Hải Dương: Công an vào cuộc xử lý việc dùng phế thải san lấp tại huyện Cẩm Giàng
Công an đang vào cuộc xác minh xử lý vụ đổ phế thải trên diện tích hàng chục nghìn m2 tại xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Theo các nghiên cứu khoa học việc dùng các chất thải rắn tích lũy dưới đất trong thời gian dài sẽ khiến đất bị ảnh hưởng. Chất thải xây dựng khó phân hủy như gạch, ngói, thủy tinh, dây cáp, bê tông, kim loại, chất độc ô nhiễm còn có thể thâm nhập vào cơ thể con người theo chuỗi thức ăn và nước uống dẫn đến hàng loạt nguy cơ đến sức khỏe người dân.
Sự quản lý thiếu chặt chẽ của các cơ quan chức năng để cho các nhà thầu thay vì đổ cát công trình theo hồ sơ thiết kế, đơn vị thi công đã dùng chất thải xây dựng để san lấp nền, hàng nghìn khối vật liệu thải từ các công trình được đơn vị thi công dùng để san lấp mặt bằng tại các dự án không đúng theo quy định về tiêu chuẩn trong thi công, tác động đến môi trường đất cũng như ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng để tránh nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người, hoạt động này cần phải được quản lý chặt chẽ từ đầu ra.
Dùng vật liệu thải xây dựng để san lấp hàng nghìn m2 đất dự án
Thời gian gần đây, nhiều người dân tại thôn Chi Mai (xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) phản ánh về tình trạng xe chở vật liệu như bê tông nhựa (bê tông asphalt dùng để phủ mặt đường), đất, gạch vỡ, đất bùn về đổ tại khu đất trống trên địa bàn thôn.
Nhận được phản ánh, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có mặt tại hiện trường. Theo quan sát, đúng như những gì người dân phản ánh, tại mặt bằng khu đất trống hàng nghìn m2 này đang ngổn ngang bùn đất, bê tông nhựa vụn, gạch vỡ....
Thông tin từ người dân tại đây cho biết, khu đất trống này sắp được xây dựng bệnh viện tư nhân, còn chủ của dự án này là ai thì không rõ.
Sau khi ghi nhận thực tế, ngày 10/10, Phóng viên đã có buổi làm việc tại UBND xã Tân Trường (Cẩm Giàng, Hải Dương). Tại đây, ông Bùi Văn Đức, cán bộ địa chính xã cho biết, khu đất trống này là 2 dự án của 2 người.
Cụ thể, 2 dự án nằm cạnh nhau có diện tích 4.996m2 và 4.998m2 của ông Nguyễn Hữu Thắng và ông Trịnh Đình Hùng. 2 dự án được UBND huyện Cẩm Giàng cho thuê với mục đích làm cơ sở kinh doan văn phòng phẩm, tạp hóa ...và làm cơ sở kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh. Cả 2 dự án này được UBND huyện Cẩm Giàng phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 4/2020.
Đến ngày 13/10, UBND xã Tân Trường đã lập biên bản kiểm tra hiện trường. Theo đó, 2 ông Nguyễn Hữu Thắng và ông Trịnh Đình Hùng đã thừa nhận việc có sử dụng chất thải rắn xây dựng dùng để san lấp mặt bằng tại dự án.
Ông Nguyễn Khắc Nghĩa - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Giàng cho biết, sẽ cử cán bộ xuống thực tế để nắm rõ tình hình, có kết quả cụ thể sẽ thông tin lại.
Để tiếp tục làm rõ hành vi san lấp chất thải rắn xây dựng này, phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã cung cấp thông tin tới Công an huyện Cẩm Giàng.
Theo đó, lực lượng chức năng cũng đã vào cuộc. Bước đầu xác minh, công an huyện Cẩm Giàng cho biết, sau khi được báo chí phản ánh, lãnh đạo Công an huyện đã cử cán bộ xuống ghi nhận. Tại hiện trường dự án có những vật liệu thải xây dựng được đổ và san lấp. Hiện tại, phía Công an huyện Cẩm Giàng đã lập biên bản hiện trạng.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Hữu Thắng là một trong những người chủ dự án trên xác nhận có việc dùng chất thải xây dựng để đem san lấp vào dự án.
Xử lý các mạnh việc dùng chất thải rắn không đúng quy định
Mới đây, tỉnh Hải Dương vừa ra Quyết định xử phạt cá nhân thực hiện hành vi: Chuyển giao chất thải rắn thông thường không đúng quy định.
Theo Quyết định số 2406/QĐ – XPHC , ngày 30/10/2023 của UBND tỉnh Hải Dương xử phạt vi phạm hành chính đối với: Ông Phạm Văn Long (Hộ khẩu đăng ký thường trú tại số 38/108 đường Lê Thánh Tông, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng).
Cụ thể: Từ khoảng tháng 4/2022 đến tháng 7/2022, tại khu đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng của hộ gia đình bà Phạm Thị Chuyền (thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ông Phạm Văn Long chuyển giao 199.060 kg chất thải rắn thông thường cho ông Đặng Quốc Cường (thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) không có chức năng, năng lực xử lý.
Hành vi trên đã vi phạm quy định tại Điểm n, Khoản 8, Điều 26 Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ông Phạm Văn Long bị phạt số tiền 225 triệu đồng.
Tỉnh Hải Dương buộc ông Long chuyển giao 199.060 kg chất thải rắn thông thường cho đơn vị có chức năng xử lý. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày.
Trước đó vào ngày 24/7/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Bình Giang (Hải Dương) đã ra Quyết định số 49/QĐ – KTVA khởi tố vụ án hình sự và Quyết định số 115/QĐ-KTBC khởi tố bị can đối với ông Đặng Quốc Cường về tội "Gây ô nhiễm môi trường".
Hiện, công an huyện Cẩm Giàng tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
Theo TS.Tống Tôn Kiên - Khoa Vật liệu xây dựng, trường Đại học Xây dựng, PTXD rất phong phú và đa dạng về chủng loại. Chất lượng vật liệu này cũng rất khác nhau khi thu gom từ các nguồn, công trình. "Các thành phần chính của PTXD bao gồm các mảnh vỡ của bê tông xi măng; gạch đất nung, gạch ceramic ốp, lát; vữa xi măng - cát, vữa tam hợp vôi - xi măng; kính xây dựng; thạch cao xây dựng... Tất cả đều có khả năng tái chế thành các loại vật liệu thông dụng phù hợp với yêu cầu cũng như mang lại hiệu quả kinh tế khác nhau. Có thể dùng tất cả các loại phế thải xây dựng làm vật liệu san nền cho công trình, làm cốt liệu tái chế cho bê tông và vữa xây dựng" - TS Tống Tôn Kiên cho hay.
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá, việc tận dụng phế thải làm vật liệu tiết kiệm nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt đang ngày đêm bị khai thác, tận dụng các loại vật liệu phế thải tại công trường giảm chi phí vận chuyển, đồng thời, tăng hiệu suất sử dụng các loại vật liệu tự nhiên. Việc sử dụng vật liệu tái chế có thể chế tạo được các loại sản phẩm có giá thành thấp hơn vật liệu chế tạo mới từ nguyên liệu tự nhiên, tăng hiệu quả dự án. Tuy nhiên hiện thực hóa, Chính phủ cũng như các bộ, ngành cần phải đưa ra các tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật để có thể tái sử dụng làm những loại VLXD phù hợp.
Các cốt liệu tái chế từ PTXD có cấu tạo rỗng xốp và nhẹ hơn cốt liệu tự nhiên. Phế thải từ kết cấu bê tông có thể dùng làm cốt liệu lớn cho bê tông. Phế thải từ hỗn hợp phế thải, phế thải tường và vữa có thể dùng làm cốt liệu nhỏ cho bê tông và vữa tái chế.
Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!
Huy Tưởng