Thứ ba, 03/12/2024 18:47 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/12/2019 09:00 (GMT+7)

Báo động tình trạng ô nhiễm rác thải điện tử tại Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Hiện mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100 nghìn tấn rác thải điện tử. Ước tính đến năm 2025, riêng lượng rác thải là ti vi có thể lên tới 250 nghìn tấn.

Tại Việt Nam, nhu cầu về thiết bị điện tử gia dụng trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế và sự cải thiện mức sống người dân. Theo thời gian, do việc giảm liên tục giá thành mang tính cạnh tranh của thiết bị điện tử, cùng với những thay đổi về mẫu mã, loại hình và công năng sẽ tạo ra nhu cầu lớn thay đổi thiết bị điện tử gia dụng, dẫn đến phát sinh một lượng rác thải điện tử gia dụng lớn với tốc độ gia tăng nhanh chóng.

Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc, mỗi người dân Việt Nam thải ra trung bình 1,3kg chất thải điện tử mỗi năm, tương đương 116.000 tấn. Chất thải điện tử hiện chiếm tới 2% trong tổng số toàn bộ chất thải hiện nay.

Mặc dù 2% là con số rất nhỏ nhưng nguy cơ và mức độ độc hại của những loại chất thải này lại không nhỏ. Các thiết bị điện và điện tử chứa các vật liệu, linh kiện và các hóa chất khác nhau. Các chất này hoàn toàn vô hại trong suốt thời gian sử dụng thiết bị. Tuy nhiên, chúng sẽ trở nên cực kỳ độc hại khi thiết bị được tháo dỡ hoặc mở ra để xử lý một cách không chuyên nghiệp như chì, thủy ngân…

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê từ Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2010 nước ta có khoảng hơn 3,77 triệu thiết bị điện và điện tử gia dụng bị thải ra với trọng lượng ước tính khoảng 113 nghìn tấn. Hiện mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100 nghìn tấn rác thải điện tử. Ước tính đến năm 2025, riêng lượng rác thải là ti vi có thể lên tới 250 nghìn tấn.

Báo động tình trạng ô nhiễm rác thải điện tử tại Việt Nam - Ảnh 1
Hiểm họa khôn lường khi bóc tách chất thải điện tử. Ảnh: Zing.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, chất thải điện tử hầu hết đều qua các nguồn thu gom không chính thức, là những người thu mua đồng nát, cơ sở thu gom tự phát và được tập kết về các làng nghề để tái chế như làng nghề Tề Lỗ (Vĩnh Phúc), Đan, Bùi Dâu, Dị Sử (Hưng Yên) hoặc Tràng Minh (Hải Phòng)... Các cơ sở tái chế này đều nhỏ lẻ theo mô hình hộ gia đình, hầu hết đều ô nhiễm, không bảo đảm vệ sinh, không có các thiết bị hiện đại, ảnh hưởng sức khỏe công nhân và môi trường.

Việc tái chế chất thải hiện mới chỉ dừng ở khâu tháo dỡ, phân loại tách nhựa, đồng, nhôm... và hầu như chỉ được thực hiện ở các cơ sở thu mua phế liệu. Đây chỉ là công đoạn sơ chế chứ chưa thể gọi là tái chế chất thải điện tử.

Nhiều nhà máy xử lý chất thải điện tử thô sơ không được vận hành một cách an toàn. Một số nhà buôn bán chất thải điện tử đốt cháy các dây cáp máy tính hở để thu về kim loại đồng ở bên trong – một loại hàng hoá có giá trị. Việc đốt cháy ngoài trời sẽ giải phóng hydrocarbon vào không khí, trong khi quy trình hoá học để bóc tách lấy vàng từ con chip máy tính bọc vàng sẽ dẫn đến việc tạo ra các chất thải dioxin và kim loại nặng.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, để rác thải điện tử không còn là gánh nặng cho môi trường, chắc chắn cần sớm có luật về quản lý chất thải điện tử và chính quy hóa hoạt động tái chế.

Quang Huy

Bạn đang đọc bài viết Báo động tình trạng ô nhiễm rác thải điện tử tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới