Thứ sáu, 06/12/2024 06:34 (GMT+7)
Thứ sáu, 23/07/2021 06:11 (GMT+7)

Hà Nội: Khuyến khích mua bán trực tuyến trong mùa dịch

Theo dõi KTMT trên

Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường khuyến khích, vận động người tiêu dùng, hộ kinh doanh lựa chọn sử dụng phương thức mua bán trực tuyến nhằm hạn chế lây nhiễm dịch Covid-19.

Sở Công Thương Hà Nội vừa có Công văn số 3275/SCT-QLTM đề nghị UBND các Quận, huyện, thị xã và lãnh đạo các Ban quản lý chợ tăng cường khuyến khích, vận động người tiêu dùng, hộ kinh doanh lựa chọn sử dụng phương thức mua bán trực tuyến thay vì mua bán trực tiếp hàng hóa tại chợ truyền thống.

Để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa thiết yếu, hạn chế tối đa tiếp xúc khi giao dịch và ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các cơ quan, đơn vị nói trên tăng cường khuyến khích, vận động người dân tích cực thanh toán không dùng tiền mặt tránh tiếp xúc trực tiếp nhằm hạn chế lây nhiễm.

Hà Nội: Khuyến khích mua bán trực tuyến trong mùa dịch - Ảnh 1
Tăng cường khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt nhằm hạn chế lây nhiễm dịch. (Ảnh: TTXVN)

Sở phổ biến rộng rãi đến người dân trên địa bàn thông tin các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, website, ứng dụng thương mại điện tử có đặt hàng trực tuyến như Grab, Now, Baemin, GoFood để phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân.

Các đơn vị phổ biến, hướng dẫn cá nhân, hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn quản lý tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử. Giúp các tiểu thương kết nối với bạn hàng, tìm kiếm thêm khách hàng, duy trì kinh doanh trong điều kiện phòng chống dịch ngày càng siết chặt. Sở Công Thương cũng hướng dẫn một số phương thức bán hàng trực tuyến để các đơn vị phổ biến, hướng dẫn triển khai tại các chợ giúp các tiểu thương, cá nhân kinh doanh trực tuyến.

Trước đó, ngày 18/7, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp.

Trong đó, yêu cầu dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hoạt động bao gồm: Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, điện, nước, nhiên liệu, xăng, dầu...);

Các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về, cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... yêu cầu bắt buộc khai báo y tế bằng mã QRCode.

Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn tổ chức sắp xếp, chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn; sắp xếp, bố trí các quầy hàng phù hợp với quy mô, diện tích, điều chỉnh giảm số lượng khách trong cùng thời điểm, đảm bảo thực hiện 5K, hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần khi giao dịch; khuyến khích mô hình giao hàng trực tuyến. Bố trí tăng cường cán bộ hướng dẫn nhân dân đến mua sắm hàng hóa đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch theo quy định ngay từ khu vực để xe, lối ra vào và trong cơ sở kinh doanh.

Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu ở mức cao nhất

Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng kịch bản dự kiến lượng hàng hóa thiết yếu, sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn Hà Nội trong 3 tháng khoảng 194.000 tỉ đồng. Theo đó, 3 cấp độ theo các mức độ lây lan của dịch đã được lên kịch bản với tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa.

Cụ thể, cấp độ 1 từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh tổng trị giá lượng hàng hóa là 313,78 tỉ đồng; cấp độ 2 từ 1.000 - 3.000 trường hợp mắc bệnh tổng trị giá lượng hàng hóa 1.048,71 tỉ đồng; cấp độ 3 từ 3.000 - 30.000 trường hợp mắc tổng trị giá lượng hàng hóa 5.359,05 tỉ đồng.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, đến thời điểm hiện nay, nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ để phục vụ người dân tăng từ 30 - 50%, trong điều kiện sức mua tăng nóng vài ngày thì nguồn hàng vẫn dồi dào. Thành phố đã đảm bảo dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, sẵn sàng mở cửa thêm giờ, thực hiện dự trữ hàng hóa theo phương án 5 là dự trữ hàng cao nhất của Sở Công Thương Hà Nội.

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Khuyến khích mua bán trực tuyến trong mùa dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới