Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới: Hãy chung tay xóa 'kỷ lục buồn'
Trong 2 ngày 13 và 14/12, AirVisual thường xuyên xếp hạng Hà Nội ở vị trí thứ 1 trong tổng số 10.000 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới.
Không khí ở Thủ đô Hà Nội liên tiếp ô nhiễm nghiêm trọng, chạm ngưỡng báo động cho sức khỏe con người (Ảnh minh hoạ) |
Sáng 14/12, ô nhiễm không khí đặc biệt nghiêm trọng tiếp tục được ghi nhận ở một số tỉnh miền Bắc và Hà Nội, nhiều điểm đo ở ngưỡng tím (ngưỡng rất xấu - mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn), thậm chí một số nơi lên tới ngưỡng nâu (mức nguy hại - cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe), cảnh báo cho người dân tự bảo vệ sức khỏe để tránh bị ảnh hưởng vì ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo hệ thống quan trắc của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ vào 8 giờ sáng, chất lượng không khí tại Hà Nội ở ngưỡng tím (AQI ở mức 231).
Hệ thống quan trắc của Đại sứ quán Mỹ sáng sớm nay ghi nhận ô nhiễm không khí lên ngưỡng nâu, đây là ngưỡng cao nhất trong ô nhiễm không khí và khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.
Trang quan trắc AQI thời gian thực AirVisual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sĩ) xếp hạng Hà Nội ở vị trí thứ 1 trong tổng số 10.000 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới tính đến thời điểm 10h30p sáng với AQI 271.
Điều đáng nói là trước đó, vào sáng 13/12/2019, Hà Nội cũng có thời điểm đứng ở vị trí thứ 1 trong bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới của AirVisual với AQI ở mức 316.
Trong 2 ngày 13 và 14/12, AirVisual thường xuyên xếp hạng Hà Nội ở vị trí thứ 1 trong tổng số 10.000 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới. |
Phản ứng trước "kỷ lục" mới nhất của Việt Nam, một lời kêu gọi đang được lan tỏa nhanh chóng trên mạng xã hội, hy vọng mọi người có những hành động thiết thực để chung tay giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Cụ thể: "Thật buồn khi biết Hà Nội phá kỷ lục toàn cầu về ô nhiễm không khí. Có lẽ, sau thành tích đạt được 98 huy chương vàng tại SEA Games 30 trong đó có vô địch bóng đá (đội nam và đội nữ) thì đây là kỷ lục tồi tệ nhất của Việt Nam mà không người Việt Nam nào muốn biết đến hay nhận về.
Hãy cùng nhau bảo vệ môi trường Việt Nam bằng các hành động nhỏ với ý nghĩa lớn. Nhà nào có sân vườn thì trồng nhiều cây xanh. Nhà nhỏ thì cây xanh trong chậu. Hãy tắt điện, đèn, quạt máy, tủ lạnh và máy lạnh khi ra khỏi nhà. Không sử dụng túi ni lông và các sản phẩm plastic chỉ dùng một lần là bỏ. Hãy phân loại rác tại nguồn và không xả rác bừa bãi. Từ bỏ thói quen lạm dụng và lệ thuộc vào xe cá nhân. Không làm giàu và phát triển kinh tế bằng mọi giá dẫn đến sự ám sát môi trường...
Đó là những việc làm nho nhỏ mà mỗi công dân Việt Nam có thể tham gia, góp phần ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu và bảo vệ chất lượng không khí. Hy vọng mỗi người trong chúng ta hãy hành động. Những việc làm nhỏ của mọi người sẽ không những giúp Hà Nội sạch sẽ hơn mà còn giúp không khí của cả nước có thể trong lành hơn".
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ được xác định do tổng hợp nhiều nguyên nhân như hoạt động giao thông, xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp và dân sinh, trong đó có tác động của việc đốt rác, đốt rơm rạ. Trong điều kiện thời tiết nghịch nhiệt, ô nhiễm không phát tán được mà tích tụ tại tầng khí quyển sát mặt đất gây ra ô nhiễm nghiêm trọng. Các chuyên gia dự báo, từ nay đến tháng 3 năm sau, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ còn chịu nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi hiện tượng nghịch nhiệt sẽ còn tiếp tục. |
Mai Anh