Thứ năm, 12/12/2024 13:20 (GMT+7)
Thứ năm, 12/12/2024 09:47 (GMT+7)

Giữ “lõi” văn hóa trong phát triển chợ truyền thống xanh, văn minh, hiện đại

Theo dõi KTMT trên

Các chuyên gia đều cho rằng phát triển chợ truyền thống cần phải giữ được yếu tố cốt lõi là văn hóa đặc trưng mà vẫn xanh, văn minh, hiện đại.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Kế hoạch số 355/KH-UBND ngày 5/12/2024 về việc phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố năm 2025.

Theo Kế hoạch, dự kiến, năm 2025, thành phố sẽ đầu tư xây chợ mới, xây dựng lại 34 chợ, trong đó xây mới, gồm: quận Bắc Từ Liêm 4 chợ; quận Hà Đông xây mới chợ La Cả; Quận Tây Hồ xây mới Chợ-Trung tâm thương mại Xuân La; huyện Thanh Trì 5 chợ; huyện Đan Phượng xây mới chợ Trung Châu; huyện Hoài Đức xây mới chợ dân sinh xã Minh Khai; huyện Phúc Thọ xây mới chợ Thanh Đa; huyện Phú Xuyên xây mới chợ Trung tâm xã…

Sự quan tâm của Thủ đô Hà Nội đến chợ truyền thống cho thấy, phương thức phân phối này sẽ vẫn rất quan trọng trong hệ thống thương mại nội địa nước ta. Theo số liệu của Bộ Công Thương đưa ra, chợ truyền thống vẫn chiếm 80% thị trường bán lẻ, với 8.500 chợ, trong khi siêu thị là 1.080 và 240 trung tâm thương mại.

Cần quy hoạch để nâng cao vai trò chợ truyền thống

Giữ “lõi” văn hóa trong phát triển chợ truyền thống xanh, văn minh, hiện đại - Ảnh 1
Bà con dân tộc Nùng bày bán rau cải tại Chợ Kì Lừa, thành phố Lạng Sơn. Ảnh: VGP/Thúy Hồng. 

Ông Đinh Dũng Sỹ - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết, chợ truyền thống có thể sẽ ngày càng thu hẹp theo mức độ phát triển của đô thị. Song ở Việt Nam, chợ truyền thống vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong thời gian tới, vì vậy phải quan tâm tới khía cạnh quản lý nhà nước và hỗ trợ của nhà nước về khu vực của các chợ truyền thống.

Tuy nhiên, cũng theo Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, “chợ truyền thống chưa được thành công, nếu chúng ta quy hoạch các chợ đầu mối, chợ truyền thống thì người tiêu dùng lại gần như không đến các chợ mới mà lại đến những chợ truyền thống cũ”.

Để có quy hoạch nâng cao vai trò của chợ truyền thống đối với người tiêu dùng Việt Nam, cần phải biết văn hóa chợ truyền thống. Văn hóa chợ truyền thống là sự nhanh chóng, thuận tiện, đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng, và hàng hóa chợ truyền thống tươi mới.

Ông Đinh Dũng Sỹ cũng đặt câu hỏi về chợ truyền thống đó là dù thuận tiện, hàng hóa tươi mới, giá cả rẻ hơn so với siêu thị nhưng quan trọng là có đảm bảo an toàn hay không?

Vì vậy, theo ông Đinh Dũng Sỹ, cần phải có cách nhìn khác về quy hoạch, xây dựng lại chợ truyền thống, trong đó tập trung vào các nền tảng, hạ tầng bán lẻ trong văn hóa tiêu dùng của Việt Nam cũng như cơ cấu dân số Việt Nam nhất là khu vực nông thôn.

“Nếu cơ cấu và tiêu chuẩn hóa được chợ truyền thống sẽ bảo vệ được quyền lợi, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng tốt hơn. Câu chuyện của chợ truyền thống, siêu thị và trung tâm thương mại cũng là câu chuyện cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ trong nước và nước ngoài”, ông Đinh Dũng Sỹ nêu ý kiến. 

Theo TS Võ Trí Thành - Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, chợ truyền thống là nơi tương tác giữa con người với con người, buôn có bạn bán có phường, điểm mạnh của chợ truyền thống Việt Nam chính là nét văn hoá đặc trưng.

Nếu có thể gắn chợ truyền thống với phát triển du lịch (nhất là với các chợ truyền thống ở vùng cao, vùng xa…), đó không chỉ là cách để bảo tồn mà còn gia tăng giá trị của chợ truyền thống, đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về văn hóa chợ để phát triển loại hình thương mại này.

Ví dụ, một mô hình chợ quê gắn với phát triển du lịch đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân và khách du lịch đó là Chợ quê Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. 

Chợ quê Tân Thuận Đông qua gần 2 năm hoạt động, từ 24 hộ dân tham gia kinh doanh ban đầu, hiện nay Chợ quê Tân Thuận Đông đã có gần 70 hộ dân tham gia bán hàng. 

Hầu hết tiểu thương mua bán tại đây là người dân địa phương, hàng quán là những căn chòi nhỏ, đơn sơ với mái lá, vách tre... Đa số những món hàng được bày bán đều do người dân tự tay làm ra.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Đông, mô hình chợ quê hoạt động từ tháng 3/2022 đến nay đã tổ chức được 58 buổi họp chợ, thu hút trên 130.000 lượt khách tham quan, doanh thu trên 9 tỷ đồng. Hiện mỗi tuần, Chợ quê Tân Thuận Đông thu hút khoảng 1.500 - 2.000 lượt khách, riêng dịp lễ và Tết Dương lịch chợ đón hơn 4.000 khách…

Như vậy có thể thấy, chợ quê thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, góp phần giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập, đồng thời có thêm một kênh mới để quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp của địa phương đến với du khách gần xa.

Xanh hóa chợ truyền thống cần phải giữ “cái lõi” văn hóa

Giữ “lõi” văn hóa trong phát triển chợ truyền thống xanh, văn minh, hiện đại - Ảnh 2
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ về xu hướng xanh hóa đối với chợ truyền thống. 

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng cùng góc nhìn về khía cạnh văn hóa chợ truyền thống với ý kiến của các chuyên gia trên. 

Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, những mô hình chợ truyền thống như chợ cóc, chợ nông thôn, chợ sáng, chợ theo phiên, theo mùa…mang đậm phong tục tập quán, phong cách địa phương và đặc biệt gắn với văn hóa bản địa.

Về những yếu tố như chuyển đổi xanh, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng nên diễn đạt khái niệm này dưới góc độ bình dân, và cần phải có những mô hình làm việc dễ tiếp cận, phải thay đổi nhưng sự thay đổi đó phải phù hợp với phong tục tập quán thì bà con mới tiếp cận dễ dàng.

“Xu hướng xanh hóa là tốt, nhưng “cái lõi” là chúng ta phải giữ được nét văn hóa của chợ truyền thống. Ví dụ chúng ta có thể xây lại chợ cho đẹp hơn bằng cách trồng cây xanh cho cảnh quan, xây thêm nhà vệ sinh sạch sẽ. Điều này không cần phải xây nó như siêu thị, mà ở một số vùng hoàn toàn có thể thực hiện được, từng bước tiến lên. Một mô hình chợ nông thôn vẫn giữ được nét truyền thống mà vẫn xanh, sạch, đẹp, gọn gàng… không đòi hỏi đầu tư quá lớn," PGS.TS Nguyễn Thường Lạng chia sẻ. 

Bên cạnh xanh hóa mô hình chợ truyền thống, nói về việc sử dụng bao bì cho sản phẩm của chợ truyền thống PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho biết cần phải chấp nhận một thời gian đối với việc sử dụng bao bì ni lông, bên cạnh đó, cũng cần phải nghiên cứu sản xuất bao bì thân thiện với môi trường như bằng cỏ, cây…Vì vậy, có thể khuyến khích các mô hình đổi mới sáng tạo start-up để thực hiện.

“Tất cả những điều đó nếu chúng ta vào cuộc triển khai thì có thể thay thế dần dần từ bao bì ni lông sang bao bì thân thiện với môi trường, chứ không thể yêu cầu ngay và luôn, vì cần phải có mặt hàng thay thế thuận tiện hơn, bền vững hơn, xanh hơn", PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh. 

Thuỳ Dương

Bạn đang đọc bài viết Giữ “lõi” văn hóa trong phát triển chợ truyền thống xanh, văn minh, hiện đại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sum vầy cùng Mondelez Kinh Đô - Tết thêm ý nghĩa
Là thương hiệu gắn liền với Tết trong lòng người tiêu dùng với thông điệp quen thuộc “Cùng Kinh Đô, Tết vui chuyện sum vầy”, năm nay, Kinh Đô gửi trao lời cảm ơn chân thành và tiếp tục cùng người tiêu dùng tôn vinh giá trị của những món quà Tết,....

Tin mới