Hà Nội: Nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam bắt đầu hoạt động
Nhà máy điện rác Sóc Sơn được xem là Nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam với với công suất 4.000 tấn rác khô được kì vọng giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho thành phố và mang lại giá trị kinh tế cho nhà đầu tư sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày mai.
Những kinh nghiệm từ thế giới
Sự thiêu hủy rác thải đô thị được tồn tại ở châu Âu từ những năm 1930 nhằmlàm giảm đi khối lượng và thể tích rác thải. Hiện nay, các nhà máy thiêu hủy rác hiện đại có thể giảm 90% khối lượng chất thải rắn. Tuy nhiên điều đó đồng nghĩa với việc thời gian sử dụng của bãi chôn lấp chất thải sẽ tăng lên 10 lần đồng thời chất thải là chất vô cơ không gây ra các hậu quả ô nhiễm khác như mùi, nước rỉ rác và trở thành khu vực dễ phát triển các vi khuẩn gây bệnh như rác thông thường.
Các loại hình lò đốt rác được sử dụng cũng bao gồm nhiều loại với các phương thức đốt khác nhau như lò đốt hở thủ công, lò đốt một cấp, lò đốt nhiểu cấp, lò đốt thùng quay, lò đốt tầng sôi, lò đốt nhiều tầng, lò đốt kiểu nhiệt phân, lò đốt kiểu khí hóa.
Việc xử lý rác thải thành năng lượng (Waste to Energy) đã tồn tại từ lâu ở các nước phát triển do lượng nhiệt sinh ra từ quá trình đốt rác có thể sử dụng để sản xuất hơi nước hay nước nóng trong các lò hơi phục vụ cho nhu cầu sưởi ấm ở các nước ôn đới, còn để phát điện thì muộn hơn nhiều.
Một số sáng chế nộp đơn đăng ký bản quyền từ đầu những năm 1980 cho việc đốt chất thải phát điện. Khoảng đầu những năm 2000, những lò đốt rác và những trung tâm xử lý rác lớn ra đời và phát triển mạnh hơn với lượng rác đốt lớn để có thể sản xuất hơi quá nhiệt để làm quay turbine cho sản xuất điện.
Thu gom và phân loại rác. Việc thu gom và phân loại rác thải là vấn đề quan trọng để xử lý rác hiệu quả. Đặc điểm chung của rác thải là tính chất đa dạng với nhiều loại hình từ kim loại, mảnh sành sứ, rác thải hữu cơ từ thực phẩm, giấy, nilon và các sản phẩm cao su, plastic và nhiều khi có cả đất đá nữa.
Nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam
Tiến độ vận hành nhà máy điện rác Sóc Sơn được chia thành 3 giai đoạn; trong đó giai đoạn 1 (từ ngày 20/1), lò đốt số 3 sẽ đốt rác với công suất 800 tấn/ngày, rác tiếp nhận vào nhà máy 1.000 tấn/ngày. Tổ máy số 2 phát điện công suất 15 MW.
Giai đoạn 2 (từ ngày 20/2), lò đốt số 2 và số 4 sẽ đốt rác với công suất 800 tấn/lò/ngày; khối lượng rác tiếp nhận vào nhà máy là 3.000 tấn/ngày. Giai đoạn này, tổ máy số 1 sẽ phát điện. Công suất phát điện của tổ máy 1 và 2 là 45 MW.
Trong giai đoạn tiếp theo, từ ngày 25/3, lò đốt số 1 và số 5 sẽ đốt rác với công suất 800 tấn/lò/ngày; Khối lượng rác tiếp nhận vào nhà máy là 5.000 tấn/ngày. Tổ máy số 3 phát điện. Tổng công suất phát điện của 3 tổ máy 1, 2 và 3 là 75 MW.
Dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2017, do nhà đầu tư nước ngoài thi công và vận hành. Đây được xem là nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam với công suất 4.000 tấn rác khô (tương đương gần 5.500 tấn rác ướt) mỗi ngày. Dự án sử dụng công nghệ đốt rác tiên tiến của châu Âu.
Tuy nhiên, dự án trên đã nhiều lần lùi thời gian hoàn thành so với kế hoạch ban đầu.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội vào cuối tháng 12/2019, Công ty Cổ phần năng lượng môi trường Thiên Ý cam kết sẽ hoàn thành dự án vào tháng 8/2020; Vận hành chính thức đốt rác phát điện vào đúng dịp tháng 10/2020. Thế nhưng, tiến độ thi công không đảm bảo nên đã lùi thời điểm đưa vào hoạt động.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, sau khi kiểm tra, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã nhắc nhở dự án này chậm tiến độ nhiều lần đồng thời yêu cầu chủ đầu tư tăng cường nhân lực, vật lực, gấp rút triển khai thi công các hạng mục dự án. Chậm nhất ngày 1/5/2021, đơn vị phải đưa nhà máy vào hoạt động, nhưng vẫn không kịp tiến độ.
Trước thực tế đó, từ đầu tháng 7/2021, Công ty Cổ phần năng lượng môi trường Thiên Ý đã phối hợp Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức tập huấn quy trình tiếp nhận rác vào nhà máy đối với 17 đơn vị thu gom, vận chuyển rác về Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.
Cùng với việc triển khai quy trình tiếp nhận, phía chủ đầu tư cũng đã yêu cầu chủ thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng, lắp đặt máy móc, thiết bị...
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện mỗi ngày thành phố có trung bình khoảng 6.000 tấn rác cần xử lý, song phần lớn khối lượng trên được xử lý theo hướng chôn lấp. Do vậy, nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn khi đi vào hoạt động sẽ được kỳ vọng giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho thành phố cũng như mang lại giá trị kinh tế cho nhà đầu tư.
Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Hà Nội khi đi vào hoạt động sẽ góp phần xây dựng và phát triển thành phố Hà Nội thông minh, bền vững; có ý nghĩa đặc biệt trong công tác bảo vệ môi trường và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với định hướng phát triển bền vững do Chính phủ Việt Nam đề ra.
Nhà máy điện rác Sóc Sơn là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp đặc biệt có tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng; Với mục tiêu xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ hiện đại, tiên tiến, công nghệ xuất xứ từ châu Âu, thân thiện với môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường của Việt Nam.
Với công nghệ lò đốt ENERGIZE@ ghi lò cơ học tiên tiến nhất trên thế giới, kiểu Waterleau của Bỉ với phân đoạn 3 vùng đốt. Công nghệ đốt rác sẽ tận thu nhiệt điện để phát điện. Các thành phần chất thải trơ, tro xỉ cũng được tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng (đóng gạch không nung) hoặc san lấp mặt bằng.
Là một thành phố văn minh, xanh - sạch - đẹp nhưng những năm gần đây Hà Nội luôn ngấp nghé bên bờ vực “khủng hoảng” về rác thải. Chỉ trong vài năm mà có tới hơn chục lần và riêng trong năm nay đã có 2 lần bãi rác Nam Sơn tê liệt khi người dân dựng gác chắn không cho xe vận chuyển rác thải vào bãi.
Câu chuyện rác ở Hà Nội sẽ không bao giờ hết “nóng” bởi hàng nghìn tấn rác thải mỗi ngày tại Hà Nội hầu hết vẫn đang được chôn lấp thủ công trong khi các bãi này đang ngày càng quá tải. TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, muốn phát triển bền vững, cần đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, nâng cao tái chế để đầu ra của ngành này là đầu vào của ngành khác.
Tuy nhiên, tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng phần lớn rác thải thu gom được vẫn đang xử lý theo kiểu truyền thống chôn lấp, “đếm tấn lấy tiền xử lý từ ngân sách”. Trong khi nhiều nước trên thế giới xử lý rác thải trong lò đốt của nhà máy điện rác, nhà máy sản xuất xi măng, nhà máy luyện thép; Rác thải làm nguyên liệu sản xuất trong nhà máy sản xuất phân bón.
Nguyễn Linh (T/h)