Hà Nam: Đẩy mạnh ưu tiên dùng hàng việt, thúc đẩy tiêu dùng bền vững
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần tích cực trong việc thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng của người dân tại Hà Nam, đặc biệt là việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Trong năm 2024, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại tỉnh Hà Nam đã được các cấp, các ngành hưởng ứng thực hiện với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Từ đó đưa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trở thành nòng cốt thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao vị thế, chất lượng từng sản phẩm đến gần hơn với người dân Việt.
Nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng tại địa phương này được nâng cao với nội dung, hình thức phong phú, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa Việt Nam đến người tiêu dùng. Từ đó cho thấy việc vận động tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; khẳng định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cuộc vận động.

Sự vào cuộc đồng bộ giữa các tổ chức là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, góp phần tăng cường công tác quản lý thị trường, bảo đảm tính minh bạch về thông tin, tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng. Nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt đến các khu vực nông thôn, công nhân và người lao động; phối hợp với Bưu điện tỉnh và các cơ quan chức năng hỗ trợ chủ thể sản xuất đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp và nông thôn tiêu biểu… được triển khai hiệu quả nhằm hỗ trợ người dân có cơ hội tiếp cận hàng Việt chất lượng.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần tích cực trong việc thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng của xã hội, đặc biệt là việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hà Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của thị trường nội địa, từ đó tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ, hoàn thiện quy trình sản xuất và phát triển thương hiệu.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đã ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà Ban Chỉ đạo cuộc vận động đã đạt được trong năm qua. Để tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Ban Chỉ đạo cuộc vận động các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, Nhân dân và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong hưởng ứng thực hiện cuộc vận động.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo cuộc vận động, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện cuộc vận động ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là việc đưa hàng hoá về khu vực nông thôn phải đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các cấp chính quyền cần cụ thể hoá các cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường nội địa theo hướng dẫn của các bộ, ngành; phối hợp làm tốt công tác quản lý thị trường, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Đức Vượng, Phó trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh mong muốn các cơ quan thành viên đẩy mạnh phong trào ưu tiên sử dụng hàng Việt trong đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và doanh nghiệp; khuyến khích mua sắm, sử dụng hàng Việt thay vì các sản phẩm tương tự trên thị trường, góp phần thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đóng góp tích cực vào ngân sách tỉnh, góp phần quảng bá hình ảnh con người Hà Nam thân thiện mến khách đến với đông đảo người dân trong cả nước.
Quý Nguyễn