Thứ bảy, 27/04/2024 17:37 (GMT+7)
Thứ ba, 26/03/2024 15:31 (GMT+7)

Hà Nội dự kiến xây đường tàu dọc 2 bờ sông Hồng

Theo dõi KTMT trên

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Thủ đô sẽ nghiên cứu hệ thống xe buýt hiện đại hoặc tuyến monorail (hệ thống đường tàu một ray) chạy ven 2 bờ sông Hồng để kết hợp du lịch, cảnh quan.

UBND TP.Hà Nội vừa trình HĐND thành phố đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Đồ án định hướng thành phố Hà Nội có 5 trục không gian chính, trong đó trục sông Hồng sẽ phát triển là không gian xanh, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế xã hội và là điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Trục không gian sông Hồng được phát triển đô thị, công viên sinh thái 2 bên bờ sông, khai thác giá trị cảnh quan, cảng sông, du lịch; xây dựng trở thành trung tâm hội tụ, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa đồng bằng sông Hồng.

Trục sông Hồng được phân thành 3 khu vực gồm: Đoạn 1 từ huyện Ba Vì đến cầu Hồng Hà dài 90km; đoạn 2 từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở dài 40km qua đô thị trung tâm; đoạn 3 từ Mễ Sở đến hết huyện Phú Xuyên dài 30km.

Đáng chú ý, thành phố Hà Nội định hướng xây dựng hệ thống tàu điện treo 1 ray (sky-monorail) dọc 2 bên sông Hồng. Hệ thống đường sắt này sẽ kết nối với tuyến xe buýt đường sông, triệt tiêu sự ngăn cách về không gian của hệ thống đê tả, hữu Hồng. Tại các điểm kết nối nhà ga của tuyến đường sắt một ray sẽ kết hợp với dịch vụ du lịch văn hóa với các giá trị vật thể và phi vật thể như bãi tắm Chử Đồng Tử, khu di tích Bà Tấm Ỷ Lan, làng cổ Bát Tràng...

Hà Nội dự kiến xây đường tàu dọc 2 bờ sông Hồng - Ảnh 1
Hà Nội dự kiến xây đường tàu dọc 2 bờ sông Hồng.

Trục không gian thứ 2 là hồ Tây - Ba Vì, được kết hợp đồng bộ không gian đại lộ Thăng Long, quốc lộ 6. Khu vực này được xây dựng trục kết nối văn hóa Thăng Long - Xứ Đoài và vùng miền núi, trung du phía bắc.

Trục không gian thứ 3 là hồ Tây - Cổ Loa. Đây là trục kết nối di sản đô thị lịch sử; kết hợp đồng bộ không gian kết nối hồ Tây - cầu Tứ Liên - Cổ Loa.

Trục không gian này được định hướng bố trí các công trình văn hóa, công trình biểu tượng, kết hợp với các làng truyền thống, cảnh quan mặt nước và khu di tích Thành Cổ Loa.

Trục không gian thứ 4 là Nhật Tân - Nội Bài, định hướng là trục phát triển kinh tế, đô thị thông minh, hiện đại, gắn với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và thành phố phía Bắc.

Trục không gian thứ 5 là trục phía Nam của Hà Nội, kết nối di sản Thăng Long - Hoa Lư, gắn với vùng di tích Hương Sơn - Tam Chúc. Gắn với cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô và đô thị Phú Xuyên, trục không gian này sẽ là động lực phát triển mới của Thủ đô.

Quy hoạch cần tập trung vào trục không gian sông Hồng

Theo KTS Lã Thị Kim Ngân - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, thời điểm này Hà Nội nên tập trung vào trục không gian sông Hồng để tận dụng quỹ đất vô cùng quý giá tại đây để tạo lập hình ảnh đô thị có dòng sông ở giữa và phát triển cân bằng hai bên sông.

“Nếu càng kéo dài thì lượng dân cư sống tại các bãi sông sẽ ngày càng tăng lên, khi đó rất khó giải quyết, quy hoạch càng khó thực hiện” - KTS Lã Thị Kim Ngân nói.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Quang - nguyên Giám đốc Chương trình định cư con người Liên Hợp quốc (UN-Habitat) cho rằng, việc quy hoạch xác định xây dựng phát triển trục sông Hồng trở thành không gian xanh trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế - xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội sẽ thiếu khả thi nếu không gắn việc phát triển hành lang sinh thái với việc cải tạo, bảo tồn và chỉnh trang các khu định cư phi chính thức dọc sông.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội dự kiến xây đường tàu dọc 2 bờ sông Hồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới