Hải quan lấy mẫu đá vôi, rà soát, siết chặt gian lận mã hàng
Ngày 31/12, Tổng cục Hải quan khẳng định, mặt hàng đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng hiện vẫn áp dụng theo tiêu chuẩn TCVN 6072:2013, chưa có tiêu chuẩn bổ sung, thay thế.
Cơ quan hải quan cũng khẳng định đã lấy mẫu phân tích, rà soát lại để chống gian lận trong khi khai báo mã hàng nhằm hưởng lợi thuế.
Trước đó, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động này tại cửa khẩu theo quy định.
Ngày 30/10, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 6981//TCHQ-GSQL về giấy phép thu hồi đá vôi, đôlômít và công văn số 8019/TCHQ-TXNK ngày 22/12/2020 hướng dẫn phân loại mặt hàng đá. Theo đó, mặt hàng xuất khẩu là, đá vôi, đá chứa canxi (trừ nhũ đá vôi, đá vôi trắng và đá hoa trắng), đáp ứng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6072:2013 thì thuộc nhóm 25.21.
Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố rà soát các tờ khai xuất khẩu và hồ sơ xuất khẩu đối với mặt hàng khai báo là đá vôi, đá chứa canxi, đá xây dựng..., đáp ứng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6072:2013 nhưng chưa phân loại thuộc nhóm 25.21 nêu tại điểm 1 công văn số 8019/TCHQ-TXNK để thực hiện phân loại và áp dụng mức thuế đúng quy định, thu đủ thuế và xử phạt theo quy định.
Nhưng khi hải quan có công văn hướng dẫn phân loại, một số DN xuất khẩu khai báo là đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi nên kiến nghị áp dụng Điểm g Khoản 1 Điều 64 Luật Khoáng sản. Các doanh nghiệp này cho rằng, mặt hàng đá xuất khẩu đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất xi măng pooc lăng theo tiêu chuẩn Việt Nam nhưng không đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam thì mặt hàng thuộc Danh mục khoáng sản làm vật liệu thông thường.
Để làm rõ vấn đề, các cơ quan quản lý đã làm việc căn cứ theo nội dung đã được trao đổi thống nhất giữa Tổng cục Hải quan, đại diện Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) và đại diện Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) và kết quả công tác kiểm soát cho thấy, kiến nghị “việc áp dụng Điểm g Khoản 1 Điều 64 Luật Khoáng sản là chưa đầy đủ của một số các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng khai báo là đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi’’ nêu trên là không có căn cứ.
Liên quan tới lô hàng của 2 doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận trong khi khai báo mã hàng nhằm hưởng lợi thuế, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ lấy mẫu để phân tích phân loại đối với 2 lô hàng thuộc tờ khai số 303659537921, số vận đơn 122000013145632 của Công ty TNHH XK Quốc tế GIMEXCO ngày 17/12/2020 khai báo, đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi, đã được gia công đập nghiền, sàng, dùng làm vật liệu xây dựng khối lượng dung sai 10% (2 dòng hàng), mã số 2517.49.00.30 (thuế suất thuế xuất khẩu 15%).
Ngoài ra, hải quan cũng đang làm rõ lô hàng thuộc tờ khai số 303658143520 ngày 17/12/2020, số vận đơn 122000013130121 của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Toàn Cầu Thành Đạt, khai báo, đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi dạng viên có kích thước 40-90 mm thu được từ quá trình đập, nghiền, sàng, tuyển dùng làm vật liệu xây dựng, mã số 2517.49.00.30 (thuế suất thuế xuất khẩu 15%) được mở tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cẩm Phả.
Trên cơ sở kết quả giám định ngày 25/12 của Chi nhánh công ty cổ phần giám định và khử trùng FCC tại Hải Phòng, thông báo kết quả phân tích các mẫu hàng thuộc 2 tờ khai trên là đá có nguồn gốc từ đá vôi có thành phần canxi cacbonat (CaC03) trên 85% và magie cacbonat (MgC03) dưới 7%, vì vậy áp mã số 2521.00.00 (thuế suất thuế xuất khẩu 17%).
Anh Minh