Thứ sáu, 22/11/2024 22:48 (GMT+7)
Thứ ba, 02/03/2021 15:53 (GMT+7)

Hài hòa giữa sinh kế của con người và sinh cảnh của động vật quý hiếm

Theo dõi KTMT trên

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam Trần Văn Thu cho biết: Chà vá chân xám là loài thú linh trưởng đặc hữu của Việt Nam, chúng chỉ phân bố ở 5 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Hài hòa giữa sinh kế của con người và sinh cảnh của động vật quý hiếm - Ảnh 1
Đàn Voọc Chà vá chân xám phát hiện tại núi Hòn Dồ, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Hữu Trung-Văn Tuấn/TTXVN)

Động vật quý hiếm đối mặt với môi trường sống bị thu hẹp

Kết quả khảo sát của Trung tâm GreenViet trong tháng 10/2020, trên khoảng 30 ha rừng tự nhiên ở núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông và Dương Bản Lầu thuộc thôn Tú Mỹ và Tịnh Sơn, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) có 68 cá thể Chà vá chân xám trong 6 đàn (gia đình). Đây là quần thể duy nhất trên thế giới dễ dàng quan sát được ngoài tự nhiên.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam Trần Văn Thu nhấn mạnh: Chà vá chân xám thuộc nhóm IB trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về  buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES).

Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành (Quảng Nam) Ngô Đức An chia sẻ: Mối đe dọa chính đến sự tồn tại và phát triển của loài gồm mất rừng, suy thoái rừng, chia cắt sinh cảnh, bị cô lập, săn bắn, bẫy bắt phục vụ các nhu cầu hiếu thị của một bộ phận người dân như làm thức ăn, nuôi làm cảnh, nấu cao, ngâm rượu dẫn đến số lượng quần thể ngoài tự nhiên suy giảm về số lượng và chất lượng. Vì vậy, định hướng ưu tiên bảo tồn nguyên vị tại các hệ sinh thái rộng lớn và các quần thể sống trong các hệ sinh thái bị cô lập như ở xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành được tỉnh Quảng Nam ưu tiên hàng đầu.

Mặt khác, sinh cảnh khu vực Chà Vá chân xám sinh sống là dải rừng nghèo, hẹp trên núi đá, chiều ngang dao động khoảng 50 - 150m. Rừng tự nhiên giữa các hòn núi bị chia cắt từ 1 - 3km bởi rẫy trồng keo của người dân và bị cô lập với các hệ sinh thái rừng tự nhiên khác khoảng cách 7 - 10km. Mối đe dọa đến sự sinh tồn của quần thể gồm cả yếu tố tự nhiên như thiếu thức ăn, nơi ở, khó chống chịu lúc thời tiết quá nóng hoặc lạnh. Nguy cơ thoái hóa nguồn gen do giao phối cạnh huyết. Các tác động từ con người gồm nguy cơ săn bắn, bẫy bắt, cháy rừng, lấn chiếm rừng làm rẫy là những yếu tố đặc biệt quan trọng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của loài động vật đặc biệt quý hiếm này, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Ngô Đức An băn khoăn.

Hài hòa giữa sinh kế của con người và sinh cảnh của động vật quý hiếm

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam Trần Văn Thu cho biết: Đề án Bảo tồn loài Chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn 205 với mục tiêu cụ thể là bảo tồn và phát triển bền vững được quần thể khoảng 68 cá thể Chà vá chân xám - quần thể duy nhất trên thế giới có thể quan sát dễ dàng ngoài tự nhiên, loài cực kỳ nguy cấp, đặc hữu của Việt Nam. Việc bảo tồn chúng không những có giá trị về khoa học mà còn thành một điểm đến quan trọng phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục nâng cao nhận thức và phát triển du lịch sinh thái cho địa phương. Kinh phí thực hiện Đề án là trên 64 tỉ đồng, được huy động từ nhiều nguồn khác nhau gồm vốn ngân sách Nhà nước, nguồn trợ của doanh nghiệp du lịch, tổ chức quốc tế và nguồn xã hội hóa khác.

Trong giai đoạn hiện tại, mục tiêu cụ thể là bảo vệ nghiêm ngặt 30 ha rừng tự nhiên hiện có và phục hồi 30 ha cây bản địa tạo thành vùng đề xuất quy hoạch rừng đặc dụng với diện tích 60 ha tại Hòn Dồ, Dương Bông, Hòn Ông và Dương Bản Lầu để đảm bảo sinh cảnh sống cho 68 cá thể Chà vá chân xám. Đến năm 2030, nâng tổng diện tích môi trường sống mà Chà vá chân xám có thể sử dụng lên 150 ha nhằm đáp ứng sự tồn tại và phát triển của quần thể cũng như phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục nâng cao nhận thức và du lịch sinh thái bền vững, góp phần phát triển sinh kế địa phương. Bên cạnh đó, Đề án góp phần bảo tồn hiệu quả hơn đối với ít nhất 111 loài thực vật, 17 loài thú, 46 loài chim, 21 loài lưỡng cư – bò sát và 92 loài côn trùng. Trong đó có một số loài động vật quý, hiếm cần ưu tiên bảo tồn ngoài Chà vá chân xám như Cầy vòi hương, Khỉ đuôi lợn, Khỉ vàng, Cheo cheo, Mang, Cu li nhỏ, Lợn rừng..., Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam Trần Văn Thu cho biết thêm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Ngô Đức An chia sẻ: Đề án Bảo tồn loài Chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là nỗ lực lớn của tỉnh Quảng Nam trong việc bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm. Với diện tích sống nhỏ hơn nhu cầu tối thiểu nên phương án bảo tồn nguyên vị, mở rộng sinh cảnh sống thông qua trồng rừng tự nhiên, trồng gỗ lớn với sự tham gia của cộng đồng gắn với công tác quản lý chặt chẽ của Nhà nước là phương án tối ưu nhất cho khu vực này.

Tuy nhiên, để Đề án thật sự có hiệu quả, trước mắt cần phải bảo vệ nghiêm ngặt được 30 ha rừng tự nhiên thuộc loại rừng sản xuất tại núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông và Dương Bản Lầu; trồng và phục hồi thêm 30 ha rừng tự nhiên để kết nối sinh cảnh 4 hòn lại với nhau để đảm bảo tối thiểu 60 ha làm sinh cảnh sống cho loài. Phạm vi này được gọi là vùng lõi, là khu bảo vệ nghiêm ngặt, chuyển đổi sang mục đích rừng đặc dụng. Vùng xung quanh phạm vi này với tổng diện tích khoảng 90 ha là rẫy trồng keo của người dân được xem là vùng đệm, vùng phục hồi sinh thái nhằm hạn chế các tác động đến vùng lõi và tạo thêm không gian sống cho loài Chà vá chân xám.

Về định hướng, sẽ mở rộng được 150 ha sinh cảnh sống phù hợp cho loài Chà vá chân xám. Cụ thể, chuyển đổi 60 ha rừng sản xuất lên rừng đặc dụng và thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chà vá chân xám, còn 90 ha thuộc quyền sử dụng của người dân nhưng có sự hỗ trợ, hợp tác của Nhà nước để phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, trồng cây rừng hoặc cây lâm nghiệp vừa tạo môi trường sống cho Chà vá chân xám vừa đảm bảo quyền lợi, lợi ích kinh tế cho người dân thông qua mô hình đồng quản lý.

 Mặt khác, thực hiện Đề án, toàn bộ diện tích nương rẫy vẫn thuộc quyền sử dụng của người dân nên cần xây dựng điều lệ phù hợp để đảm bảo quyền lợi cũng như trách nhiệm của người tham gia góp vốn. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc chuyển đổi dần trồng và phục hồi cây rừng tự nhiên, trồng cây gỗ lớn nhằm đảm bảo mục tiêu tạo được sinh cảnh sống cho loài Chà vá chân xám sống, tạo hệ sinh thái tự nhiên phục vụ du lịch sinh thái, học tập trải nghiệm và quyền lợi của tất cả những người dân tham gia vào mô hình này. Như vậy, quyền lợi và sinh kế của người con người cũng như sinh cảnh của các loài động, thực vật quý hiếm không có sự xung đột lớn. Đây chính là yếu tố quan trọng nhất để Bảo tồn loài Chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Trong các chuyến khảo sát về Chà vá chân xám ở huyện Núi Thành, sinh cảnh của đàn Voi ở huyện Nông Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh: Mở rộng sinh cảnh, đa dạng nguồn thức ăn cho các loài động vật quý hiếm là yêu cầu vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài. Tỉnh Quảng Nam kiên quyết không vì phát triển kinh tế mà đánh mất hoặc có tác động mạnh đến sự tồn tại, phát triển của các động vật quý hiến này. Tỉnh tiếp tục có nhiều giải pháp khả thi để không làm mất rừng, suy thoái rừng, chia cắt sinh cảnh dẫn đến tình trạng sinh cảnh sống của các loài động vật quý hiếm bị cô lập dẫn đến số lượng, chất lượng quần thể ngoài tự nhiên suy giảm.

Đối với sinh cảnh của đàn Chà vá chân xám ở huyện Núi Thành, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng ít nhất 150 ha từ rừng sản xuất thành rừng đặc dụng, phát triển một số cây bản địa nhằm mở rộng sinh cảnh, đa dạng nguồn thức ăn, đảm bảo môi trường sống phù hợp cho sự phát triển bền vững của quần thể linh trưởng quý, hiếm này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Đoàn Hữu Trung

Bạn đang đọc bài viết Hài hòa giữa sinh kế của con người và sinh cảnh của động vật quý hiếm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới