Giới trẻ sáng tạo Rap kêu gọi giảm rác thải nhựa
Thông qua hoạt động sáng tạo ca dao tục ngữ, ca khúc Rap mang nội dung bảo vệ môi trường, dự án 'Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam' đang nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn trẻ trên mạng xã hội.
Thông điệp bảo vệ môi trường được triển khai theo phong cách của giới trẻ
Dự án do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) triển khai. Trong chiến dịch này, các thông điệp được triển khai theo nhiều cách thức mới mẻ, độc đáo, gần gũi với giới trẻ.
Với hoạt động sáng tạo ca dao tục ngữ vui nhộn, hàng nghìn bạn trẻ đã tham gia và chia sẻ các câu ca dao quen mà lạ, được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội trong thời gian vừa qua.
Đơn cử như những câu: "Cá không ăn câu, chê rằng cá dại/Cá mắc mồi rồi, bảo tại tham ăn/Cá mắc túi nhựa trăm năm/Biển đau lòng biển, người ăn năn buồn", "Nhà sạch thì mát/Ra đường chớ vứt rác lung tung" hay "Dẫu cho đá nát vàng phai/Trăm năm rác nhựa vẫn hoài không tan"...
Đặc biệt, nhiều nhân vật có ảnh hưởng như nhà báo Ngô Bá Lục, Á hậu Hoàng My, Hotboy Ba Duy (Chuyện nhà Đậu)… cũng trổ tài chế ca dao tục ngữ, đi kèm những chia sẻ cá nhân về các cách thức giảm thiểu rác thải nhựa trong tiêu dùng.
Mỗi bài đăng này nhận được hàng nghìn lượt tương tác và bình luận hưởng ứng. Đồng thời, các hot fanpage như "Amazing Things in Vietnam" cũng chia sẻ các thông tin thú vị về chiến dịch.
Tiếp tục khai thác chất liệu dân gian quen thuộc, kênh Youtube WWF-Việt Nam cũng giới thiệu bài chòi "Vì một cuộc sống xanh", bài lý "Xin hãy lắng nghe" (dựa trên điệu Lý cây bông) với nội dung giảm thiểu rác thải nhựa.
Đặc biệt, không chỉ làm mới làn điệu dân ca truyền thống, dự án cũng sản xuất riêng ca khúc nhạc Rap mang tên "Giảm nhựa ngay thôi" đầy màu sắc hiện đại, tươi trẻ, thu hút lượt nghe lớn.
Ước tính, các bài đăng trên fanpage chính của dự án mang tên "Giảm rác nhựa ra đại dương" đã nhận được hơn 33 nghìn lượt tương tác, trong đó các bài chòi, bài lý, ca khúc Rap thu hút hơn 160 nghìn lượt xem. Trên nền tảng Youtube, 3 ca khúc này cũng có hơn 450 nghìn lượt xem.
Trong phần bình luận dưới các nội dung này, nhiều bạn trẻ bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường, chia sẻ thói quen sinh hoạt giảm thiểu rác thải nhựa, gợi ý những điểm thu gom và phân loại rác thải trong cộng đồng.
Thuỳ Linh, sinh viên năm 2 trường Đại học Văn Lang, TP.HCM cho biết: "Những câu ca dao, tục ngữ, bài lý, bài chòi hay ca khúc Rap với nội dung giảm rác thải nhựa được chia sẻ trên Facebook mang đến cách thức truyền tải mới mẻ, thú vị, đồng thời rất dễ hiểu và gần gũi.
Qua đó, người trẻ được nâng cao nhận thức về vấn nạn rác thải nhựa đại dương, cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân về việc thay đổi những thói quen tiêu dùng để giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường".
Được biết, chưa thể quay lại trường học do dịch bệnh, hiện Thùy Linh đang ở cùng gia đình tại vùng quê ven biển Vịnh Quy Nhơn (Bình Định). Không chỉ hưởng ứng phong trào sáng tạo ca dao tục ngữ bảo vệ môi trường, nữ sinh cũng tích cực tham gia vào các hoạt động vệ sinh môi trường biển, thu gom rác thải nhựa của địa phương.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên & Môi trường) Nguyễn Quế Lâm, các nghiên cứu quốc tế chỉ ra, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều trên thế giới với khoảng 0,3-0,8 triệu tấn/năm.
Trong đó, chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa được thu gom, phân loại, chủ yếu bởi những người nhặt rác và được tái chế bởi những doanh nghiệp nhỏ. Số rác nhựa còn lại đổ vào các sông, hồ nội địa và đi ra biển dọc theo gần 3.300 km bờ biển của đất nước, qua địa bàn 28 tỉnh, thành phố. Ước tính mỗi năm có khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn rác nhựa thải ra biển.
Hiện nay, ô nhiễm rác thải nhựa đang đã trở thành một cuộc khủng hoảng môi trường trên toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái và môi trường trên đất liền, khu vực ven biển cũng như đại dương. Rác thải nhựa làm tăng phát thải khí nhà kính, thúc đẩy biến đổi khí hậu, đe dọa sự tồn tại của các sinh vật biển, tăng tốc độ suy thoái của các quần thể san hô và ảnh hưởng đến hệ thống vi sinh vật đại dương.
Đặc biệt, hạt vi nhựa phân rã ra tự nhiên có mặt trong nước, hải sản, không khí và có thể hấp thụ vào cơ thể con người qua đường ăn uống, hô hấp, để lại những tác hại tiềm ẩn khó lường đối với sức khỏe.
Theo một nghiên cứu được thực hiện gần đây trong khuôn khổ dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam", mặc dù mức độ nhận thức của người dân về tác hại của rác nhựa đã được nâng cao trong thời gian qua, nhưng thói quen sử dụng nhựa dùng 1 lần khi mua sắm cá nhân vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm rõ ràng.
Nâng cao trách nhiệm cá nhân, chung tay giảm rác thải nhựa
Theo Ngân hàng Thế giới, ước tính chỉ trong năm 2018, Việt Nam đã thải ra gần 5 triệu tấn rác thải nhựa. Chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa được thu gom chủ yếu bởi những người nhặt rác và tái chế bởi các doanh nghiệp nhỏ.
Rác thải nhựa làm tăng phát thải khí nhà kính, thúc đẩy gia tăng tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, đe dọa sự tồn tại của các sinh vật biển, tăng tốc độ suy thoái của quần thể san hô và ảnh hưởng đến hệ thống vi sinh vật đại dương.
Đặc biệt, hạt vi nhựa phân rã ra tự nhiên có trong nước, hải sản, không khí và có thể hấp thụ vào cơ thể con người qua đường ăn uống, hô hấp, để lại những tác hại tiềm ẩn khó lường đối với sức khỏe.
Đáng chú ý, dù mức độ nhận thức của người Việt về rác thải nhựa đã nâng cao hơn, nhưng thói quen sử dụng nhựa một lần vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.
Thông qua hoạt động “tái chế” ca dao tục ngữ, chiến dịch hướng đến mục tiêu nâng cao ý thức, ứng xử của thế hệ trẻ và các thế hệ tương lai trong việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường, thúc đẩy các thói quen tiêu dùng bền vững đối với sản phẩm nhựa. Đây không chỉ là câu chuyện của các cơ quan, tổ chức hay cộng đồng nói chung, mà là việc của mỗi người vì sức khỏe của bản thân, gia đình cũng như thiên nhiên trong sạch.
Mỗi cá nhân có thể chủ động giảm rác thải và phòng chống ô nhiễm nhựa theo nguyên tắc 4T: Từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần khi có thể; Tiết giảm nhu cầu tiêu dùng bao bì nhựa không cần thiết, ưu tiên chọn mặt hàng có bao bì thân thiện môi trường; Tái sử dụng đồ nhựa còn có thể dùng được; Tái chế và trao cho đồ vật đã qua sử dụng một công năng mới để giảm lượng rác thải.
Thông qua chiến dịch "tái chế" ca dao tục ngữ, dự án muốn truyền tải thông điệp: "Giảm rác thải nhựa là việc cần làm ngay của chính mỗi người, vì sức khỏe của bản thân, của những người thân yêu và vì thiên nhiên trong sạch. Bạn có thể quyết định việc đó!".
Nguyễn Linh (T/h)