Thứ tư, 24/04/2024 01:28 (GMT+7)
Thứ năm, 12/03/2020 08:15 (GMT+7)

Hạn mặn gay gắt, Trung Bộ và Nam Bộ gồng mình ứng phó

Theo dõi KTMT trên

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, trong những ngày tới, mực nước trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục xuống dần. Trong khi đó, xâm nhập mặn ở ĐBSCL tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất trong ngày 12 và 13/3.

Mực nước sông xuống kỷ lục, Trung Bộ và Tây Nguyên đối mặt khô hạn cục bộ

Theo dự báo, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có khả năng có mưa vào ngày 14, 17-18/3, các khu vực khác không mưa.

Khu vực Bắc Trung Bộ có tổng lượng mưa cao hơn TBNN từ 10-20%, các nơi khác phổ biến thấp hơn TBNN, trong đó tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên phổ biến không mưa.

Hạn mặn gay gắt, Trung Bộ và Nam Bộ gồng mình ứng phó - Ảnh 1
Dự báo khô hạn và thiếu nước cục bộ sẽ diễn ra trong những ngày tới tại Trung Bộ và Tây Nguyên. (Ảnh minh họa)

Trong những ngày tới, mực nước trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục xuống dần. Trên một số sông có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ.

Tổng lượng dòng chảy trên các sông phổ biến ở mức thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 10-70%, một số sông thấp hơn 85%; riêng các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình ở mức xấp xỉ và trên TBNN cùng kỳ.

Hạn mặn gay gắt, Trung Bộ và Nam Bộ gồng mình ứng phó - Ảnh 2
Dự báo nguồn nước trên các sông chính ở Trung Bộ và Tây Nguyên từ ngày 11-20/3/2020

Trong tuần tới, nguy cơ xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Cấp độ rủi ro do hạn hán: Cấp 1.

Xâm nhập mặn tiếp tục bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

Trong thời kỳ 10 ngày tới, khu vực Nam Bộ vẫn duy trì tình trạng ít mưa, ngày nắng, trong đó các tỉnh miền Đông Nam Bộ tiếp tục có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, miền Tây Nam Bộ thấp hơn khoảng 1-2 độ .

Hạn mặn gay gắt, Trung Bộ và Nam Bộ gồng mình ứng phó - Ảnh 3
Anh Phạm Thanh Phong, 48 tuổi, ở ấp 4, xã Bình Thành (Giồng Trôm, Bến Tre) cùng vợ mang lưỡi lái ra ruộng lúa 8 công được hai tháng tuổi để cắt về cho bò ăn. Khu vực này có đến vài ha lúa rơi vào tình cảnh tương tự. (Ảnh: Vietnamnet)

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, mực nước thượng lưu sông Mê Công trong 10 ngày tới biến đổi chậm và thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,1-0,8m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu dao động theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,30m; tại Châu Đốc 1,45m tương đương cùng kỳ năm 2016.

Theo đó, từ ngày 12-20/3, xâm nhập mặn tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất từ ngày 12-13/3, từ ngày 14-20/3, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần. Độ mặn cao nhất trong đợt này ở mức tương đương và một số trạm cao hơn đợt mặn ngày 10-13/02, cũng như cùng kỳ năm 2016.

Dự báo, chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 110-130km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, sông Hàm Luông có phạm vi xâm nhập mặn 65- 95km.

Hạn mặn gay gắt, Trung Bộ và Nam Bộ gồng mình ứng phó - Ảnh 4
Ông Lương Văn Hiếu, 58 tuổi, ở ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Thạnh (Giồng Trôm, Bến Tre) đứng trên cánh đồng nứt nẻ, nhìn xa xăm: “Lúa đang trổ gặp cảnh này chắc lép hết. Giờ chỉ mong trời mưa hay con nước tới, nước dưới kênh đỡ mặn để bơm lên ruộng, không thì “đứt” luôn”. 3 công lúa đang trổ nên suốt 10 ngày qua, ngày nào ông Hiếu cũng ra thăm đồng. (Ảnh: Vietnamnet)

Phạm vi xâm nhập mặn các sông: Cổ Chiên là 60-65km; sông Hậu là 60-67km; sông Cái Lớn: Phạm vi xâm nhập mặn 55-65km. Chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này có khả năng ở sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 90-110km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại phạm vi xâm nhập mặn 55-60km;

Sông Hàm Luông có phạm vi xâm nhập mặn 68-80km; Sông Cổ Chiên có phạm vi xâm nhập mặn 55-68km; Sông Hậu có phạm vi xâm nhập mặn 60-67km; Sông Cái Lớn phạm vi xâm nhập mặn 55-58km.

Trong thời gian tiếp theo của mùa khô, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường; do các hồ chứa ở thượng nguồn chưa tăng lượng xả, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 4/2020.

Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập, sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trầm trọng hơn.

Các chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến nghị, trong đợt mặn cao điểm này, các địa phương hạn chế tưới (tưới nước tối thiểu) nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn.

Đối với các lồng bè, ao nuôi thủy sản chưa thả giống cần kiểm tra độ mặn nước trên sông, kênh không nên thả giống nuôi khi nồng độ mặn đang tăng cao.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Hạn mặn gay gắt, Trung Bộ và Nam Bộ gồng mình ứng phó. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.