Thứ sáu, 26/04/2024 16:56 (GMT+7)
Thứ năm, 24/03/2022 06:00 (GMT+7)

Hà Nội cần mở cửa đón học sinh tiểu học và trẻ mầm non đến trường

Theo dõi KTMT trên

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hà Nội nên mở cửa trường học cho trẻ mầm non, tiểu học đến trường, song cần làm tốt 2 điểm. Đó là sự đồng thuận từ phụ huynh và hướng dẫn xử lý khi có F0 trong trường.

Trẻ ở nhà vẫn có nguy cơ mắc Covid-19

Theo BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, thông thường trẻ em sẽ mắc Covid-19 sau người lớn và chủ yếu là do người lớn lây sang, trong khi trẻ em rất ít khi lây cho người khác. Nhiều trẻ mắc bệnh mà người mẹ chăm sóc, chỉ mang khẩu trang thôi nhưng hầu như không thấy trẻ lây cho mẹ. Nguyên nhân do người lớn thường xuyên khạc nhổ, trẻ con thì lại có xu hướng nuốt vào.

Trên thực tế, trẻ em ở nhà cũng nhiễm Covid-19 chứ không chỉ mắc bệnh ở trường. Lợi ích của việc cho trẻ đến trường như trẻ tập trung, tiếp thu tốt hơn, người lớn có thể chuyên tâm lao động, sản xuất, sinh hoạt ổn định.

Từ góc độ chuyên môn, ông cho biết khi dương tính nCoV, trẻ trải qua triệu chứng nhẹ. Thông thường, trẻ có thể sốt cao nhưng tự hết trong vòng 48 tiếng, không nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó, trẻ ở nhà học online lâu ngày dẫn đến những hệ lụy mà mọi người đều thấy rõ như thiệt thòi về mặt cảm xúc, bệnh tật về tai, mắt.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng, nếu tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 thấp, có thể phụ huynh hiểu, cho con đi học. Theo ông, nghiên cứu đã chỉ rất rõ lợi ích của việc cho trẻ đến trường như trẻ tập trung, tiếp thu tốt hơn, người lớn có thể chuyên tâm lao động, sản xuất, sinh hoạt ổn định.

Hà Nội cần mở cửa đón học sinh tiểu học và trẻ mầm non đến trường - Ảnh 1
Để đảm bảo an toàn, phòng, chống Covid-19 trong trường học, chuyên gia nhấn mạnh khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế là 3K phải được thực hiện. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, trẻ ở nhà lâu ngày có nguy cơ mất an toàn (tai nạn) hay vẫn lây nhiễm từ cha mẹ. Ông Dũng cho biết người lớn khi mắc Covid-19 dễ phát tán virus hơn. Bên cạnh đó, trẻ cùng sinh hoạt với phụ huynh trong không gian chung, không đeo khẩu trang.

Ông dẫn một nghiên cứu đối với 17 trẻ mắc Covid-19, kết quả theo dõi, 17 trẻ này không lây cho những bạn học thuộc diện F1 mà lây cho người trong gia đình.

Trên cơ sở đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng Hà Nội nên mở cửa trường học song cần làm tốt 2 điểm - sự đồng thuận từ phụ huynh và hướng dẫn xử lý khi có F0 trong trường.

Theo ông, nếu mở cửa trường học, các trường cần thực hiện tốt việc chăm sóc trẻ, ngành giáo dục, y tế có quy định rõ ràng, tránh “chập choạng”, phụ huynh yên tâm gửi con tới lớp.

Vì vậy, ông đề xuất ngành y tế, giáo dục nghiên cứu để học sinh tiếp xúc gần với F0 tiếp tục ở lại trường, “tránh khiến lớp học gián đoạn, nay trực tiếp, mai trực tuyến. Như vậy, khi xuất hiện ca mắc trong trường học, chỉ F0 về cách ly. Những em F1 được theo dõi tại chỗ, xét nghiệm, nếu cũng mắc Covid-19, các em được tách ra, không cho về nhà ngay vì như vậy rất kém hiệu quả”.

Thời điểm tốt nhất để trẻ được hòa nhập và phát triển

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, hiện nay độ tiêm phủ vaccine Covid-19 đã đạt mức miễn dịch cộng đồng, trên 70% dân số nói chung. Đặc biệt, với nhóm học sinh từ 12-17 tuổi, có 90% các em được tiêm mũi 1, trên 70% đã tiêm mũi 2. Bên cạnh đó, hiện nay nhận thức của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh cũng đã được nâng cao, học sinh được truyền thông, nhận thức đầy đủ hơn về dịch bệnh, từ đó biết cách tự bảo vệ mình trong quá trình học trực tiếp. Đây là những yếu tố quan trọng để có thể mở cửa trường học.

Với học sinh từ 5-11 tuổi, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết Bộ đã có phương án trình Chính phủ xem xét tiếp tục tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ trong độ tuổi này vào năm 2022. Việc trở lại trường học với trẻ từ 5-11 tuổi cũng hết sức cần thiết.

“Thời điểm này, cộng đồng đã có mức độ miễn dịch, việc quyết định cho trẻ trở lại trường phụ thuộc vào các yếu tố an toàn như gia đình phải an toàn, cộng đồng xã hội đảm bảo an toàn. Việc cho học sinh đi học trực tiếp không thể khẳng định là an toàn tuyệt đối, nhưng nguy cơ lây lan cho trẻ từ 5-11 tuổi là rất thấp. Trong những đợt dịch vừa qua, tỷ lệ bệnh nhân trong độ tuổi này chuyển nặng và tử vong là rất thấp. Chúng tôi khuyến cáo ngành giáo dục cũng như các bậc phụ huynh nên đưa học sinh trở lại trường”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Đi học nghĩa là hòa nhập, đến trường học trực tiếp, chơi với bạn bè, giao tiếp với cô giáo, nhìn thấy khuôn mặt của cô giáo, bạn bè. Chúng ta đã chích ngừa vaccine Covid-19 cho người lớn vậy là đã "hết chiêu" vì thế nên thuận theo thiên nhiên nhưng không lơ là, tuân thủ tốt quy tắc 5K và tiêm vaccine. "Đây là thời điểm tốt nhất để trẻ được hòa nhập và được phát triển", BS. Khanh chia sẻ.

Về việc đảm bảo an toàn, phòng, chống Covid-19 trong trường học, PGS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế là 3K phải được thực hiện.

Với K thứ nhất, trẻ từ 2 tuổi trở lên chắc chắn phải đeo khẩu trang. Theo ông, ở độ tuổi này, trẻ đeo khẩu trang vải không nguy hiểm. Khi trở lại trường, học cần đeo khẩu trang kể cả trong phòng học, không cần đeo tấm chắn.

“Lỡ mắc Covid-19, trẻ ho, khạc, nói lớn phát tán nhiều virus ra không khí. Việc đeo khẩu trang phòng cho bản thân và giảm mạnh nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh nếu mình là F0”, ông Dũng phân tích.

K thứ 2 - khử khuẩn, không chỉ với bàn ghế, các bề mặt mà còn đề cập đến việc vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên. Khai báo y tế cũng quan trọng. Phụ huynh chủ động khai báo khi con có triệu chứng nghi nhiễm nCoV.

Với 2K còn lại, đối với khoảng cách, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng nếu việc giãn cách trong trường không khả thi, học sinh nên giữ khoảng cách tối đa.

Với K - không tụ tập, theo ông Dũng, tụ tập là tự phát. Theo hướng dẫn, người dân không tụ tập ở nơi khó thực hiện 5K. Trong khi ở trường, học sinh học tập trung. Do đó, K này không cần thiết nhắc đến.

Cho rằng việc đóng cửa trường học hiện nay là cách phòng dịch "hơi thái quá", PGS.TS Đinh Duy Kháng - Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng việc không chủ quan, lơ là với dịch bệnh là cần thiết, nhưng cần khôi phục lại cuộc sống bình thường. Hơn 2 năm qua, trẻ nhỏ bị xáo trộn, ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển. Đến thời điểm này, nên thiết lập trạng thái bình thường, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh...

Trẻ mắc Covid-19 dù có sốt cao, lạnh run, nhưng cũng không sốt quá 48 tiếng. Việc chăm sóc trẻ mắc Covid-19 không khác gì với sốt virus thông thường. Không nên lạm dụng xông, xịt mũi hay tự ý sử dụng thuốc điều trị Covid-19. Qua 48 giờ, trẻ sẽ lại ăn uống, vui chơi bình thường - BS Trương Hữu Khanh khuyến cao.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội cần mở cửa đón học sinh tiểu học và trẻ mầm non đến trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới