Chủ nhật, 24/11/2024 17:30 (GMT+7)
Thứ bảy, 22/08/2020 07:50 (GMT+7)

Giữ 'hồn' nghề đan đát

Theo dõi KTMT trên

Kiên Giang ai vẽ thành tranh núi rừng xanh, nhìn nước biển xanh... câu hát trong ca khúc “Đất biển Kiên Giang” của nhạc sĩ Lý Dũng Liêm gợi lên vẻ đẹp non nước hữu tình của mảnh đất cuối trời Tây Nam. Nét đẹp của Kiên Giang không chỉ về cảnh vật, tài nguyên mà còn có những làng nghề và nghề truyền thống mang đậm hơi thở hồn quê của vùng đất Nam Bộ.

Một lần ghé thăm xã Minh Hòa, huyện Châu Thành (Kiên Giang), chúng tôi luyến lưu mãi vì vẻ đẹp của những con người lao động, những sản phẩm đan đát bằng tre và cái tình của một làng nghề được công nhận là nghề truyền thống đã tồn tại hơn trăm năm qua.

Giữ 'hồn' nghề đan đát - Ảnh 1
Cụ bà Đỗ Thị Quảng (trái), năm nay đã ngoài 80 tuổi đã có gần 60 năm làm nghề đan đát còn cụ bà Phạm Thị Diễm Lệ, năm nay 72 tuổi, có hơn 50 năm trong nghề.

Nhắc đến những làng nghề, nghề truyền thống hay những nét văn hóa đặc sắc thì không thể không nhắc đến Kiên Giang, tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc. Nơi đây có nhiều điều thú vị cho mọi người tìm hiểu, điển hình như nghề đan đát tại xã Minh Hòa mà chúng tôi ghé thăm. Người dân nơi đây rất đỗi tự hào với nghề truyền thống của ông cha truyền lại, vì nghề không chỉ mang lại nguồn thu nhập giúp cho những người dân quê thoát nghèo mà còn là nghề “cha truyền con nối” qua bao thế hệ.

Chúng ta ai cũng biết, mảnh đất đồng bằng sông Cửu Long vốn là vựa lúa lớn nhất cả nước. Vì thế, nhu cầu về đồ đan phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của bà con rất lớn. Không chỉ vậy, các dụng cụ bằng tre, trúc cũng được người dân miền biển sử dụng khá nhiều để đựng và chế biến các loại thủy hải sản. Những khi nông nhàn, người dân sử dụng nguyên liệu tre trúc vốn có sẵn trong xóm, làng, đan thành những vật đựng hay nông cụ để bán hoặc đổi lúa cho bà con quanh vùng. Sau này việc mua bán trao đổi được tiến hành ở diện rộng hơn, ra cả khu vực.

Năm 2018, cùng với những nghề truyền thống khác ở các địa phương trong tỉnh Kiên Giang, nghề đan đát ở xã Minh Hòa được công nhận là nghề truyền thống. Không ai nhớ rõ nghề này có từ khi nào, chỉ biết rằng những cụ lớn tuổi nơi đây được truyền từ ông bà, cha mẹ rồi đến thế hệ các cụ lại tiếp tục truyền cho con cháu hôm nay.

Giữ 'hồn' nghề đan đát - Ảnh 2
Sề, mặt hàng đang được HTX sản xuất bán cho những làng nghề miền biển.

Chúng tôi đến thăm hợp tác xã (HTX) đan đát Hòa Tân, may mắn khi gặp được hai cụ bà lão luyện trong nghề. Ngồi quây quần trò chuyện và nghe hai cụ kể về thời con gái, về câu chuyện làm nghề đan đát và những thăng trầm trong nghề mới thất hết niềm tin yêu của các cụ với nghề.

Cụ bà Đỗ Thị Quảng, năm nay đã ngoài 80 tuổi, có gần 60 năm làm nghề đan đát. Nhìn đôi bàn tay gầy gò, đã nhăn nheo vì tuổi tác nhưng từng sợi nan đan móc vào nhau vẫn nhanh nhẹn và chính xác. Cụ bà Quảng kể rằng, nghề này truyền từ ông bà của cụ đến nay tất cả con cháu trong nhà đều biết đan và xem đó là một nghề chính để kiếm sống.

Thời còn trẻ, xóm của cụ Quảng đông vui rộn ràng vì ai ai cũng học đan. Những đống nan tre chẻ nhỏ chất đầy trước mỗi hiên nhà để chờ tay người thợ. Người già lấy đan đát để chuyện trò thăm hỏi, người trẻ thì vừa làm vừa vui đùa tán chuyện. Ngày đó các cụ chưa biết HTX là gì mà nó đơn thuần chỉ là một nghề dân dã giúp bà con có thu nhập. Các sản phẩm làm xong được các bà, các mẹ mang ra chợ bán chứ không có người đến tận nơi thu mua như bây giờ.

Giữ 'hồn' nghề đan đát - Ảnh 3
Cụ bà Phạm Thị Diễm Lệ đang làm nghề.

Ngồi cạnh bên đang vót những nan tre nhanh thoăn thoắt, cụ bà Phạm Thị Diễm Lệ, năm nay 72 tuổi cũng đã miệt mài với nghề này hơn 50 năm qua. Cụ Lệ bảo rằng, những kỷ niệm vui buồn ngày nào cụ vẫn nhớ như in. Cụ Lệ kể, thời con gái chừng mười mấy tuổi, cụ đã được mẹ dạy cho đan, cho đát, cứ thấy ai làm thì mình dòm theo rồi tập từ từ theo mẹ chỉ. Thấy thích thì học nhanh biết, rồi cứ thế cụ Lệ làm nghề cho đến tận bây giờ.

Chia sẻ về kinh nghiệm làm nghề cụ Lệ nói: “Từ khâu chọn nguyên liệu thôi đã phải kỹ lưỡng bởi sản phẩm muốn bền, đẹp phải chọn tre, trúc sao cho bóng đẹp, cây già chắc. Từ việc chẻ nan, vót nan mỗi khâu đều có cái khó riêng...”.

Để có thành phẩm đẹp, bền, người thợ phải thật khéo tay, tỉ mỉ trong từng khâu. Khâu khó nhất là vót vành, kế đến là lận vì nếu làm không đều tay không khéo sẽ tạo ra sản phẩm méo mó, không đẹp. Đặc biệt, lận là một công đoạn cần kết hợp cả sự khéo léo và sức mạnh. Lận vào trong vừa khớp tầm của vành nên khá ít người làm được.

Giữ 'hồn' nghề đan đát - Ảnh 4
Chị Lê Thị Hồng, một thành viên của HTX.

Nguyên liệu đơn giản, còn dụng cụ cũng chỉ là đồ dùng thông thường như dao chặt, chấn vành, dao chẻ, dao vót nan nhưng để làm ra sản phẩm thì lại không hề đơn giản. Tre, trúc được cưa thành đoạn theo mục đích sử dụng như đan sàng, giỏ, rổ, rá, sề, cần xé... tùy theo độ lớn nhỏ khách yêu cầu.

Tre, trúc phải cạo sơ lớp vỏ bên ngoài và chẻ nhỏ, sau đó cạo bỏ lớp ruột mỏng bám trên bề mặt phía trong, vứt bỏ ruột lấy lớp da cứng phía ngoài nếu làm nan đan. Còn làm nan đát thì vót cạnh lấy một phần da, một phần ruột. Phải vót thật khéo và cẩn thận nếu không sẽ cắt vào tay người làm vì dao rất bén. Ấy vậy mà những bàn tay cứ nhanh thoăn thoắt, những sợi nan thành phẩm cứ liên tiếp thành hình.

Cho đến nay nhiều người vẫn nghĩ “đan đát” là cách gọi lái đi của từ “đan lát”, gọi chung cho nghề mây tre đan, nhưng không phải vậy. Theo các cụ, đan đát là một kiểu đan được sử dụng nhiều nhất khi đan các loại đồ đựng ở đồng bằng sông Cửu Long. So với các cách đan khác thì đan đát lâu hơn nhưng sản phẩm làm ra rất chặt và bền.

Cụ bà Đỗ Thị Quảng chia sẻ: “Thật may mắn cho bà con nơi đây vì ông bà xưa đã tạo lập nghề đan đát và truyền lại cho con cháu. Những lúc khó khăn, nghề này chính là kế sinh nhai cho người dân, vậy là mọi người cứ thế học đan”. Những mặt hàng như rổ, rá, sàng, sề, cần xé, nia, thúng... được đưa đi tiêu thụ khắp vùng, được thị trường ưa chuộng, đón nhận. Những thời điểm hàng hút, làng nghề phải sáng đèn vào ban đêm.

Theo thống kê, ấp Minh Tân có diện tích tự nhiên 526 ha, trong đó sản xuất nông nghiệp là 501 ha, còn lại là đất vườn rẫy. Dân số có khoảng 500 hộ với hơn 2.200 khẩu, phần lớn bà con sống dựa vào nông nghiệp là chính và nghề truyền thống đan đát từ tre, trúc.

Cai nghề không phụ cái tấm long của con người yêu mến và giữ gìn nó, nên giúp người dân nơi đây ăn nên làm ra nhờ vào những mặt hàng từ tre, trúc. Năm 2018, không tính những đơn hàng lẻ thì 11 thành viên của HTX đan đát sản xuất và tiêu thụ khoảng tám nghìn sản phẩm, thu về gần 250 triệu đồng. Bà con xã viên phấn khởi, vui mừng vì sản phẩm có đầu ra và cái nghề vẫn được tiếp tục phát huy. Năm 2019, HTX tiếp tục sản xuất khoảng tám nghìn sề cá cơm cung cấp cho các vùng quê biển chuyên nghề sản xuất khô cá cơm trong tỉnh.

Theo chị Phạm Thị Diễm Trang, Giám đốc HTX đan đát Hòa Tân, năm 2010, HTX đan đát Hòa Tân thành lập. Những ngày thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tìm đơn hàng Nhưng rồi thời điểm đó cũng qua nhanh, khi HTX tìm được những đơn hàng đầu tiên từ các hộ làm nghề biển ở Hà Tiên, mang đến lợi nhuận chia đều cho bà con.

Giữ 'hồn' nghề đan đát - Ảnh 5
Những đôi tay nhăn nheo vì tuổi vẫn bám với nghề.

Chị Phạm Thị Diễm Trang cho biết: “Lúc đầu vận động bà con tham gia HTX rất khó, do bà con chưa có lòng tin. Đến khi chúng tôi tìm đầu ra ổn định, hàng xuất đi nhiều thì bà con đã yên tâm sản xuất và ủng hộ HTX”. Các thành viên cũng thống nhất là tự mua nguyên liệu rồi làm, HTX làm đầu mối thu mua mang đi bán.

Từ buôn bán nhỏ lẻ, tự sản xuất tự mang ra chợ bán, nay mặt hàng đan đát của HTX đã có nguồn đầu ra ổn định, hàng đặt làm không kịp tay. Chị Lê Thị Hồng, thành viên HTX nói: “Giờ khỏe lắm, HTX vào tận nhà thu mua sản phẩm chứ không đi bán lẻ ở chợ như trước. Có đơn hàng nhiều thì rảnh giờ nào làm giờ đó, ít đơn hàng thì làm bán lẻ. Thu nhập cũng khá ổn định nhưng nhiều khi nguyên liệu lên giá thì lời ít lại”.

Tuy nhiên, khi kinh tế phát triển khá nhiều hộ dân cũng thay đổi nghề và có những lựa chọn cho riêng mình. Còn lại một số hộ vẫn giữ nghề, bám nghề dù đôi khi bị ảnh hưởng nhiều nguyên nhân khách quan nên hàng cũng có phần bán chậm lại. Nguồn nguyên liệu cũng trở thành một nỗi lo vì càng ngày càng ít mà giá tre, trúc lại tăng khá cao.

Hiện nay, thêm một khó khăn nữa cho nghề đan đát khi sự lấn át của đồ nhựa, đồ inox, đồ nhôm... có phần chiếm ưu thế bởi kiểu dáng, màu sắc đa dạng, giá thành lại rẻ. Tuy nhiên, không vì vậy mà các đồ dùng bằng tre, trúc mất đi vị trí của mình. Hiện nay nhiều nhà hàng, quán ăn sử dụng các vật dụng này để đựng thức ăn nên hàng sản xuất ra vẫn tiêu thụ khá tốt.

Mặt hàng này là sản phẩm tự nhiên nên không gây hại gì cho môi trường như các loại vật dụng khác. Chị Phạm Thị Diễm Trang, tâm sự: “Trước kia mình làm chỉ nghĩ đơn giản là làm chứ chưa hiểu sâu sắc ý nghĩa của nghề như bây giờ. Khi biết được nghề đan đát của địa phương được công nhận nghề truyền thống ai nấy đều phấn khởi, tự hào và càng trân quý nghề hơn”.

Nghề đan đát truyền thống đã rộn ràng xuyên suốt hơn trăm năm qua. Bà con vẫn theo nghề, bám nghề dù trải qua bao thăng trầm, biến cố. Có những khi nghề này mai một, tưởng chừng mất đi vì nhiều nguyên nhân. Nhưng rồi tất cả khó khăn đều qua đi, nghề đan đát vẫn âm thầm tồn tại và phát triển lên, còn đánh trúng nhu cầu tiêu thụ và thị hiếu của người tiêu dùng bởi tính năng thân thiện môi trường.

Nghề đan đát ở mỗi nơi mỗi khác nhau, bởi dù chỉ là vật vật bằng tre trúc đan, bệnh lại thành hình thù nhưng trong đó chở được nét đặc thù của từng vùng quê, phù hợp đời sống, sinh hoạt thực tế của người dân. Trong từng sản phẩm còn chứa đựng công sức, tâm huyết của những người thợ luôn muốn tạo ra những sản phẩm đẹp và bền và hữu dụng.

Xã hội phát triển, công nghệ hiện đại, máy móc cùng lúc có thể sản xuất ra hàng loạt sản phẩm, đa dạng về mẫu mã, loại hình, nhưng xét ở một khía cạnh khác nó không thể so sánh bằng những mặt hàng thủ công, mộc mạc, bởi cái cốt, cái hồn của những vùng quê luôn tồn tại trong từng sản phẩm đó.

Thy Trang - Việt Tiến

Bạn đang đọc bài viết Giữ 'hồn' nghề đan đát. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới