Hà Nội giảm phát thải để ứng phó với biến đổi khí hậu
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân hàng năm 9,5 - 10,0% thời kỳ 2021 – 2030. Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội cũng đứng trước thách thức trong việc giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Phương tiện giao thông bền vững giúp di chuyển nhanh, tiện lợi, an toàn và hiệu quả. |
Phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, giảm phát thải
Theo Sở Công Thương Hà Nội, định hướng phát triển ngành công nghiệp và thương mại nói riêng ngành dịch vụ, công nghiệp và xây dựng là đẩy nhanh tốc độ phát triển khu vực dịch vụ theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm dịch vụ trình độ, chất lượng cao và có giá trị gia tăng lớn; xây dựng, phát triển Hà Nội trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch có đẳng cấp trong khu vực; tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ cao hơn các khu vực sản xuất và cao hơn tốc độ tăng tổng sản phẩm nội địa của thành phố; tham gia có hiệu quả vào mạng phân phối toàn cầu và mạng phân phối quốc gia.
Để đạt được mục tiêu đó, Hà Nội cần tập trung phát triển và nâng cao trình độ, chất lượng các ngành dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Phát triển Hà Nội thành trung tâm thị trường hàng hóa bán buôn, bán lẻ, xuất - nhập khẩu, trung tâm hành chính - ngân hàng đầu tư ở khu vực phía Bắc và có vai trò quan trọng của cả nước; xây dựng các khu trung tâm tài chính - ngân hàng, các khu trung tâm mua sắm, đại siêu thị hỗn hợp dịch vụ, vui chơi giải trí lớn, hiện đại, phân bố hợp lý trên địa bàn.
Ưu tiên phát triển dịch vụ vận tải hành khách công cộng đa dạng, nhanh, tiện lợi, an toàn và văn minh; đẩy mạnh phát triển dịch vụ công, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, dịch vụ việc làm và an sinh xã hội.
Phát triển công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và thân thiện môi trường. Xây dựng, phát triển công nghiệp hiện đại có sức cạnh tranh cao, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường; phát triển công nghiệp có chọn lọc, đột phá vào những ngành, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao (các sản phẩm công nghệ cao chiếm 60 - 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp) làm cơ sở phát triển kinh tế tri thức.
Áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường để sản xuất sạch hơn. |
Ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, suất tiêu hao năng lượng thấp, sử dụng năng lượng sạch; nhanh chóng nắm bắt và phát triển các công nghệ nguồn.
Xây dựng, phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp theo quy hoạch; phối hợp với các cơ quan Trung ương hoàn thành xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao sinh học, Khu công viên công nghệ thông tin Hà Nội trước năm 2020; tạo sự liên kết giữa các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội và các địa phương khác từ khâu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, phân phối sản phẩm để hình thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn và hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, có kế hoạch chuyển hướng hoạt động và di chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành và các khu dân cư. Xây dựng, phát huy lợi thế và nâng cao sức cạnh tranh, thương hiệu của các làng nghề truyền thống gắn với bảo tồn, phát triển văn hóa, du lịch và bảo vệ môi trường.
Chủ động ứng phó với BĐKH
Để xây dựng thành phố văn minh, xanh – sạch – đẹp, bền vững, Hà Nội cũng đưa ra hàng loạt mục tiêu bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo đó, các lĩnh vực phát triển phải bảo đảm môi trường xanh – sạch – đẹp và cân bằng sinh thái theo các tiêu chí môi trường đô thị bền vững; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các giới lãnh đạo, quản lý, doanh nhân và từng người dân thành phố; gắn nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội, đưa nội dung và yêu cầu bảo vệ môi trường vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và các chương trình, dự án đầu tư.
Công trình xanh được phát triển nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả và giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường. |
Xây dựng các hệ thống thu gom và xử lý nước thải; tổ chức các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải theo hướng văn minh, hiện đại; xây dựng các cơ sở chế biến có công nghệ xử lý, tái chế rác thải tiên tiến; tăng tỉ lệ rác thải được xử lý và tái chế đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, giảm dần tỉ lệ rác thải chôn lấp; chống ô nhiễm, bảo vệ tốt các di sản thiên nhiên; xây dựng chương trình bảo vệ môi trường lưu vực sông Hồng, sông Đuống, sông Lô Tịch, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích,…
Triển khai nghiên cứu, dự báo, đánh giá tác động để đề xuất, thực hiện có hiệu quả các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng và phát triển đồng bộ mạng lưới quan trắc môi trường; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; xây dựng chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.