Thứ bảy, 23/11/2024 11:38 (GMT+7)
Thứ sáu, 07/01/2022 21:00 (GMT+7)

Hà Nội: Trái cây tiêu chuẩn xuất khẩu chất đống ở vỉa hè

Theo dõi KTMT trên

Nhận thấy khả năng xuất khẩu khó khăn, những ngày gần đây nhiều chủ hàng, tiểu thương đành ngậm ngùi chở hàng về Hà Nội, tổ chức các điểm bán hàng “giải cứu” nông sản xuất khẩu mà chủ yếu là các loại trái cây chủ lực như mít, dưa hấu, thanh long.

Giải cứu là giải pháp tình thế

Nhận thấy khả năng xuất khẩu khó khăn, những ngày gần đây nhiều doanh nghiệp, chủ hàng, tiểu thương đành ngậm ngùi chở hàng về Hà Nội, tổ chức các điểm bán hàng “giải cứu” nông sản xuất khẩu mà chủ yếu là các loại trái cây chủ lực như mít, dưa hấu, thanh long…

Sáng 7/1, quá trình “giải cứu” trái cây vẫn đang diễn ra sôi động. Hàng tấn trái cây được chất đống bày bán tại khu vực vỉa hè với giá rẻ được người tiêu dùng Thủ đô tìm đến hỏi mua với số lượng lớn. Hiện giá bán mít Thái có trọng lượng trung bình 10kg giảm chỉ còn 8.000 đồng/kg; thanh long loại 0,5kg/quả có giá 70.000 đồng/thùng; dưa hấu bán theo quả với trọng lượng trung bình 2kg có giá 20.000 đồng/quả.

Hà Nội: Trái cây tiêu chuẩn xuất khẩu chất đống ở vỉa hè - Ảnh 1
Giải cứu nông sản dọc khắp đường phố. (Ảnh: Báo Dân Việt)

Anh Hoàng Văn Mạnh – 1 đầu mối “giải cứu” trái cây trên đường Trường Chinh cho biết, từ ngày 3/1 đến nay đã tổ chức bán được khoảng 20 tấn mít Thái. Mít có giá rẻ chỉ bằng 1/2 giá trong chợ nên có ngày anh bán được gần 10 tấn.

“Mít Thái tiêu chuẩn xuất khẩu đã được chứng nhận tại địa phương nên chất lượng rất tốt. Dịch bệnh khiến hàng hóa khó xuất khẩu nên bên mình tổ chức điểm bán giải cứu nhằm hỗ trợ bà con thu lại chi phí cơ bản. Việc này cần phải làm nhanh, nếu để lâu hàng hóa sẽ hỏng vừa lãng phí, các nhà vườn vừa thua lỗ lớn. Mỗi quả mít giờ bán trên dưới 100.000 đồng nên ngoài người dân mua lẻ về ăn còn có đông đầu mối tại các chợ, cửa hàng tìm đến cất hàng về bán”, anh Mạnh cho biết.

Tương tự, anh Nguyễn Đức Thắng bán dưa hấu “giải cứu” tại đường Võ Chí Công cũng cho biết, trong 10 ngày qua nhờ việc bán hàng tại vỉa hè đã tiêu thụ được khoảng 50 tấn dưa. Cao điểm trong ngày mùng 1 tháng Chạp vừa qua, điểm bán của anh đã bán được trên 10 tấn dưa cho người dân trong khu vực cũng như các đầu mối bán hàng tại các chợ trên địa bàn Hà Nội.

“Dưa Bình Định xuất khẩu có trọng lượng đồng đều lại có chất lượng cao nên người mua rất đông. Dưa bán theo quả với giá 10.000 đồng/kg và mỗi quả thường có trọng lượng khoảng 2kg nên mình bán giá chung là 20.000 đồng/quả. Dưa ngọt và đều đẹp nên nhiều người mua cúng thắp hương, mua ăn từ 2 – 3 quả, có người mua nhiều để bán lại tại các chợ, cửa hàng hoa quả đến vài tạ là thường xuyên”, anh Thắng nói.

Theo tìm hiểu, những loại trái cây đang được “giải cứu” tại Hà Nội dịp này chủ yếu có xuất xứ từ các tỉnh, thành phía Nam và Nam Trung Bộ như Cà Mau, Tiền Giang, Đăk Lăk, Bình Định, Bình Thuận… dù có giá rẻ so với thị trường chung, song các loại trái cây đều có tem, nhãn chứng nhận nguồn gốc xuất xứ được đóng gói cẩn thận phục vụ cho quá trình xuất khẩu nên chất lượng được đảm bảo phục vụ người tiêu dùng.

Từ thực tế công tác tiêu thụ trái cây tại Hà Nội những ngày qua có thể thấy, việc “giải cứu” nông sản mùa vụ trong cao điểm tiêu thụ gặp khó khăn vẫn chỉ là giải pháp tình thế, chỉ là cách xử lý thiếu bền vững trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ lớn. Hỗ trợ tiêu thụ theo cách nhỏ lẻ như hiện nay sẽ không đáng là bao so với hàng triệu tấn nông sản đang đứng trước nguy cơ hư hỏng, phải đổ bỏ đang còn ùn ứ ngay trên những cánh đồng cũng như khu vực cửa khẩu biên giới.

Giảm sản xuất tự phát

Rất dễ nhận thấy từ nhiều năm qua, việc ùn ứ nông sản xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc thường rơi vào những thời điểm chính vụ thu hoạch nông sản của Việt Nam. Đặc biệt trong 2 năm gần đây, dịch Covid-19 tác động đã khiến việc thông quan hàng hóa càng trở nên khó khăn hơn do hai nước đều phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.

Hà Nội: Trái cây tiêu chuẩn xuất khẩu chất đống ở vỉa hè - Ảnh 2
Cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phương thức vận chuyển để xuất khẩu. (Ảnh minh họa)

Chính vì thế, để có giải pháp lâu dài, bền vững sớm khắc phục tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu, phía Bộ Công Thương cho rằng cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phương thức vận chuyển, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng như sự phụ thuộc vào hình thức xuất khẩu tiểu ngạch. Trong đó, tập trung vào việc giảm sản xuất tự phát, tăng sản xuất theo tín hiệu thị trường và theo đơn đặt hàng, cùng với đó nâng cao và kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, thuỷ sản, đáp ứng sự trông đợi của người tiêu dùng trong nước và ngoài nước.

Ngoài ra theo Bộ Công Thương, cần phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân về phương thức sản xuất, nuôi trồng, đóng gói, chế biến,... để đáp ứng tiêu chuẩn của từng nước, từng khu vực nhập khẩu.

Song song với đó là đẩy mạnh việc đăng ký vùng trồng cũng như công tác truy xuất nguồn gốc để tạo điều kiện cho xuất khẩu chính ngạch và giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Nêu rõ hơn những giải pháp căn cơ nhằm khắc phục tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu hiện nay, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, các Bộ, ngành và địa phương cần vận động, tập huấn cho người nông dân, thương lái thiết lập quan hệ khách hàng lâu dài với đối tác Trung Quốc, tránh tình trạng mua - bán được chăng hay chớ. Bên cạnh đó, rất cần có những doanh nghiệp lớn, đủ mạnh để có thể đứng ra đặt hàng nông dân sản xuất, sau đó bao tiêu sản phẩm.

“Những doanh nghiệp này sẽ hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình mới, phù hợp với nhu cầu khách hàng, áp dụng truy xuất nguồn gốc, sử dụng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu. Cũng chính những doanh nghiệp đó sẽ có đủ năng lực để ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp phân phối ở bên kia biên giới, sử dụng phương thức vận chuyển quy mô lớn như đường biển, đường sắt để tối ưu chi phí. Như vậy, nông dân không phải vừa lo sản xuất, vừa lo bán hàng, doanh nghiệp cũng có thể đưa hoạt động xuất khẩu trái cây vào nề nếp”, ông Hải định hướng.

Cũng theo ông Hải, việc cấp bách hiện nay là đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để mở rộng danh sách trái cây được nhập khẩu chính ngạch, ngoài 9 loại đã nêu ở trên, nếu không thì sầu riêng, na, bưởi, chanh leo, roi, mận vẫn mãi chỉ đi qua cửa khẩu phụ.

Nhận định cửa khẩu là một hạ tầng hết sức trọng yếu trong chuỗi logistics quốc tế, ông Hải cho rằng, các cửa khẩu biên giới thường nằm ở địa hình núi đồi, diện tích mặt bằng hạn chế. Do đó, bên cạnh việc đầu tư mở rộng hạ tầng cửa khẩu, cần phải giảm tải cho cửa khẩu bằng việc xây dựng hệ thống trung tâm logistics lùi vào trong nội địa.
“Các trung tâm logistics này không chỉ có kho mát, kho lạnh để bảo quản, sơ chế nông sản trước khi xuất khẩu mà còn là địa điểm kiểm tra, thông quan hàng hóa. Hàng sau khi thông quan chỉ việc niêm phong, đưa lên cửa khẩu để xuất qua biên giới, giảm bớt thời gian, quy trình làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu”, ông Hải đưa giải pháp.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Trái cây tiêu chuẩn xuất khẩu chất đống ở vỉa hè. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới