Gỡ “nút thắt” Luật đất đai nhìn từ chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là một trong những vấn đề quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có đất bị thu hồi.
Tồn tại, bất cập trong chính sách bồi thường, tái định cư
Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được đưa ra trình Quốc hội khóa XV với 9 nội dung trọng tâm trong đó vấn đề về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là một trong những nội dung được nhân dân quan tâm nhất. Những bất cập, hạn chế trong chính sách bồi thường luôn là “điểm nóng” trong những buổi tọa đàm lấy ý kiến người dân.
Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội khóa XV đã nhận định “lợi ích của các bên liên quan trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất, cũng như đời sống, sinh kế của người có đất bị thu hồi được quan tâm và bảo đảm tốt hơn”.
Tuy nhiên, Nghị quyết cũng nêu hạn chế, tồn tại: “Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số địa phương thực hiện còn chậm, chưa đúng Nghị quyết và các quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi, gây thất thoát ngân sách nhà nước”.
Trên thực tế, công tác thu hồi đất và tái định cư trong thời gian qua còn có những bất cập, hạn chế. Tắc trách trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dẫn đến việc khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất xảy ra không phải là cá biệt. Báo cáo thường niên của Chính phủ về khiếu nại, tố cáo cho thấy, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, liên quan đến việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội chiếm gần 70% trong tổng số khiếu nại tố cáo.
Điều này cho thấy việc thực hiện chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi là chưa đầy đủ, thiếu khách quan.
Theo đó, Luật Đất đai năm 2013 xuất hiện những bất cập, không đảm bảo quyền lợi của các chủ thể có liên quan, chẳng hạn như giá đất làm căn cứ tính tiền bồi thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường, vấn đề tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất chưa được quan tâm đúng mức... Vì những hạn chế trên mà cần thiết phải xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, hướng đến việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có đất bị thu hồi.
Một số kiến nghị và giải pháp hoàn thiện
Trước những vấn đề được đặt ra, Dự thảo Luật đất đai cần làm rõ hơn các điều kiện, tiêu chí đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để tách biệt với các dự án phát triển kinh tế có lợi ích thuần túy của chủ đầu tư nhằm tránh sự áp đặt chủ quan, máy móc tràn lan khi nhà nước thu hồi đất dẫn đến sự không đồng thuận của người có đất bị thu hồi. Đồng thời, áp dụng cử chỉ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp.
Bên cạnh đó, cần có các quy định cụ thể, tiêu chí rõ ràng để phương án bồi thường thỏa đáng để không làm phát sinh khiếu kiện, ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự xã hội và quan trọng hơn là quyền lợi của người bị thu hồi đất được đảm bảo. Bởi trên thực tế cho thấy, thiệt hại mà người dân gánh chịu không chỉ bao hàm quyền sử dụng đất mà còn rất nhiều tài sản khác gắn liền hoặc thiệt hại liên quan đến sinh kế.
Đánh giá cao những sửa đổi, bổ sung về nội dung này tại Dự thảo Luật, tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần cụ thể hóa điều kiện, tiêu chí, nội hàm thu hồi đất nhằm đảm bảo tốt nhất lợi ích chính đáng của các bên liên quan.
Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, khi Nhà nước thu hồi đất là thu hồi quyền tài sản của người sử dụng, nên cần quan tâm hơn nữa quyền của người sử dụng đất như quyền được bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Do đó, trong quy trình thu hồi phải đưa nội dung là kiểm soát điều kiện của người dân tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ thì mới triển khai hoạt động thu hồi.
Hiện nay, khung giá đất của nhà nước chỉ bằng khoảng 20% khung giá đất thị trường, khung giá đất của cấp tỉnh cũng chỉ bằng từ 30 đến 60% giá thị trường. Như vậy, thu hồi đất cần làm rõ mục đích, điều kiện thu hồi đất và thẩm quyền thu hồi đất, vì hiện nay không ít trường hợp bị lạm dụng. Đồng thời, phải làm rõ phương pháp xác định giá đất khi thu hồi, đất gắn với mục đích sử dụng đất được cấp theo phương thức như hiện nay hay định giá theo giá trị của đất bất động sản hình thành tương lai khi đã có một số lượng lớn vốn được bỏ ra đầu tư.
Góp ý những vấn đề về chính sách bồi thường, tái định cư, ông Trần Nhật Minh – Phó Bí thư Chi bộ - Đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng cần phải làm rõ hơn các điều kiện, tiêu chí đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng để tách biệt với các dự án phát triển kinh tế có lợi ích thuần túy của chủ đầu tư, nhằm tránh sự áp đặt chủ quan, máy móc, tràn lan khi nhà nước thu hồi đất dẫn đến sự không đồng thuận của người có đất bị thu hồi, đồng thời để từ đó áp dụng cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp.
Gỡ “nút thắt” Luật đất đai
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tuy đã khắc phục được tồn tại của Luật Đất đai năm 2013, nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ định hướng của Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Các quy định tại Điều 86 của dự thảo Luật về phạm vi thu hồi đất được mở rộng hơn, song vẫn chưa rõ ràng, tách biệt vì mục đích khi Nhà nước thu hồi đất dễ bị áp dụng chủ quan, tùy nghi. Đặc biệt, dự thảo Luật chưa làm nổi bật được tiêu chí trường hợp thật cần thiết như Hiến pháp năm 2013 đã quy định. Đây chính là bất cập rất lớn, gây khó khăn, vướng mắc và hạn chế trong công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư trong thời gian vừa qua.
Do đó, cần tiếp tục tổ chức lấy ý kiến nhân dân nhằm mục đích phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng là cơ sở để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tăng cường tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.
Định hướng về việc bố trí tái định cư của Dự thảo Luật (sửa đổi) là một quan điểm tiến bộ, tích cực và phù hợp với nguyện vọng của đông đảo người dân. Gắn với những chủ trương khác, nhất là các vấn đề liên quan đến giá đất, quyền sử dụng đất…, vấn đề tái định cư đã thể hiện một định hướng rất nhân văn: “có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
Thanh Hằng