Thứ hai, 14/10/2024 21:13 (GMT+7)
Thứ sáu, 11/10/2024 09:46 (GMT+7)

Góc nhìn Kinh tế Môi trường: Hậu cơn bão Yagi và vấn đề đặt ra với phát triển đô thị dọc sông Hồng

Theo dõi KTMT trên

Hơn 20 tỉnh, thành đã chịu hậu quả nặng nề bởi mưa lũ do bão Yagi gây ra, trong đó đó Hà Nội. Điều này đặt ra vấn đề cần nghiêm túc xem xét lại việc quy hoạch phát triển đô thị dọc sông Hồng vừa qua tại Thủ đô Hà Nội để có những đánh giá sát với thực tế.

LỜI TÒA SOẠN

Ngoài Quảng Ninh, Hải Phòng thì hơn 20 tỉnh, thành đã chịu hậu quả nặng nề bởi mưa lũ do bão Yagi gây ra, trong đó đó Hà Nội. Những kỷ lục về lượng mưa, đỉnh lũ đã bị phá vỡ trong cơn bão vừa qua. Điều này đặt ra vấn đề cần nghiêm túc xem xét lại việc quy hoạch phát triển đô thị dọc sông Hồng vừa qua tại Thủ đô Hà Nội để có những đánh giá sát với thực tế hiện trạng gắn với việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Góc nhìn Kinh tế Môi trường: Hậu cơn bão Yagi và vấn đề đặt ra với phát triển đô thị dọc sông Hồng - Ảnh 1
Cầu Nhật Tân nối huyện Đông Anh và Tây Hồ.

Kỳ vọng trở thành biểu tượng phát triển mới của Thủ đô

Ngày 25/3/2022, Hà Nội phê duyệt Đề án Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, từ đó triển khai một cách sâu rộng tới toàn hệ thống chính trị thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận số 80/KL-TW của Bộ Chính trị 4 về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo Đề án được phê duyệt, phân khu đô thị sông Hồng có chiều dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì.

Quan điểm quy hoạch sông Hồng đã thể hiện rất rõ định hướng phát triển bền vững với một số nội dung cụ thể như: Là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; là trục không gian đặc trưng hành lang xanh. Phát triển hệ thống giao thông và đầu mối hạ tầng kỹ thuật để cải thiện điều kiện sống theo hướng hiện đại, an toàn và khuyến khích các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngoài trời. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối với các khu vực liền kề, đặc biệt là hệ thống đường trục và hệ thống mạng lưới đường ven sông; kết nối giao 2 thông đường bộ và đường thủy, tạo điều kiện và động lực phát triển cho khu vực và Thành phố.

Phát triển đô thị bền vững trên cơ sở hài hòa 3 yếu tố: kinh tế, môi trường, xã hội. Hài hoà giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hoá truyền thống của những vùng đất hai bên bờ sông mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ văn hoá mang đặc trưng của văn minh sông Hồng. Đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản văn hoá vật thể, phi vật thể trong vùng đồng bằng sông Hồng... Xác định khung kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phát triển bền vững trên cơ sở phù hợp với Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô…

Nhìn ra thế giới, đến nay, đã có nhiều đô thị thành công với quy hoạch hai bên sông, được phát triển như sông Tiền Đường (Hàng Châu - Trung Quốc), sông Hàn (Seoul - Hàn Quốc), khu vực sông Seine của Paris (Pháp)... Những bài học kinh nghiệm từ các nước sẽ được đúc rút để Hà Nội hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng.

Về tính pháp lý, Luật Thủ đô 2024 cho phép được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng; được sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp ở bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm bảo đảm nguyên tắc việc xây dựng trên đất nông nghiệp ở bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê phải phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch xây dựng, quy hoạch khác có liên quan.

Việc Hà Nội định hướng lấy sông Hồng làm trục phát triển mới là phù hợp với điều kiện thực tế và tầm nhìn cho tương lai xa. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được định hướng lấy sông Hồng và sông Đuống là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội.

Nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực kiến trúc, kinh tế, lịch sử đều tán đồng Hà Nội phát triển lấy sông Hồng làm trục. Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, phát triển kinh tế hai bờ sông Hồng cần gắn liền với quy hoạch phát triển đồng bằng Bắc Bộ; giữ cảnh quan môi trường phải gắn kết với nước bạn ở thượng nguồn sông Hồng; đồng thời tập trung đầu tư, gìn giữ, khai thác tiềm năng du lịch và giá trị lịch sử của các làng nghề và của cầu Long Biên; xây dựng phát triển cầu Long Biên không chỉ là cầu giao thông, mà còn trở thành điểm tham quan, du lịch,…

Theo ông Phú, hạ tầng là mấu chốt trong quy hoạch đô thị, vì vậy, giao thông ven sông Hồng phải đi lại thuận tiện, cùng với đó là hệ thống cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, kè bờ phải được quy hoạch đồng bộ,… Khi đã có hạ tầng tốt thì các dịch vụ như thương mại, siêu thị, nhà hàng, vui chơi, giải trí, ăn uống, khách sạn,… sẽ được nâng cấp để phục vụ dân cư tại chỗ và khách quốc tế. Trong Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị vừa được ban hành ngày 24/5/2024.

Trên cơ sở xem xét tờ trình, báo cáo của Thành ủy Hà Nội về nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị yêu cầu cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung vào các quy hoạch và quyết định quy hoạch định hướng để sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển du lịch, dịch vụ.

Có thể nói, kỳ vọng sông Hồng trở thành một “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô vừa là yêu cầu, vừa là thách thức, cũng vừa là động lực để phát triển Thủ đô. Nói như kiến trúc sư Nguyễn Trọng Kỳ Anh với Tạp chí Người Hà Nội thì “tinh thần Thăng Long, khát vọng về một Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại sẽ là động lực đề Hà Nội đưa ý tưởng đến hiện thực, và sông Hồng đóng vai trò là một nhân tố không thể thiếu kết nối Hà Nội xưa – Hà Nội nay – Hà Nội tương lai”. 

Cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng.

Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị

Theo thông tin từ TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tại một hội thảo do Sở Xây dựng TP.Hà Nội chủ trì, Luật Thủ đô 2024 đã bổ sung bằng cách giao thẩm quyền cho HĐND Thành phố xây dựng các quy định cụ thể hóa và UBND Thành phố được quyền phê duyệt các quyết định xây dựng công trình trên các bãi sông. Rõ ràng, những quy định mới này là điều kiện thuận lợi, khung pháp lý quan trọng để vừa bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai, vừa khai thác hiệu quả quỹ đất các bãi sông trên địa bàn TP Hà Nội.

Từ trận bão lũ lịch sử nghĩ về quy hoạch đô thị dọc sông Hồng

Góc nhìn Kinh tế Môi trường: Hậu cơn bão Yagi và vấn đề đặt ra với phát triển đô thị dọc sông Hồng - Ảnh 2
Sông Hồng đoạn chảy qua địa phận thành phố Hà Nội.

Việc Hà Nội định hướng phát triển các đô thị dọc hai bên bờ sông Hồng (bao gồm cả phát triển đô thị khu vực ngoài đê) là chủ trương lớn, đúng đắn và đã đạt được sự đồng thuận cao của người dân và các cấp chính quyền.

Tuy nhiên, vừa qua bối cảnh mưa lũ lịch sử do siêu bão Yagi đã như một lời nhắc nhở về việc cần nghiêm túc nhìn nhận và xem xét lại vấn đề môi trường khi thực hiện quy hoạch phát triển đô thị dọc sông Hồng. Ngày 10/9, Hà Nội đã phải phát lệnh Báo động 3 trên sông Hồng tại 10 quận huyện trong bối cảnh nước sông Hồng dâng cao. Nước tràn qua khu vực bãi bồi, uy hiếp nhiều khu dân cư ở sát ven sông. Nhiều địa phương nằm ven sông Hồng đã tổ chức di dời các hộ dân có nguy cơ cao tới nơi an toàn. Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy các cửa khẩu ở đê sông Hồng được đóng lại nhằm ngăn nguy cơ nước sông tràn vào khu dân cư. Có lẽ phải hàng vài chục năm qua công tác này mới được lặp lại khi nước sông Hồng dâng cao lịch sử.

Nước lũ trên sông Hồng lên cao nhất 20 năm qua, tại sông Thao ở Yên Bái, đỉnh lũ cũng vượt qua kỷ lục năm 1968. Tại sông Cầu, lũ chỉ còn cách mức lịch sử năm 1971 khoảng 5cm… Và hàng loạt các sông trên địa bàn miền Bắc đã ghi nhận mức nước dâng cao lịch sử. Mưa lớn, lũ từ thượng nguồn đổ về đã khiến nhiều khu vực của Hà Nội chìm trong biển nước cả tháng trời như tại Quốc Oai, Chương Mỹ (nằm trong lưu vực các sông Tích, Bùi, Đáy, Nhuệ). Còn trong nội thành, quận Hoàn Kiếm đã phải sơ tán 1.059 nhân khẩu của 276 hộ thuộc 6 địa bàn dân cư khu vực Phúc Xá đến nơi an toàn để tránh lũ.

Trong bối cảnh mưa lũ lịch sử như vậy, nhiều nhà khoa học và các chuyên gia về lĩnh vực môi trường bày tỏ sự quan ngại về các khu dân cư hiện hữu nằm ngoài đê sông Hồng như hiện nay tại Hà Nội. Bên cạnh đó, việc Hà Nội đã thông qua Đồ án Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng, tỉ lệ 1/5000, với quy mô gần 11.000 ha rất cần được xem xét lại tính khả thi, khả năng chống chịu trước bão lũ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng con người, hạ tầng cũng như khả năng thoát lũ sông Hồng.

Phim tài liệu "Bom nước" vừa phát sóng trên VTV1 đã ghi lại những thời khắc nghẹt thở trên hồ thủy điện Thác Bà (Yên Bái). Nhớ lại thời điểm lũ ào ạt tràn về sau siêu bão Yagi, hồ thủy điện Thác Bà chứa gần 2,5 tỷ m3 nước có nguy cơ vỡ vì mức nước đã vượt qua +59m, trong khi thiết kế của Liên Xô chỉ cho phép mức +58 và lưu lượng về hồ nhiều thời điểm vượt 2 lần lưu lượng xả; trong lúc dung tích phòng lũ của các hồ phụ lưu trên sông Đà và sông Lô gần như hết. Nếu vỡ đập Thác Bà có thể gây ra thảm họa khủng khiếp cho Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng như trận lũ năm 1971.

Những người có trách nhiệm đứng trước quyết định cân não - phá hay không phá đập phụ để giảm tải cho đập chính. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định hậu quả khi phá đập phụ có thể đến 10 năm sau chưa khắc phục được hết. Tài sản của người dân, hạ tầng gần như không còn gì. May thay, trời ngớt mưa và nước về hồ đã giảm trước ngưỡng sinh tử.

Một giả sử không mong đợi nhưng cũng cần được phân tích rõ hơn, đó là, nếu một trong những hồ thủy điện phía thượng nguồn sông Đà, sông Thao, sông Lô… bị vỡ hoặc buộc phải phá trong kế hoạch thì mực nước ở Hà Nội sẽ ra sao? Chưa kể, bản thân sông Hồng qua Hà Nội nhận nước từ các con sông lớn bắt nguồn từ Trung Quốc, trong trường hợp mưa lũ lớn chắc chắn phía bạn phải xả lũ, nguy cơ ngập lụt lại càng cao.

Trong quy hoạch trục sông Hồng phải tuyệt đối đảm bảo nguyên tắc trong hành lang thoát lũ không được phép xây dựng các công trình gây cản trở dòng chảy. Hành lang này luôn phải đảm bảo cho thoát lũ thiết kế đối với sông Hồng và sông Đuống là 28.000m3/s. Từ hành lang thoát lũ đến đê mới, khai thác các dịch vụ sinh thái như đường đi bộ, dải cây xanh cảnh quan. Bên trong đê mới đến đê cũ, TP được phép xây dựng, ưu tiên các công trình dịch vụ. Đây là mô hình đã được rất nhiều nước trên thế giới như Hà Lan, Nhật Bản… thực hiện để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, GS.TS Đào Xuân Học trao đổi trên báo Kinh tế và Đô thị.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, một nhà khoa học có uy tín của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nói: Sông Hồng là con sông quan trọng của nước ta có chiều dài 1.149 km, trên đất Việt Nam dài 556 km, với lưu vực 169.000 km2, trong đó phần diện tích lưu vực thuộc Trung Quốc là 81.240 km2 (48%), phần Việt Nam 87.760 km2 (52%). Lượng mưa trung bình hàng năm của lưu vực vào khoảng 3000mm và tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm là 83,5 tỷ m3. Tuy nhiên lưu lượng nước phân bổ không đều, về mùa khô lưu lượng giảm chỉ còn khoảng 700 m³/s, nhưng vào cao điểm mùa mưa có thể đạt tới 30.000 m³/s, lưu lượng trung bình 2.640 m³/s. Đầu nguồn sông Hồng và đầu nguồn phụ lưu sông Đà phía Trung Quốc đã xây dựng hàng chục thủy điện với tổng dung tích các hồ thủy điện nhiều tỷ m3. Do vậy, việc Hà Nội lấy mô hình của sông Hàn tại Seoul, sông Sein ở Pháp hay sông Thame ở London để xây dựng đô thị ven sông, ngoài bãi là chưa phù hợp, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và tai biến thiên nhiên có xu hướng khó đoán định với tác động ngày càng tiêu cực hơn.

Lấy sông Hàn ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) làm ví dụ. Sông Hàn chỉ dài 514 km và lưu vực chỉ có 35.770 km2 (nhỏ hơn lưu vực sông Hồng 5 lần) lưu lượng trung bình 613m3/s; hay sông Sein ở Pháp dài 776 km và lưu lượng trung bình 500m3/s. Nhờ việc điều tiết của các hồ trên các công trình thủy điện trên phụ lưu sông Đà (Hòa Bình 9,45 tỷ m³ , Sơn La 9,26 tỷ m³, Lai Châu 1,2 tỷ m³,...) và trên phụ lưu sông Lô (Thác Bà 2,49 tỷ m³, Tuyên Quang 2 tỷ m³); những năm gần đây mực nước Hà Nội xuống thấp, dân cư ở các khu vực ngoài đê sông Hồng không bị ngập lụt thường xuyên như những năm 80 của thế kỷ trước.

Việc quy hoạch xây các công trình đô thị ngoài đê sông Hồng dù có lý giải như thế nào cũng sẽ cản trở dòng chảy thoát lũ, cũng như nước lũ ngập sẽ gây hư hỏng công trình đô thị sẽ được xây dựng và ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Hồng nói chung. Nhà khoa học này cũng cho rằng: Với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, các cơn bão lớn sẽ xuất hiện với tần suất nhiều hơn, mạnh hơn; lượng mưa lưu vực do bão không chỉ là 500mm nữa, mà có thể tới 1000mm thì các hồ trên sông Đà, sông Lô; nhất là các hồ thủy điện ở Trung Quốc phải xả để không vỡ đập. Như vậy, mực nước sông Hồng tại Hà Nội có thể lên mức 14,3m (năm 1971) và cao hơn, chứ không chỉ dừng ở 11,5m - báo động cấp 3 như đợt lũ vừa rồi.

Hệ thống đê hạ lưu sông Hồng của các tỉnh đồng bằng Sông Hồng không thể trụ vững trước nguy cơ thiên tai lũ lụt đó. Do đó, nhà khoa học này cho rằng, sau đợt bão lũ vừa qua, Hà Nội cần xem xét và đánh giá lại quy hoạch phát triển thành phố ngoài đê sông Hồng về tính an toàn, ảnh hưởng để đảm bảo việc thoát lũ toàn bộ sông Hồng.

Ngoài ra, nhà khoa học cũng nêu đề xuất định hướng phát triển Hà Nội theo trục sông Đáy. Lý do bởi đây là con sông có khả năng thoát nước cho các huyện phía Tây Hà nội và phương án thoát lũ sông Hồng khi khi lũ lên cao. Những lý do nên điều chỉnh quy hoạch phát triển Hà Nội tương lai theo sông Đáy theo hướng từ đập Đáy tại Đan Phượng, Hà Nội đến Phủ Lý, Hà Nam, gồm: 1) Sông Đáy có vai trò thoát nước cho các sông nhỏ (sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ) nội thành Hà Nội và các huyện phía Tây Hà Nội (Thạch Thất, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Xuân Mai, v.v.) và một phần Hòa Bình; 2) Hai bờ sông Đáy có quỹ đất đai lớn, dân cư chưa đông; đồng thời gần như nằm giữa thành phố (chia thành phố thành 2 vùng Tây - Đông), sau khi cải tạo có thể trở thành một vùng đất đô thị xanh trung tâm rất tiềm năng cho sự phát triển thành phố Hà Nội tương lai; 3) Với tiết diện ngang lớn, dòng sông Đáy khi được nắn chỉnh, nạo vét và khơi thông có thể kết nối đường thủy với phần hạ lưu sông Đáy thuộc Hà Nam và Ninh Bình; tạo ra lợi ích lớn trong phát triển kinh tế xã hội, nhất là du lịch; 4) Vì đây là dòng sông cũ đã bị bồi lấp nên khi nạo vét có thể tạo ra một lượng vật liệu xây dựng (cát và đất) mà hiện nay rất khan hiếm tại Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Sông Hồng.

Chung quan điểm, trao đổi với Báo điện tử Dân Việt, PGS.TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam nêu ý kiến về việc phát triển đô thị dọc hai bên bờ sông Hồng của Hà Nội, theo ông: "Những năm vừa qua chúng ta chưa gặp trận bão lũ nào lớn như cơn bão số 3 vừa qua nên có phần chủ quan. Những tác động trong và sau bão đã khiến nhiều tỉnh, thành điêu đứng. Trong khi đó, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, lũ lụt ngày càng lớn thì nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng thì hậu quả còn trầm trọng hơn".

"Theo quan điểm của tôi việc xây dựng khu đô thị ngoài đê sông Hồng là không khả thi và sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Ví dụ cụ thể như cơn bão số 3 vừa qua, những khu vực ngoài đê đều ngập rất nặng, thiệt hại nhiều tài sản", ông Tứ chia sẻ thêm.

TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam tại Hội thảo khoa học “Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng Tầm nhìn và giải pháp” đã nêu thực thế bài toán ngập lụt, đối với các vùng đất bãi bồi, bãi giữa sông Hồng hiện vẫn đang bỏ ngỏ về mặt xác lập khoa học. Hiện nay, việc tính toán và công bố bài bản nội dung này cũng chưa được Bộ Nông nghiệp và Nông thôn thực hiện - Đây là những khó khăn rất lớn cho nền tảng thông tin cơ bản để nghiên cứu.

Ngoài vấn đề thoát lũ, đánh giá tác động của việc hiện thực hóa quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đến môi trường tự nhiên cũng được nhiều chuyên gia lưu tâm. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lượng, Đại học Xây dựng nêu quan điểm trên Báo Hà Nội Mới, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, nguồn cung cấp nước mặt là một trong những vùng bảo vệ nghiêm ngặt. Trong khi đó, sông Hồng là một trong những nguồn cung cấp nước mặt cho thành phố. “Theo dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, một số số liệu quan trắc chất lượng nước sông Hồng giai đoạn 2016-2020 có ghi nhận một số dấu hiệu ô nhiễm nhẹ về thành phần chất hữu cơ. Do đó, việc hiện thực hóa quy hoạch hai bên bờ sông Hồng và vùng bãi nổi, bãi giữa cần nhận diện đầu tiên về bảo vệ chất lượng nước mặt sông Hồng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lượng nhận định.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng chia đoạn sông chảy qua địa phận Hà Nội ra làm 3 phân khu chính. Theo đó, đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Thăng Long với định hướng phát triển không gian sinh thái, bảo tồn tự nhiên. Đoạn từ Thăng Long đến Thanh Trì sẽ phát triển trung tâm đa chức năng, công trình công cộng và phân khu cuối, từ cầu Thanh Trì - Mễ Sở, phát triển thành khu vực trồng rau màu, nuôi thủy sản. Như vậy, từng khu vực sẽ phát sinh yếu tố liên quan đến môi trường chung và riêng. Đối với phân đoạn trung tâm, xu hướng đô thị hóa, gia tăng dân số, quá trình phát triển kinh tế - xã hội sẽ dẫn đến gia tăng nước thải sinh hoạt. Khu vực phát triển nông nghiệp gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nước. Các giải pháp cần được lưu tâm để kiểm soát tốt nguồn thải, xây dựng hệ thống nước thải tập trung và quản lý chất thải rắn bền vững. 

Cơn bão số 3 vừa qua là minh chứng rõ ràng cho sự tàn phá khốc liệt đối với những khu vực ven đê ra sao, chưa kể biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc, phức tạp. Thoát lũ, an toàn đê điều, an ninh quốc phòng, dân cư, du lịch, môi trường và phát triển đô thị là một việc đòi hỏi phải có sự tính toán cẩn thận và khi phát sinh các vấn đề lớn cần được thẩm định, nghiên cứu cụ thể. Đây là một việc khó nhưng không phải là không thể. Tất cả các bải toán khó nếu được tập trung với tinh thần “Hà Nội cùng cả nước, cả nước vì Hà Nội” sẽ tháo gỡ, giải quyết được mọi nút thắt, đảm bảo việc quy hoạch đô thị thành công, hướng tới đô thị thông minh, phát triển bền vững, đồng thời tạo ra sức bật mới cho thành phố mà còn là ứng xử nhân văn đối với dòng sông Hồng.

Duy Khánh

Bạn đang đọc bài viết Góc nhìn Kinh tế Môi trường: Hậu cơn bão Yagi và vấn đề đặt ra với phát triển đô thị dọc sông Hồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Nhân lên tình người vượt mưa lũ
Cơn bão số 3 cùng hoàn lưu của nó đã, đang để lại những hậu quả vô cùng nặng nề đối với đời sống hàng nghìn người ở nhiều địa phương, vì thế, cần thêm nhiều hơn nữa những bàn tay ấm dang rộng ra với đồng bào.
"Hết mưa là nắng hửng lên thôi"
“Hết mưa là nắng hửng lên thôi!” - Dẫu còn khó khăn nhưng chúng ta sẽ vượt qua mạnh mẽ để phát triển bền vững. Là người Việt Nam, với lịch sử dân tộc hàng ngàn năm, chúng ta sẵn có niềm tin tự cường ấy!
Tình dân tộc - Nghĩa đồng bào
Bão Yagi đi qua, để lại những hậu quả tang thương ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhưng, ngay lúc khó khăn nhất, chúng ta thấy sáng lên tinh thần đoàn kết, sẻ chia, đó là tình dân tộc - nghĩa đồng bào.

Tin mới

Thiết tha, sâu lắng với thi phẩm "Hải Phòng miền cửa biển"
Không chỉ là lãnh đạo doanh nghiệp tâm huyết, yêu môi trường, mà TS Phạm Hồng Điệp còn dành cho nơi ông sinh ra những thi ca thiết tha trìu mến. Từ đó chính viên ngọc Hải Phòng được ông phác họa với bài thơ phổ nhạc mang tên: "Hải Phòng miền cửa biển".