Thứ sáu, 22/11/2024 22:29 (GMT+7)
Thứ tư, 29/12/2021 07:06 (GMT+7)

Hải quan Việt Nam và Trung Quốc hội đàm tìm giải pháp cho ùn ứ cửa khẩu

Theo dõi KTMT trên

Ngày 29/12, Hải quan các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Quảng Ninh sẽ hội đàm với Hải quan Nam Ninh của Trung Quốc nhằm tìm cách tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thông quan hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản qua biên giới đang bị tắc nghẽn.

Thông tin về cuộc hội đàm trên được Hải quan tỉnh Lạng Sơn xác nhận. Đồng thời, tỉnh Lạng Sơn cũng đang chuẩn bị thiết lập “vùng đệm an toàn” trong phòng chống dịch tại các cửa khẩu, nhằm đáp ứng chính sách “Zero covid” của các cơ quan hữu quan bên phía Trung Quốc.

Các nỗ lực này được thực hiện trong bối cảnh hàng nghìn xe chở hàng vẫn ùn ứ kéo dài nhiều ngày qua tại các cửa khẩu với Trung Quốc. Tính đến ngày 25/12, lượng xe hàng còn tồn ở Quảng Ninh là 1.555 xe, tại Lạng Sơn là 4.204 xe. Hầu hết trong số này là các xe chở nông sản, trong đó 80% là mặt hàng trái cây dễ hư hỏng. Trong khi đó, năng lực thông quan tại các cửa khẩu hiện chỉ dao động khoảng 78-90 xe/ngày, khiến thời gian giải quyết số xe ùn ứ có thể mất nhiều tháng.

Hải quan Việt Nam và Trung Quốc hội đàm tìm giải pháp cho ùn ứ cửa khẩu - Ảnh 1
Xe chở hàng hóa ùn ứ tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, chờ nhiều ngày nhưng chưa thể thông quan.

Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng gửi Văn bản số 9370/UBND-NV cho các cơ quan, đơn vị của tỉnh triển khai những giải pháp để khắc phục tình trạng tồn đọng hàng hóa xuất nhập khẩu trên địa bàn, đồng thời tạo điều kiện lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Mặt khác, việc đàm phán với các đối tác để sớm thúc đẩy hoạt động thông quan, Quảng Ninh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương rà soát lượng hàng nông, lâm, thủy sản của người dân, doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tới, nhất là trong mùa thu hoạch vụ cuối năm.

Đáng chú ý, các chi tiết trong việc phân loại, đóng gói, chuẩn hóa bao bì và phân rõ chất lượng, chủng loại phù hợp với tiêu chuẩn giao nhận của phía Trung Quốc cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ninh hướng dẫn. Đây là bước đầu thực hiện phân loại ngay từ vùng nguồn để tránh tình trạng xe ồ ạt đổ về các cửa khẩu như hiện nay.

Bên cạnh đó, các cơ quan hành chính cũng tích cực tuyên truyền, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển dần sang hình thức xuất khẩu chính ngạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, để không chỉ đáp ứng yêu cầu của nước bạn, thúc đẩy tăng tốc độ thông quan mà đây còn là cơ hội để mở rộng thị trường sang các quốc gia “khó tính” khác.

Giải pháp trên cũng không đơn giản do hiện nay Việt Nam mới chỉ có 9 loại nông sản gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt được kí Nghị định thư về nhập khẩu chính ngạch. Trong khi đó, do số lượng sản phẩm được xuất chính ngạch còn hạn chế và việc xuất khẩu tiểu ngạch được Trung Quốc tạo điều kiện giảm thuế quan đã khiến doanh nghiệp Việt Nam không mặn mà lắm với việc xuất khẩu chính ngạch.

Theo thống kê thực tế, hiện nay chỉ có 3% doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Các biện pháp tuyên truyền, thông tin về tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu và khả năng thông quan ít ỏi do các biện pháp phòng dịch của phía Trung Quốc cũng đang được các tỉnh giáp biên giới đẩy mạnh tới các doanh nghiệp, nhằm tránh tình trạng các xe container chở hàng vẫn tiếp tục dồn về các cửa khẩu, tạo thêm gánh nặng cho các khu vực đã ùn ứ kéo dài nhiều ngày nay.

Đề xuất chở hàng sang Trung Quốc bằng đường sắt

Tại Hội nghị tổng kết năm 2021 của Tổng cục Hải quan sáng 27/12, ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó cục trưởng Hải quan Lạng Sơn đã kiến nghị việc chở hàng qua biên giới bằng đường sắt.

Theo tính toán, hiện nay, Lạng Sơn vẫn còn hơn 4.200 xe, với tốc độ thông quan khoảng 78-90 xe/ ngày thì cho đến Tết Nguyên Đán cũng không thông quan được hết số xe hàng đang ùn ứ tại các cửa khẩu. Số lượng xe có thể giải phóng được chỉ khoảng hơn 1.000 xe. Hơn nữa, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục siết chặt quản lý người và hàng hóa qua biên giới đến 15/3/2022.

Vì vậy, Phó cục trưởng Hải quan Lạng Sơn đề xuất với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan khuyến cáo doanh nghiệp xuất nhập khẩu để chuyển phương thức giao nhận sang bằng đường sắt. "Đường sắt rất thuận lợi trong bối cảnh Trung Quốc thực hiện Zero Covid hiện nay vì không liên quan đến người. Cả đoàn tàu chỉ có tổ vận hành", ông đánh giá.

Mới đây, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu doanh nghiệp không đưa thêm hàng lên cửa khẩu, các bộ, ngành tích cực làm việc với Trung Quốc để giải phóng sớm nhất lượng xe ùn ứ. Bên cạnh Lạng Sơn, khu vực cửa khẩu tại Quảng Ninh tính đến ngày 25/12 cũng còn tồn đọng 1.555 xe hàng.

Theo tính toán của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tình trạng ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu kéo dài có thể khiến các doanh nghiệp thiệt hại lên tới 4.000 tỷ đồng. Để hỗ trợ doanh nghiệp, chủ hàng, tỉnh Lạng Sơn quyết định giảm phí lưu kho bãi, ra vào bến xe trung chuyển cửa khẩu; Cấp nước, mỳ... cho các tài xế đang kẹt tại cửa khẩu.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hải quan Việt Nam và Trung Quốc hội đàm tìm giải pháp cho ùn ứ cửa khẩu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới