2020 khu vực thượng nguồn Trung Quốc thiếu hụt tổng lượng mưa so với trung bình nhiều năm khoảng 10-20%. Các hồ thủy điện Trung quốc tích nước và xả nước cầm chừng, không có xả tràn, lượng xả nước mùa khô 2020 - 2021 dự báo trên dưới 1000 m3/s.
Mưa hạ lưu vực đã giảm, dự báo dòng chảy về đồng bằng giảm, mặn có xu hướng tăng dần trong tháng 12 và các tháng đầu mùa khô.
Dự báo tiềm năng nguồn nước mùa khô năm 2020 - 2021, nước về thấp ngay từ đầu mùa khô và mặn bất thường có thể xảy ra sớm ngay từ các tháng đầu mùa khô, tháng 12, tháng 1 và kéo dài tới tháng 5, có thể còn xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào theo vận hành thủy điện và các thời tiết cực đoan, triều cường, gió chướng.
Tại vùng thượng ĐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và Cần Thơ, nguồn nước hiện thuận lợi cho sản xuất, tận dụng thời điểm lấy nước ở các vị trí xa kênh trục.
Tại vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre: Nguồn nước còn thuận lợi cho sản xuất. Vùng không bị ảnh hưởng mặn có thể tưới tự chảy nhờ lợi dụng thủy triều.
Còn tại vùng ven biển ĐBSCL như Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang, dự báo 2021 là năm mặn hạn cao, xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long cao ngay ở tháng 1, tháng 2, duy trì cao trong tháng 3, giảm dần ở tháng 6.
Mùa khô 2019 - 2020, đồng bằng sông Cửu Long đã trải qua đợt hạn mặn kỷ lục. Mức độ khốc liệt còn hơn mùa khô năm 2016.
Số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, do hạn hán, xâm nhập mặn giai đoạn từ cuối năm 2019 đến tháng 4/2020, toàn vùng có gần 100 nghìn hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt. Số hộ thiếu nước sạch sinh hoạt tập trung tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau và Tiền Giang. Hạn, mặn cũng đã gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất lúa ở các địa phương.
Bên cạnh đó, hiện đã có gần 29.700 ha vụ mùa 2019 và Đông - Xuân 2019 - 2020 ở ĐBSCL bị thiệt hại, đứng trước nguy cơ mất trắng. Dự báo, thời gian tới, toàn vùng sẽ có thêm khoảng 332.000 ha lúa Đông - Xuân, 136.000 ha cây ăn quả khả năng bị ảnh hưởng.
Trước tình hình hạn, mặn diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh trong vùng cần có lộ trình, bước đi trước mắt và lâu dài để bảo đảm phát triển bền vững; đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong công nghiệp, dịch vụ, tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi để các lĩnh vực này đem lại hiệu quả.
Hà My