Tái khởi động dự án lấp sông Tiền làm công viên trái cây 'khủng'
Sau ba năm tạm dừng thi công, mới đây, hạng mục kè lấn nhánh sông Tiền ở huyện Cái Bè, Tiền Giang đã được tái khởi động để làm dự án công viên trái cây.
Theo báo Tuổi trẻ, ngày 15/12, ông Nguyễn Hoàng Thảo, giám đốc Ban quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Cái Bè (Tiền Giang), xác nhận hạng mục kè lấn nhánh sông Tiền ở huyện Cái Bè được tái khởi động để làm dự án công viên trái cây.
Được biết, trước đó, hạng mục dự án này được khởi công vào quý 3/2016 nhưng đã buộc phải tạm ngưng vào tháng 11/2017 do có nhiều ý kiến phản đối, trong đó các nhà khoa học cho rằng dự án có thể ảnh hưởng đến dòng chảy, gây xói lở bờ phía đối diện (thuộc xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).
Trước những lo ngại trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu tạm ngừng dự án để nghiên cứu, bổ sung các tài liệu có liên quan.
Ông Thảo cho biết, trong quá trình tạm ngưng, các đơn vị liên quan đã hoàn thiện các thủ tục cần thiết cũng như có những đánh giá khách quan, từ đó mới đi đến quyết định được tiếp tục thi công vào sáng 15/12.
Không chỉ người dân, mà nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại dự án sẽ làm thay đổi dòng chảy, làm tình trạng sạt lở tăng lên. Ths Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long từng khẳng định, việc lấn sông Tiền chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy.
Dự án nằm ngay khu vực lõm của đoạn sông cong, nên chính công trình này cũng phải gánh chịu áp lực sạt lở chứ không chỉ cù lao Tân Phong. Khi công trình hình thành sẽ gia tăng áp lực phía bên kia bờ của vàm sông Cái Bè (nằm phía hạ lưu sông Tiền), có thể làm tăng sạt lở vị trí này.
Mới đây, chia sẻ với Vnexpress, TS Dương Văn Ni, Khoa Tài nguyên và Môi trường, Đại học Cần Thơ, một trong các chuyên gia góp ý cho dự án cho biết, công tác đánh giá tác động môi trường của dự án không thu thập đầy đủ các tài liệu, sử dụng các mô hình tính toán chưa phù hợp. Kết quả đưa ra không được đo đạc kiểm chứng lại, nên khi sử dụng các kết quả này để nhận xét và kiến nghị là "rất nguy hiểm".
Theo TS Ni, việc sạt lở cù lao Tân Phong hiện nay tùy thuộc vào lượng nước, chất lượng nước chảy ra từ Đồng Tháp Mười và suy giảm phù sa trên sông Tiền. Nguyên nhân sạt lở do khai thác cát đã loại trừ vì nơi đây đã cấm khai thác cát.
Việc xây kè của dự án bằng vật liệu nhẹ và không bị axit ăn mòn sẽ không ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy, không ảnh hưởng đến sạt lở cù lao. "Chính quyền địa phương cần giải thích rõ ràng cho xã hội, đặc biệt là người dân phía cù lao Tân Phong hiểu cặn kẽ các yếu tố gây ra sạt lở tại đây, để họ hiểu là việc xây dựng dự án không làm sạt lở đất đai của họ", TS Ni nói.
Ngoài ra, việc khai thác một lượng cát lớn để san lấp cho dự án phải được khảo sát cẩn trọng về địa điểm, địa chất, trữ lượng, diện tích và thời gian. Tuy nhiên, theo TS Ni, sẽ tốt hơn nếu chuyển mục đích từ "công viên trên đất liền" thành "công viên nổi".
Dự án công viên trái cây dự kiến có diện tích khoảng 9,78 ha nằm tại khu vực tiếp giáp giữa sông Tiền và sông Cái Bè.
Theo chủ đầu tư, tuyến kè dọc sông Tiền từ khu nhà dân đến bờ kè hiện hữu ở ngã ba sông Cái Bè có tổng chiều dài 800 m. Diện tích phần lấn sông khoảng 6,8 ha và khoảng cách mở rộng trung bình từ bờ kè hiện hữu ra lòng sông Tiền là 110 m (vị trí xa nhất là 160 m) với tổng lượng cát cần san lấp là 695.388 m3, tương đương 434.618 tấn.
Dự án bao gồm trồng các loại cây trái đặc sản của huyện như xoài cát Hòa Lộc, bưởi long Cổ Cò, sầu riêng; xây dựng những mô hình kiến trúc nhà đặc thù của các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long như: ở An Giang có nhà nổi, Tiền Giang có nhà cổ...
Hà Linh