Hà Nội: Tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường, vì ‘màu xanh’ thành phố
Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có hiệu lực, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã triển khai đồng bộ giải pháp bảo vệ môi trường.
Từ ngày 1/1/2021, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 gồm 16 chương, 171 điều có hiệu lực. Luật này thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.
So với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật mới có những điểm mang tính đột phá chính như: Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong các hoạt động bảo vệ môi trường; thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính; đã định chế nội dung sức khỏe môi trường...
Theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có hiệu lực, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã triển khai đồng bộ giải pháp bảo vệ môi trường. Trong đó, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; tăng cường thẩm định hồ sơ, cấp phép về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.
Từ năm 2014 đến nay, UBND TP.Hà Nội đã triển khai nhiều dự án xử lý nước thải làng nghề quy mô lớn như: Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh (Hoài Đức), công suất 4.000 m3/ngày - đêm; hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy (Thanh Oai) công suất 1.000 m3/ngày - đêm.
Ngoài ra, thành phố kêu gọi đầu tư 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề trên địa bàn các huyện Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng vốn dự kiến khoảng 569 tỷ đồng và đầu tư 48 cụm công nghiệp phát triển làng nghề trên địa bàn 11 quận, huyện với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.983,8 tỷ đồng.
Tính từ năm 2015 đến nay, cơ quan chuyên môn của Sở đã thẩm định 1.223 báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận khoảng 6.000 hồ sơ đề nghị cam kết bảo vệ môi trường của các dự án, công trình xây dựng; công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đã được đẩy mạnh. Tính đến cuối năm 2021, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã thực hiện thanh tra, kiểm tra khoảng 17.092 cơ sở, xử lý khoảng 9.744 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, với số tiền phạt 94 tỷ đồng.
Đối với công tác bảo vệ chất lượng không khí, thu gom, xử lý chất thải rắn, rác thải y tế, xây dựng... cũng đạt được những kết quả bước đầu. Tại các quận, huyện, thị xã, công tác bảo vệ môi trường cũng được triển khai quyết liệt. Điển hình, quận Hoàn Kiếm đã loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trong khu dân cư, tổ chức thu gom vỏ hộp sữa ở 100% trường học; huyện Đông Anh triển khai có hiệu quả việc xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề và đang triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn...
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, TP.Hà Nội đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý môi trường đối với tất cả lĩnh vực môi trường; Bộ có cơ chế tài chính đặc thù trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, dự án trọng điểm; đầu tư các công trình xử lý môi trường; xây dựng và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xả thải ra môi trường cho phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực…
Thành phố cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt tỉ lệ xử lý nước thải 50-55%. Thời gian qua, công tác triển khai xây dựng dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, một trong những công trình trọng điểm cải thiện môi trường của TP.Hà Nội, được Thành ủy, UBND TP quan tâm chỉ đạo sát sao. Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gồm 4 gói thầu, trong đó gói thầu số 1 là xây dựng nhà máy công suất 270.000 m3/ngày - đêm và 3 gói thầu thu gom nước thải gắn với sông Tô Lịch, sông Lừ, một phần sông Nhuệ và các khu đô thị mới. Dự án này được kỳ vọng làm "sống lại" sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ… UBND TP cho biết sẽ tập trung thúc đẩy tiến độ đồng bộ cả 4 gói thầu, phấn đấu hoàn thành gói thầu số 1 trong quý I/2022.
Theo PGS.TS Lưu Thế Anh (Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội), những nguyên nhân gây suy thoái môi trường ở nước ta thời gian qua, trước hết là do quy mô nền kinh tế và dân số nước ta ngày càng tăng, mức độ công nghiệp hóa và đô thị hóa ngày càng cao; khai thác tài nguyên thiên nhiên ồ ạt và thiếu kiểm soát, phát sinh nhiều nguồn gây ô nhiễm, chất thải ngày càng tăng về thành phần và khối lượng. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý chất thải còn thiếu và không được đầu tư đồng bộ, dẫn đến các áp lực lên môi trường ngày càng cao, tác động xấu đến chất lượng môi trường, nhất là dẫn đến suy thoái các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Vì vậy, các chuyên gia, các nhà khoa học cho rằng: Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, suy thoái môi trường. Trong đó, cần xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; ưu tiên xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho việc phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đẩy mạnh chính sách phát triển kinh tế chất thải, các ngành công nghiệp môi trường, xử lý ô nhiễm, quản lý chất thải và cung ứng dịch vụ bảo vệ môi trường.
Lan Anh (T/h)