Hà Nội: Nỗ lực đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước
Nguồn nước là một tài nguyên quý giá, có ảnh hưởng quan trọng và quyết định đến đời sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc đảm bảo an ninh nguồn nước là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết.
Đến năm 2025, 100% người dân được sử dụng nước sạch
Theo thống kê tại Hà Nội, hiện 100% hộ dân ở khu vực đô thị đã được cấp nước sạch. Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn, tỉ lệ này chỉ đạt khoảng 80%. Cụ thể, khu vực nông thôn hiện nay được đầu tư xây dựng 119 công trình cấp nước tập trung nông thôn, trong đó có 84 công trình đang hoạt động cung cấp nước ổn định cho khoảng 88.000 hộ gia đình.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa cấp nước, nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, 100% hộ dân được cung cấp đầy đủ nước sạch sinh hoạt, thành phố đã tích cực kêu gọi các nhà đầu tư tham gia triển khai các dự án nước sạch nông thôn.
Đến nay, UBND Thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 40 dự án cấp nước đầu tư vào cấp nước thành phố, trong đó, có 11 dự án phát triển nguồn, 29 dự án phát triển mạng cấp nước. Dự kiến, sau khi các dự án này hoàn thành sẽ nâng công suất toàn thành phố đạt khoảng 2.350.000 m3/ngày đêm, bảo đảm nguồn nước sạch cung cấp cho các hộ gia đình khi có nhu cầu sử dụng, đạt tỉ lệ khoảng 96%.
Bên cạnh đó, Thành phố đang hoàn thiện và chuẩn bị áp dụng 1 tiêu chuẩn chung về cấp nước sinh hoạt, uống trực tiếp tại vòi, giảm tỉ lệ thất thoát nguồn nước xuống dưới 15%.
Hiện Thành phố đang triển khai thực hiện quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung thực hiện điều chỉnh quy hoạch cấp nước gồm 5 khu vực chính; khai thác hợp lý các nguồn nước ngầm và nước mặt theo hướng ưu tiên khai thác nguồn nước mặt, từng bước giảm dần khai thác nguồn nước ngầm.
Đồng thời, xây dựng hệ thống mạng lưới cấp nước truyền dẫn cấp nước theo các trục hướng tâm, các tuyến đường vành đai kết nối các nguồn tập trung, kết nối liên vùng đảm bảo cấp nước an toàn; xây dựng các nhà máy nước mặt tập trung kết nối cấp nước liên vùng…
Để kiểm soát chất lượng nguồn nước sạch, Sở TN&MT đang phối hợp với Sở Y tế, Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan xây dựng hoàn thiện quy chế phối hợp liên ngành để thực hiện nhiệm vụ giám sát chất lượng nước sạch trên địa bàn thành phố, phòng ngừa sự cố, đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước.
Tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường nước
Thông tin từ Sở TN&MT Hà Nội mới đây cho biết, đến hết tháng 8/2021, nhiều khu vực ô nhiễm môi trường nước trên địa bàn thành phố đã được xử lý, cải tạo.
Trong đó, Thành phố tập trung các nhiệm vụ như: Thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải khu/cụm công nghiệp, nước thải y tế; xử lý ô nhiễm ao, hồ, các có sở gây ô nhiễm.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố đã tăng cường xử lý ô nhiễm, tạo cảnh quan các ao, hồ, sông, suối bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt kết hợp với bảo vệ kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô.
Cụ thể, đối với việc thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt đô thị và tăng cường khả năng tiêu thoát nước, UBND Thành phố giao cho các đơn vị chức năng tăng cường quản lý trật tự giao thông, đô thị, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường dọc tuyến sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu; nạo vét duy tu, duy trì hệ thống thoát nước (lòng cống, mương, sông) trong lưu vực nhằm giảm thiểu ô nhiễm.
Nhiều cụm công nghiệp đã đầu tư xong hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng chưa vận hành chính thức và việc vận hành duy trì hoạt động gặp khó khăn. Điển hình như huyện Thạch Thất có 7 cụm công nghiệp, nhưng mới có Cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá và Cụm công nghiệp Bình Phú có hệ thống xử lý nước thải.
Bên cạnh đó, đối với các khu/cụm công nghiệp, 9/9 khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã có trạm xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, theo thống kê từ Sở TN&MT Hà Nội cho hay, tính đến tháng 6/2021, chỉ có 30/70 cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 40 cụm công nghiệp còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nên nước thải từ các cơ sở sản xuất trong cụm được doanh nghiệp tự xử lý hoặc xả thẳng ra môi trường... Chính vì vậy, công tác kiểm soát chất lượng nước thải tại các cụm công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, đối với nước thải y tế từ các bệnh viện trên địa bàn thành phố đều được đầu tư hệ xử lý chất thải lỏng. Tuy nhiên, hệ thống xử lý chất thải lỏng một số bệnh viện đã xuống cấp cần phải đầu tư nâng cấp để đáp ứng nhu cầu và công nghệ như hiện nay.
Do đó, trong những tháng cuối năm 2021, các đơn vị chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tập trung vào nhóm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình xây dựng phát sinh lượng chất thải lớn trên địa; kiểm tra xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội.
Lan Anh (T/h)