Hà Nội: Cần làm rõ việc cảng Hòa Bình hoạt động không phép 16 năm
Theo Chủ tịch UBND xã Trung Giã, cảng Hòa Bình được chủ đầu tư đưa vào hoạt động từ 2007 đến nay nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng cấp phép.
Mới đây, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường nhận được thông tin phản ánh về việc Cảng Hòa Bình (Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội) ngang nhiên hoạt động trái phép suốt một thời gian dài, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương nhưng chưa bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Từ phản ánh của bạn đọc, vào trung tuần tháng 3/2023 nhóm Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có mặt tại khu vực Cảng Hòa Bình. Ngay phía ngoài con đường nối từ Cảng Hòa Bình vào trục đường lớn là tấm biển ghi rõ thông tin “Cảng Hòa Bình chuyên bốc xúc, lên xuống các loại hàng hóa”.
Cũng theo thông tin trên tấm biển trên thì, Cảng Hòa Bình có trang bị cân 120 tấn ngay trong khuôn viên cảng để phục vụ khách hàng. Đi kèm với đó là thông tin số điện thoại liên hệ của lãnh đạo cảng Hòa Bình.
Đi sâu vào trong khuôn viên cảng, một nhà điều hành cảng đặt ngay cạnh trạm cân. Bên trong là khuôn viên cảng rộng hàng chục nghìn m2. Bên trong cảng, xe múc xe tải loại 4 chân đang hoạt động liên tục để bốc xếp hàng hóa từ tàu lên tập kết tại cảng.
Trong vai khách hàng cần bốc dỡ hàng hóa tại cảng, chúng tôi được nhân viên của cảng giới thiệu gặp anh C. quản lý trực tiếp tại cảng. Qua trao đổi, anh C. cho biết cảng nhận bốc xếp tất cả các loại hàng hóa từ phụ gia xi măng, than cốc,… Giá thành bốc xếp các loại hàng hóa tùy theo thỏa thuận giữa chủ hàng với lãnh đạo cảng. Sau đó, ông này cho chúng tôi số của một người đàn ông tên Việt, được giới thiệu là phó giám đốc Cảng Hòa Bình cùng lời giới thiệu: “Có gì cứ thỏa thuận với anh Việt. Chốt được giá cả thì anh em bọn tớ làm thôi”.
Khi được hỏi về đống hàng hóa đang được công nhân cảng Hòa Bình ông C. cho biết đó là lưu huỳnh. Theo ông C. cho biết số lưu huỳnh trên được vận chuyển từ cảng biển về đây. Theo quan sát của phóng viên, hàng chục tấn lưu huỳnh sau khi được bốc xếp từ tàu lên tập kết ngay trong khuôn viên cảng mà không có bất cứ biện pháp phòng cháy chữa cháy, phòng hộ đảm bảo an toàn cho người lao động.
Mặc dù lưu huỳnh là khá an toàn để sử dụng như là phụ gia thực phẩm với một lượng nhỏ, nhưng khi ở nồng độ cao nó phản ứng với hơi ẩm để tạo ra axít sulfurơ mà với một lượng đủ lớn có thể gây tổn thương cho phổi, mắt hay các cơ quan khác. Các khí sinh ra từ lưu huỳnh kích thích mạnh đối với mắt, da và các màng cơ, có thể gây co giật ở cơ trơn của khí quản hoặc tăng tiết dịch niêm mạc đường khí quản. Đặc biệt lưu huỳnh là chất dễ cháy khi ở nhiệt độ cao và ma sát lớn.
Với những đặc tính trên, các cơ sở tập kết, kinh doanh cần có đầy đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy, về giấy phép hoạt động… Các xe chở phải là xe chuyên dụng, trang bị đầy đủ về vấn đề an toàn, vận chuyển thì mới được cấp phép.
Đồng thời, các cơ sở có các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hoá chất nguy hiểm, kể cả hoá chất bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp cũng cần tuân thủ các quy định trong Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5507:2002 về Hóa chất nguy hiểm - Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường ông Lê Quang Trung – Trưởng Đại diện Cảng vụ Đường thuỷ nội địa khu vực II tại Thái Nguyên cho biết:
“Cảng Hòa Bình chưa được cấp phép hoạt động, nên không thuộc phạm vi quản lý của đơn vị. Để tìm hiểu thông tin về việc họ (Cảng Hòa Bình-PV) có được phép bốc xếp, tập kết các loại hàng hóa có điều kiện riêng trong quá trình vận chuyển, cái này thuộc thẩm quyền quản lý trách nhiệm của chính quyền địa phương”.
Theo ông Văn Trọng Dũng, Giám đốc Cảng vụ đường thủy Khu vực I thì trong những năm qua, các cơ quan quản lý tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng quản lý thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật GTVT đường thủy, ATGT đường thủy.
Tập trung tuyên truyền việc thực hiện các quy định về kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ tại cảng bến thủy nội địa; Hướng dẫn các phương tiện thủy hoàn thiện các thủ tục về đăng ký, đăng kiểm; Hướng dẫn chủ cảng bến thực hiện các quy định về công tác phòng cháy chữa cháy; Công tác bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; Công tác ứng phó sự cố tràn dầu...
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại. Đó là ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ cảng, bến và phương tiện còn hạn chế; Tình trạng bến không phép còn tồn tại trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia nhưng chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm.
Từ ý kiến của ông Lê Quang Trung, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có buổi làm việc với ông Khổng Văn Hoàn - Chủ tịch UBND xã Trung Giã.
Trao đổi với Phóng viên, ông Hòa cho biết, Cảng Hòa Bình hình thành đưa vào hoạt động từ năm 2007 đến nay. Theo ông Hoàn thì hiện nay Cảng Hòa Bình vẫn chưa được các cơ quan thẩm quyền cấp phép hoạt động.
Khi được hỏi về việc cảng chưa được cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, ông Hoàn cho biết việc xử lý cảng không phép nằm ngoài thẩm quyền của chính quyền xã, hàng năm xã vẫn có báo cáo gửi các cấp.
Phóng viên đề cập đến việc liệu Cảng Hòa Bình nhận bốc xếp, trung chuyển các loại hàng hóa dễ cháy nổ, ông Hoàn cho rằng cảng chưa được phép hoạt động thì đương nhiên không được phép vận chuyển, bốc xếp các loại hàng hóa dễ cháy nổ. Việc doanh nghiệp cố tình vận chuyển bốc xếp các loại hàng hóa dễ cháy nổ là làm trái quy định của pháp luật.
Cũng theo ông Hoàn, liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, hàng năm Ủy ban nhân dân xã có văn bản nhắc nhở Cảng Hòa Bình dừng hoạt động từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên ông Hoàn từ chối cung cấp giấy tờ trên cho phóng viên với lý do cán bộ địa chính phụ trách lưu giữ giấy tờ đi vắng.
Đề nghị các ngành chức năng của huyện Sóc Sơn và Thành phố Hà Nội, Cảng vụ Đường thuỷ nội địa khu vực II sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý các hoạt động tại Cảng Hòa Bình để giải tỏa sự lo lắng, bức xúc của dư luận, nhân dân địa phương.
Theo quy trình công nghệ xếp dỡ lưu huỳnh tại Cảng Sài Gòn, để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật an toàn cần tuân thủ các quy định sau:
Công nhân phải mang trang bị bảo hộ lao động khi làm việc; Phải có biện pháp chống rơi vãi, gây thất thoát hàng hoá và ô nhiễm môi trường; Luôn bố trí công nhân hốt quét hàng rơi vãi trên boong tàu, sà lan, cầu tàu trong quá trình xếp dỡ.
Cuối ca trực và kết thúc tàu, phải kiểm tra phễu, xả hết hàng trên phễu, thu gom, hốt quét hàng rơi vãi trước khi vệ sinh phễu và bơm rữa cầu tàu; Kiểm tra tình trạng kỹ thuật của công cụ xếp dỡ, thiết bị nâng, phương tiện vận chuyển trước khi đưa vào vận hành và sử dụng. Kiểm tra các thiết bị họat động bằng điện, phải có dây nối đất, để tránh rò rỉ điện, các đường dây đấu nối phải có vỏ bọc cách điện. Chấp hành quy định an toàn điện.
Kiểm tra băng tải trước khi vận hành, các băng tải nghiêng sau khi điều chỉnh độ cao chân băng phải được cố định cơ cấu điều chỉnh chân. Khi băng tải hoạt động cấm người trên băng tải, khi cần sửa chữa phải ngắt nguồn điện; Tại nơi xếp dỡ hàng phải treo bảng “nguy hiểm”, “chất độc”, hạn chế người không phận sự di chuyển tại khu vực làm hàng.
Chỉ những người đã được huấn luyện phương pháp làm việc an toàn và có sức khoẻ tốt, không mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp mới được làm việc dưới hầm hàng. Tuyệt đối không mang theo diêm quẹt, bật lửa (những vật gây ra tia lửa) trong quá trình làm việc dưới hầm hàng để tránh gây cháy nổ.
Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!
Hà Nam