Hải Phòng: Huyện An Dương lên quận, huyện Thủy Nguyên lên thành phố từ ngày 1/1/2025
Từ ngày 1/1/2025, huyện Thủy Nguyên chính thức trở thành thành phố trực thuộc TP.Hải Phòng, huyện An Dương cũng chính thức trở thành quận. Thủy Nguyên sẽ là thành phố trực thuộc thành phố đầu tiên tại miền Bắc.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết 1232/NQ-UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP.Hải Phòng giai đoạn 2023-2025. Nghị quyết này đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá xv thông qua tại phiên họp ngày 24/10/2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025
Đưa Thủy Nguyên trở thành cửa ngõ công nghiệp của TP.Hải Phòng
Huyện Thủy Nguyên sẽ chính thức lên thành phố từ ngày 1/1/2025 với 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 phường và 4 xã. Mô hình TP.Thủy Nguyên trở thành thành phố trực thuộc TP.Hải Phòng hiện đang có tại TP.HCM, khi TP.Thủ Đức là thành phố trực thuộc thành phố.
Theo đó, sẽ nhập 1 phần diện tích tự nhiên phường Đông Hải 1 (quận Hải An) và xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên và chính thức thành lập TP.Thủy Nguyên. Sau thành lập, thành phố Thủy Nguyên có diện tích là 269,10km2 và quy mô dân số là 397.570 người. Các xã, thị trấn của TP.Thủy Nguyên phần lớn được thành lập lại thành phường.
Sau khi sắp xếp, TP.Thủy Nguyên có 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 phường và 4 xã: Bạch Đằng, Liên Xuân, Ninh Sơn, Quang Trung. Trong đó, nhiều phường được sáp nhập từ dân số và diện tích tự nhiên của các xã trước đó. Có một số phường, thị trấn vẫn giữ nguyên địa giới hành chính và dân số tự nhiên.
Trong thời gian tới, huyện Thủy Nguyên đang tập trung vào 5 mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đó là: Thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng cường thu ngân sách để xây dựng và phát triển huyện Thủy Nguyên trở thành trọng điểm phát triển kinh tế của thành phố. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ. Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; đẩy mạnh phát triển dịch vụ, trọng tâm là thương mại, du lịch. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thủy sản và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị theo hướng hiện đại, thông minh. Xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền.
Theo quy hoạch, huyện Thủy Nguyên sẽ trở trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính và là cửa ngõ công nghiệp của TP.Hải Phòng với hành lang công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Đưa An Dương trở thành không gian đô thị mới phía Tây TP.Hải Phòng
Theo Nghị quyết của Quốc hội, quận An Dương được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 78,96km2 và quy mô dân số là 171.227 người của huyện An Dương. Quận An Dương bao gồm 10 phường: An Đồng, An Hải, An Hòa, Đồng Thái, Hồng Phong, Hồng Thái, Lê Lợi, Lê Thiện, Nam Sơn và Tân Tiến. Quận An Dương giáp các quận Hồng Bàng, Kiến An, Lê Chân, huyện An Lão và tỉnh Hải Dương.
Quận An Dương được xác định là không gian đô thị mới phía Tây thành phố, trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics, trung tâm thương mại dịch vụ, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ vùng Duyên hải Bắc bộ.
Cũng theo định hướng, huyện An Dương sẽ bổ sung các chức năng và hạ tầng đô thị nhằm giảm tải cho trung tâm đô thị lịch sử. Các trung tâm thương mại dịch vụ đa chức năng trên tuyến đường trục chính đô thị, trung tâm dịch vụ logistics, công nghiệp trên quốc lộ 10 và quốc lộ 5, các khu chức năng công cộng cấp vùng về y tế, giáo dục và dịch vụ thương mại sẽ được xây dựng...
Cùng với đó, cũng Nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP.Hải Phòng, cụ thể: Huyện Tiên Lãng sau khi sắp xếp có 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 18 xã và 1 thị trấn. Huyện Vĩnh Bảo, sau khi sắp xếp có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 19 xã và 1 thị trấn.
Huyện Kiến Thụy sau sắp xếp có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 15 xã và 1 thị trấn. Quận Ngô Quyền sau sắp xếp có 8 phường; quận Lê Chân, có 7 phường; quận Kiến An có 7 phường.
Phạm Hương