Hà Nội: Tăng cường công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng
Theo UBND thành phố, các xã có rừng, các chủ rừng tiến hành rà soát, hoàn thiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm kịp thời khống chế nhanh nhất các vụ cháy rừng, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.
Mới đây, UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn TP.Hà Nội.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, thời tiết ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiệt độ thường xuyên ở mức cao, nắng nóng và hạn hán có xu hướng kéo dài, nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn ở mức độ cao. Vì vậy, để tăng cường hơn nữa công tác quản lý bảo vệ rừng, chủ động ngăn chặn, hạn chế tới mức thấp nhất các vụ cháy rừng, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã có rừng khẩn trương, nghiêm túc, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cấp thiết nhằm bảo vệ tài nguyên rừng và giữ gìn môi trường sinh thái của Thủ đô.
Do đó, UBND TP yêu cầu các sở, ngành, địa phương có rừng khẩn trương, nghiêm túc thực hiện có hiệu quả trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo quy định tại Khoản 2, Điều 102 Luật Lâm nghiệp. Các địa phương xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng trên địa bàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Đặc biệt, các địa phương căn cứ Quyết định số 1676/QĐ-UBND ngày 9/4/2021 của UBND TP.Hà Nội về việc phê duyệt “Quy định thời gian cao điểm xảy ra cháy rừng trong năm, các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng và bảng tra cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn TP.Hà Nội” để bố trí nguồn lực, nhân lực, vật lực, trang thiết bị chữa cháy rừng nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng phát sinh, không để xảy ra cháy rừng lớn.
Đồng thời chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng kịch bản di dời nhân dân cùng tài sản, kho tàng của lực lượng vũ trang ra khỏi khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước khi xảy ra cháy rừng trên diện rộng.
UBND các xã có rừng, các chủ rừng có nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm kịp thời khống chế nhanh nhất các vụ cháy rừng, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.
Bên cạnh đó, các địa phương có rừng tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiên quyết thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật; tập trung xác định, truy quét, xóa bỏ các “đầu nậu”, các “điểm nóng” về phá rừng, cháy rừng và khai thác lâm sản trái pháp luật.
Lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật; kiểm soát chặt chẽ các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác…
Trước đó, ngày 1/6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có Công điện số 3249/CĐ-BNN-TCLN gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ cấp bách về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại tối đa do cháy rừng gây ra.
Trong đó, Bộ chỉ đạo UBND các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Chỉ thị số 15 chỉ rõ, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã có rừng chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để xảy ra tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn quản lý….
Thống kê từ Chi cục Kiểm lâm Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho thấy, giai đoạn 2016-2020, toàn thành phố đã xảy ra 106 vụ cháy rừng với diện tích 149,641 ha, chủ yếu là cháy thảm thực bì dưới tán rừng, gây táp lá cây rừng 10-30%, không thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng.
Ngoài ra, diện tích rừng trồng mới đạt 1.586,71 ha; chăm sóc rừng trung bình khoảng 2.186,88 ha. Giá trị và chất lượng của rừng được nâng cao, góp phần tăng nguồn thu từ rừng. Nhờ đó đã tạo việc làm và giảm nghèo, ổn định đời sống người dân vùng có rừng, gần rừng; diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng được giao khoán hằng năm khoảng 6.400 ha…
Được biết, hiện Hà Nội có khoảng 11.007,57 ha rừng đặc dụng, 5.821,9 ha rừng phòng hộ, 10.332,57 ha rừng sản xuất và diện tích đất lâm nghiệp chưa thành rừng là 7.538,24 ha phân bố ở 7 huyện, thị xã (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn và Sơn Tây).
Thùy Linh