Thứ tư, 24/04/2024 07:06 (GMT+7)
Thứ năm, 05/12/2019 08:30 (GMT+7)

Hà Nội đặt tên 31 tuyến đường, phố mới tại 12 quận, huyện

Theo dõi KTMT trên

Trong 31 tuyến đường, phố mới, đáng chú ý có tên phố Đinh Núp (tên thật của Anh hùng Núp) đã được đặt cho đoạn ngã ba giao cắt phố Nguyễn Chánh (tại ô đất A5 đến A7) đến ngã tư giao cắt phố Tú Mỡ.

Hà Nội đặt tên 31 tuyến đường, phố mới tại 12 quận, huyện - Ảnh 1
Quang cảnh kỳ họp thứ 11 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Chiều 4/12, trong ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 11, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên một số đường, phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019. Theo đó, Hà Nội quyết định đặt tên 31 tuyến đường, phố mới tại 12 quận, huyện.

Trong đó, đáng chú ý, tên phố Đinh Núp (tên thật của Anh hùng Núp) đã được đặt cho đoạn ngã ba giao cắt phố Nguyễn Chánh (tại ô đất A5 đến A7) đến ngã tư giao cắt phố Tú Mỡ tại điểm đối diện tòa chung cư CT4 Vimeco (quận Cầu Giấy). Phố có chiều dài 1km, rộng 20,5m và có khoảng hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống.

Cụ thể, có 12 đường, phố mang tên địa danh và tên khác, 19 đường, phố mang tên danh nhân.

Các tuyến đường được đặt mới theo các quận, huyện gồm Quận Bắc Từ Liêm có đường Cầu Noi, đường Đông Thắng, phố Nguyễn Xuân Khoát. Quận Cầu Giấy có phố Nguyễn Đỗ Cung, phố Nguyễn Xuân Linh, phố Đinh Núp. Quận Đống Đa có phố Ô Đồng Lầm. Quận Hà Đông có đường Dương Nội, phố Nguyễn Văn Trác. Quận Hoàng Mai có phố Hưng Thịnh.

Quận Long Biên có phố Gia Thượng, phố Bùi Thiện Ngộ, phố Ngô Huy Quỳnh, phố Ngô Viết Thụ, phố Trần Văn Trà, phố Đinh Đức Thiện. Quận Tây Hồ có phố Tứ Liên, phố Vũ Tuấn Chiêu. Huyện Gia Lâm có phố Thành Trung, phố Đoàn Quang Dung, phố Nguyễn Khiêm Ích.

Huyện Hoài Đức có đường Vạn Xuân. Huyện Mê Linh có đường Mê Linh, đường Đại Thịnh, đường Lê Chân, đường Hồ Đề, đường Bát Nàn. Huyện Quốc Oai có đường 17 Tháng 8. Huyện Thanh Trì có đường Vũ Lăng.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tổ chức thực hiện việc phân định ranh giới, gắn biển tên đường, phố và tuyên truyền để nhân dân hiểu ý nghĩa của 31 đường, phố mới được đặt tên theo Nghị quyết này.

Nghị quyết cũng quyết nghị việc điều chỉnh độ dài của 5 tuyến đường, phố gồm: phố Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông), đường Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng), phố Thi Sách (quận Hai Bà Trưng), phố Huỳnh Văn Nghệ (quận Long Biên) và phố Lương Thế Vinh (quận Nam Từ Liêm).

Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã giao Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức thực hiện việc phân định ranh giới, gắn biển tên đường, phố và tuyên truyền để nhân dân hiểu ý nghĩa của 31 đường, phố mới được đặt tên và 5 phố được điều chỉnh độ dài.

Cũng trong buổi chiều cùng ngày, trả lời phóng viên các cơ quan báo chí bên lề kỳ họp liên quan đến việc Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phải thay đổi tờ trình đặt tên đường phố Hà Nội vì một số tuyến đường chưa đảm bảo điều kiện đặt tên, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết những tuyến đường đó chưa đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, nên Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị các quận, huyện chỉnh trang lại, đến khi đảm bảo các điều kiện sẽ tiếp tục đặt tên.

Đề cập vấn đề một số tuyến đường được đặt tên tự phát trên địa bàn thành phố thời gian qua, ông Tô Văn Động nêu rõ việc tự đặt tên đường là sai. Ai tự đặt thì phải chịu trách nhiệm. Còn trách nhiệm quản lý chính thuộc về chính quyền các quận, huyện, phường, xã. Khi Hội đồng Nhân dân thành phố cho phép đặt tên thì cơ quan chức năng sẽ đặt tên và đánh biển số theo quy định.

Việc đặt tên đường dựa trên các quy định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và quy định của thành phố. Nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng đặt tên đường, phố tự phát thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.

Còn về việc thẩm định tên đường, phố, Phó trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội - Duy Hoàng Dương cho biết: Việc đặt tên đường do Ban pháp chế và Ban Văn hóa xã hội Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thẩm tra. Tuy nhiên, theo khoản 1, Điều 17 Nghị định 91 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng, thì việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng đối với đô thị loại đặc biệt phải lấy ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trước khi trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét ra Nghị quyết. Do đó, cơ quan soạn thảo đã lấy ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để hoàn thiện hồ sơ trước khi trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét ban hành Nghị quyết.

Theo ông Duy Hoàng Dương, hiện nay do tốc độ đô thị hóa và hệ thống đường giao thông tăng nhanh trên địa bàn Hà Nội nên còn nhiều tuyến đường phố chưa được đặt tên và điều này chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân gắn cũng như công tác quản lý nhà nước về dân cư tại các địa phương.

Theo kết quả rà soát năm 2019 của Ủy ban Nhân dân thành phố, hiện nay, trên địa bàn thành phố còn nhiều tuyến đường, phố có nhu cầu đặt tên và điều chỉnh độ dài. Vì vậy, để đáp ứng công tác quản lý nhà nước về dân cư và nhu cầu của nhân dân, việc trình Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết về việc đặt tên một số đường, phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019 là cần thiết.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội đặt tên 31 tuyến đường, phố mới tại 12 quận, huyện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng
Theo Tổng Thư ký ASEAN, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.
Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

Tin mới

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng
Theo Tổng Thư ký ASEAN, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.