Hà Nội: Loạt dự án xử lý rác chậm tiến độ, giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng rác?
Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 17 khu xử lý chất thải có xử lý chất thải sinh hoạt. Nhưng hiện nay, Hà Nội mới chỉ có ba khu xử lý chất thải sinh hoạt đang hoạt động.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt.
Tỉ lệ rác thải thu gom tại khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 90%. Tuy vậy, chỉ có khoảng 11% khối lượng rác thải được xử lý bằng phương pháp đốt (không phát điện); còn lại đang xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
Cụ thể, tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, theo thiết kế ban đầu, đến năm 2020, bãi rác này chỉ bảo đảm xử lý chất thải rắn sinh hoạt của TP.Hà Nội khoảng 1.000 tấn/ngày đêm. Sau hơn 20 năm hoạt động, khu này đã bị quá tải với công suất hiện nay lên đến 5.000 tấn/ngày, đêm; xử lý chất thải sinh hoạt cho 17/31 quận, huyện, chiếm 77 % lượng rác của toàn TP.Hà Nội.
Trong khi đó, tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, theo quy hoạch đến năm 2020, công suất xử lý khoảng 700 tấn/ngày đêm nhưng hiện nay phải tiếp nhận xử lý khoảng 1.200 - 1.300 tấn rác tấn rác thải một ngày. Tại khu xử lý này, đã có hai nhà máy xử lý rác thải đi vào hoạt động. Tuy vậy, hiện nay, Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn, công suất 700 tấn/ngày đêm, xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện, đang tạm ngừng để cải tạo. Hiện, chỉ còn Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây công suất tối đa 250 tấn/ngày đêm, đang vận hành công suất khoảng 200 tấn/ngày đêm, xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện.
Báo cáo của UBND TP.Hà Nội tháng 1/2020 đánh giá, việc rác thải sinh hoạt được phân luồng tập trung chủ yếu về hai khu xử lý Nam Sơn và Xuân Sơn gây quá tải, quãng đường vận chuyển xa, tăng chi phí, tăng nguy cơ rơi vãi nước rác, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển và xử lý.
Chính vì công nghệ xử lý chôn lấp dễ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân chung quanh các khu xử lý, cộng thêm việc phụ thuộc vào chỉ hai khu xử lý chất thải đã bị quá tải, khiến “số phận” rác thải sinh hoạt nội đô của Hà Nội luôn trong tình trạng bấp bênh. Chỉ một đường vào khu xử lý rác thải bị chặn, nội đô Hà Nội sẽ lại xuất hiện những bãi rác tự phát chất đống, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng triệu người dân cũng như mỹ quan đô thị.
Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 17 khu xử lý chất thải có xử lý chất thải sinh hoạt. Nhưng hiện nay, Hà Nội mới chỉ có ba khu xử lý chất thải sinh hoạt đang hoạt động là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn); Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) và Khu xử lý chất thải Cầu Diễn (Nam Từ Liêm). Một số khu xử lý chất thải khác hiện đang dừng hoạt động vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân công nghệ xử lý rác lạc hậu, không còn phù hợp.
Trong số đó, có thể kể đến dự án Khu xử lý rác huyện Đông Anh (Hà Nội). Được biết, dự án có tổng mức đầu tư 768,438 tỉ đồng, trong đó vốn góp tự có của Nhà đầu tư là 158,985 tỉ đồng (chiếm 20,69%), vốn vay thương mại là 690,453 tỉ đồng (chiếm 79,31%).
Về tiến độ thực hiện dự án, thời gian xây dựng cơ bản thực hiện từ tháng 12/2011 đến tháng 3/2017. Thời hạn đưa công trình vào hoạt động là tháng 4/2017. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thiện.
Theo kết luận thanh tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội, dự án chậm tiến độ nguyên nhân chủ yếu là do nhà đầu tư chưa lường hết được những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai dự án, lựa chọn công nghệ, dây chuyền, thiết bị, máy móc, vốn... cũng như chưa cập nhật kịp thời các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, quy định về giám sát, đánh giá dự án đầu tư.
Cụ thể, sau khi có Quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chỉ cam kết tài trợ cho dự án 65% tổng mức đầu tư. Các thiết bị chính trong dây chuyền công nghệ chủ yếu được nhập khẩu từ Canada nên mất nhiều thời gian; việc giám sát, quản lý chất lượng, tiến độ bị phụ thuộc nhiều vào nhà thầu cung ứng, việc chạy thử, hiệu chỉnh hoặc phải thay thế thiết bị nhiều lần... Trong khi đó, phần thiết bị chiếm tới 80% tổng mức đầu tư của dự án.
Ngoài dự án đốt rác tại Đông Anh, các dự án đốt rác như Dự án Xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn cũng chậm tiến độ. Cá biệt, Dự án Khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng, do Công ty TNHH Indovin Power là chủ đầu tư, còn chưa triển khai bất cứ thủ tục nào. Sở KH&ĐT Hà Nội đang làm thủ tục thu hồi dự án này.
Ngoài ra có thể kể đến 2 dự án tại Khu xử lý chất thải Đồng Ké (Chương Mỹ) và Phù Đổng (Gia Lâm); Dự án Xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn; Dự án Khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng. Những các dự án này đều triển khai khá chậm, khó hoàn thành mục tiêu thành phố đặt ra là đưa toàn bộ các dự án này mới đi vào hoạt động vào năm 2021.
Trao đổi với báo Tiền phong, đại diện Sở KH&ĐT, các dự án xử lý rác thải sử dụng các công nghệ cao còn mới mẻ, nhiều văn bản pháp luật về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường còn chưa đầy đủ, rõ ràng. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến cho các dự án bị chậm tiến độ so với dự kiến.
Một trong những dự án xử lý rác đang được TP.Hà Nội kỳ vọng là Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn được chấp thuận đầu tư từ năm 2017 với tổng mức đầu tư 7.000 tỉ đồng bằng vốn nước ngoài. Sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ, nhà máy có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày đêm và dự kiến công suất phát điện khoảng 75 MW điện/giờ, được đánh giá là dự án điện rác có quy mô lớn hàng đầu thế giới.
Dự án này do Công ty CP Môi trường năng lượng Thiên Ý là chủ đầu tư, Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện. Theo đại diện ban quản lý, đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng hơn 65% các hạng mục chính.
Nhật Hạ