Thứ sáu, 22/11/2024 21:40 (GMT+7)
Chủ nhật, 28/06/2020 14:14 (GMT+7)

Hà Trung (Thanh Hóa): 'Bẫy đá' treo đầu dân vì doanh nghiệp nổ mìn phá núi

Theo dõi KTMT trên

Lợi dụng vào việc xử lý vách đá treo, bạt mái tạo độ dốc tại mỏ đá xã Hà Tân, huyện Hà Trung (Thanh Hóa), hợp tác xã Công nghiệp Tân Sơn đã nổ mìn khiến đá sạt xuống, gây ảnh hưởng đến tài sản của người dân...

“Bẫy đá” treo đầu dân

Người dân thôn Quan Tương, xã Hà Tân vẫn chưa hết kinh hãi khi tiếng nổ vang trời phát ra từ mỏ đá của hợp tác xã Công nghiệp Tân Sơn (hợp tác xã Tân Sơn), sau đó hàng trăm tảng đá lớn nhỏ bay thẳng vào nhà dân, ruộng đồng... Tình trạng trên đã tồn tại suốt thời gian dài, cực chẳng đã họ phải “sống chung với lũ” và mong chờ biện pháp xử lý triệt để từ phía cơ quan chức năng.

Hà Trung (Thanh Hóa): 'Bẫy đá' treo đầu dân vì doanh nghiệp nổ mìn phá núi - Ảnh 1
Hợp tác xã Công nghiệp Tân Sơn nổ mìn khiến đá sạt xuống, gây ảnh hưởng đến tài sản của người dân xã Hà Tân, huyện Hà Trung.

Bà T.T.Đ (nhà cách mỏ đá khoảng 30m, là hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ vụ nổ), sống ở thôn Quan Tương bức xúc cho biết: Tiếng nổ vừa rồi phát ra từ mỏ đá của hợp tác xã Tân Sơn quá kinh hoàng, kêu vang như bom. Tôi vẫn nhớ như in, tiếng nổ hôm đó vào khoảng 18h30 phút ngày 13/06, lúc đó bụi bay mù mịt bảo phủ cả khu vực, sau đó đá to nhỏ cứ thế bay vào nhà, nếu không nhanh chân e rằng không biết chuyện gì xảy ra. Hậu quả đã khiến cột cổng bị đổ sập, mái chuồng gà bị hư hỏng, ruộng lúa bị đá vùi lấp nên vụ sau gia đình rất khó để canh tác.

Hà Trung (Thanh Hóa): 'Bẫy đá' treo đầu dân vì doanh nghiệp nổ mìn phá núi - Ảnh 2
Người dân lo ngại trước tình trạng nổ mìn khai thác đá của hợp tác xã Tân Sơn.

“Mỗi khi doanh nghiệp nổ mìn, nhà cửa cứ rung lên bần bật. Bên cạnh đó, việc khai thác và xay nghiền đá còn gây ô nhiễm môi trường do bụi bẩn và tiếng ồn. Tình trạng này diễn ra nhiều năm, nhưng nay vẫn không có chuyển biến tích cực. Dẫu biết là khai thác đá không thể tránh khỏi ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân, nhưng doanh nghiệp cũng phải thường xuyên tưới nước, quét dọn, nổ mìn khai thác cũng phải hạn chế đi.” Một số hộ dân thôn Quan Tương than thở.

Hà Trung (Thanh Hóa): 'Bẫy đá' treo đầu dân vì doanh nghiệp nổ mìn phá núi - Ảnh 3
Ruộng lúa bị đất, đá vùi lấp khiến vụ sau khó canh tác.

Trước sự việc trên, ngày 18/06/2020, Đoàn kiểm tra gồm Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện Hà Trung và UBND xã Hà Tân tiến hành kiểm tra và lập biên bản hiện trường khu vực mỏ đá của hợp tác xã Tân Sơn. Kết quả cho thấy: Phát hiện phần đá đổ bên đường có diện tích 108 m²; phần diện tích đất, đá đổ xuống ruộng lúa khoảng 900 m²; đá đổ xuống làm ảnh hưởng đến chuồng gà làm bằng thép B40, làm đổ một số cây; hiện trường có 01 cột cổng xây bằng gạch bi bị đổ.

Qua đó, Đoàn kiểm tra yêu cầu hợp tác xã Tân Sơn thu dọn khối lượng đá đổ xuống đường giao thông và ruộng lúa của hộ; bồi thường thiệt hại do hợp tác xã Tân Sơn nổ mìn làm đất, đá đổ xuống đường, ruộng lúa của hộ và làm ảnh hưởng đến một số tài sản, cây cối của hộ dân; trong quá trình xử lý, vách đá treo, bạt mái tạo độ dốc moong khai thác tại khu vực theo đúng Phương án đã được Sở Xây dựng thẩm định và UBND tỉnh chấp thuận.

“Ưu ái” cho doanh nghiệp?

Được biết, ngày 27/12/2014, hợp tác xã Tân Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác khoáng sản và thuê đất tại xã Hà Tân, huyện Hà Trung. Mục đích khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng (vật liệu xây dựng) thông thường và chế biến đá ốp lát, trữ lượng khai thác 355.200 m³, công suất khai thác 12.000 m³/năm, thời hạn khai thác 30 năm.

Sau thời gian hoạt động, ngày 30/8/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số 10602/UBND-CN về việc tạm dừng toàn bộ hoạt động khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường đối với hợp tác xã Tân Sơn do vi phạm trong quá trình khai thác như để lại đá treo, chưa tạo độ dốc các moong đá…

Hà Trung (Thanh Hóa): 'Bẫy đá' treo đầu dân vì doanh nghiệp nổ mìn phá núi - Ảnh 4
Nhiều công nhân đang làm việc ở khu vực chân và sườn núi, phía trên là các tảng đá om, đá treo chưa được xử lý để đưa mỏ về trạng thái an toàn.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã 2 lần cho phép hợp tác xã Tân Sơn xử lý vách đá treo, bạt mái, tạo độ dốc moong khai thác tại mỏ đá vôi tại xã Hà Tân, huyện Hà Trung. Thế nhưng, thực tế cho thấy hợp tác xã Tân Sơn chỉ tập trung nổ mìn khai thác đá với số lượng lớn, gây ảnh hưởng đến tài sản và đe dọa tính mạng của người dân. Điều này khiến dư luận cho rằng, phải chăng đang có sự “ưu ái” khi hợp tác xã Tân Sơn bỏ quả các yêu cầu của UBND tỉnh để lợi dụng vào “lá bùa” xử lý vách đá treo, bạt mái, tạo độ dốc… để khai thác đá?.

Hà Trung (Thanh Hóa): 'Bẫy đá' treo đầu dân vì doanh nghiệp nổ mìn phá núi - Ảnh 5
Dư luận cho rằng: Hợp tác xã Tân Sơn bỏ quả các yêu cầu của UBND tỉnh để lợi dụng vào “lá bùa” xử lý vách đá treo, bạt mái, tạo độ dốc… để khai thác đá?

Ngày 23/06/2020, phóng viên có mặt tại hiện trường mỏ đá của hợp tác xã Tân Sơn, quan sát cho thấy: Phần đất, đá đổ vào khu vực nhà dân và ruộng lúa vẫn chưa được thu dọn theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra; doanh nghiệp đang tập trung máy xúc để cào bới khu vực chân núi, sau đó đá được chất lên xe tải chở về khu vực trạm xay nghiền làm vật liệu xây dựng; tại đây xuất hiện nhiều công nhân đang làm việc ở dưới chân và sườn núi, phía trên là các tảng đá om, đá treo chưa được xử lý để đưa mỏ về trạng thái an toàn.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Đỗ Ngọc Oai, Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hà Trung cho biết: Đúng là có việc hợp tác xã Tân Sơn nổ mìn làm đất, đá đổ xuống đường, ruộng lúa và nhà dân. Chúng tôi đã phối hợp với Công an huyện Hà Trung, UBND xã Hà Tân để kiểm tra, theo đúng quy định nếu quá trình khai thác đá gây hư hỏng đến tài sản của người dân thì doanh nghiệp phải thỏa thuận, đền bù cho người dân. Hiện nay, doanh nghiệp được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép xử lý đá treo, nếu họ lợi dụng vào đó để khai thác đá, tôi sẽ báo cáo lãnh đạo phòng để kiểm tra và xử lý.

Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Thu Thủy - Đức Duy

Bạn đang đọc bài viết Hà Trung (Thanh Hóa): 'Bẫy đá' treo đầu dân vì doanh nghiệp nổ mìn phá núi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới