Giáo sư trẻ người Việt nhận giải thưởng Sloan Research Fellowships 2020
Giáo sư Vũ Ngọc Tâm, một giáo sư trẻ người Việt Nam, hiện đang làm việc tại Khoa Khoa học Máy tính, trường Đại học Colorado Boulder, Mỹ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Công ty Earable, đã vinh dự được nhận giải thưởng Sloan Research Fellowships 2020 dành cho các nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc năm nay.
Giáo sư Vũ Ngọc Tâm. |
Mới đây, Quỹ Alfred P. Sloan đã công bố danh sách 126 nhà nghiên cứu có những thành công vượt trội trong giai đoạn mở đầu của sự nghiệp nghiên cứu khoa học đạt giải thưởng Sloan Research Fellowships năm 2020.
Được trao tặng hàng năm kể từ năm 1955, giải thưởng Sloan Research Fellowships vinh danh các học giả tại Mỹ và Canada sở hữu tính sáng tạo, khả năng lãnh đạo và các thành tựu nghiên cứu độc lập nổi bật, khiến họ trở thành một trong những nhà nghiên cứu triển vọng nhất đang cống hiến hiện nay.
Ông Adam F. Falk, Chủ tịch Quỹ Alfred P. Sloan nhận định rằng: “Một nhà nghiên cứu được nhận giải thưởng Sloan là một cá nhân sở hữu động lực nghiên cứu mạnh mẽ, tính sáng tạo tuyệt vời và khả năng hiểu biết sâu rộng khiến họ trở thành một nhà nghiên cứu đáng được ghi nhận và chú ý”.
Một điểm nổi bật, rất nhiều tên tuổi lẫy lừng trong lịch sử nghiên cứu khoa học của nhân loại đều đã từng nhận giải thưởng Sloan, có thể kể đến hai nhà vật lý học Richard Feynman và Murray Gell-Mann, nhà nghiên cứu lý thuyết trò chơi (một nhánh của toán học ứng dụng), John Nash.
50 nhà nghiên cứu đã được trao tặng giải thưởng Nobel trong lĩnh vực tương ứng của họ, 17 người đã giành giải thưởng Fields (được xem là giải thưởng Nobel trong toán học), 69 người đã nhận được Huy chương Khoa học quốc gia, và 19 người đã đạt Huy chương John Bates Clark trong lĩnh vực kinh tế cũng đều là những người từng đạt giải Sloan Research Fellowships kể từ năm 2007.
Giải thưởng Sloan Research Fellowships năm nay được trao tặng cho Giáo sư Vũ Ngọc Tâm là một sự ghi nhận cho các nghiên cứu khoa học của ông trong lĩnh vực công nghệ không dây và đeo được, tập trung vào việc phát minh ra các thiết bị mới giúp chăm sóc và nâng cao chất lượng sức khỏe và cuộc sống của con người. Giáo sư Tâm đã phát minh và đang phát triển một loại thiết bị đeo tai không dây sử dụng công nghệ Earable, có chức năng thu thập, theo dõi và phân tích các tín hiệu sóng não, chuyển động của mắt, cơ mặt và một loạt các tín hiệu sinh học khác.
Trong tương lai rất gần, thiết bị này có thể giúp các bác sĩ theo dõi và phân tích chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân, qua đó đưa ra các phác đồ điều trị cần thiết cho một số bệnh về rối loạn giấc ngủ, tăng động giảm tập trung. Earable cũng được kỳ vọng sẽ tiếp cận đến đối tượng khách hàng cá nhân mắc các vấn đề về giấc ngủ (ước tính có 26 triệu người tính riêng tại Mỹ và 2.1 tỉ người trên toàn thế giới).
Tai nghe Earable của Giáo sư Vũ Ngọc Tâm. |
Ngoài ra, tai nghe Earable còn có thể phát hiện cơn buồn ngủ của tài xế khi đang lái xe, qua đó làm giảm và ngăn ngừa tai nạn giao thông; phát hiện sớm các cơn động kinh, cảnh báo khả năng mất tập trung của nhân viên đang làm việc trong công sở hoặc dây chuyền sản xuất, hỗ trợ giảm căng thẳng, thiền tập, giảm đau và rất nhiều tác dụng hữu ích khác nữa.
Với mong mỏi thương mại hóa công nghệ Earable một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất, Giáo sư Tâm đã thành lập Công ty Earable tại cả Mỹ và Việt Nam để hiện thực hóa tham vọng này. Công ty hiện đã có hơn 15 nhân viên và đang gấp rút trong các công đoạn cần thiết để tiến hành ra mắt sản phẩm tai nghe thông minh Earable vào cuối năm nay.
Công ty do Giáo sư Tâm trực tiếp điều hành đã thu hút được khoản đầu tư gần 4 triệu USD từ các Quỹ đầu tư lớn từ Silicon Valley, Hàn Quốc, và đặc biệt là từ Vintech City, công ty thành viên của Vingroup.
Giáo sư Tâm cho biết: “Giải thưởng Sloan Research Fellowships là một sự ghi nhận quý báu từ cộng đồng khoa học uy tín, tạo cho tôi một động lực lớn để tiếp tục trên con đường nghiên cứu khoa học, đồng thời nỗ lực phát triển Earable với mong muốn cải thiện khả năng trí lực và sức khỏe của mọi người”.
Trước giải thưởng danh giá này, Giáo sư Vũ Ngọc Tâm cũng đã nhận được hai giải thưởng Google Faculty Research Awards năm 2014 và 2018, một giải thưởng NSF Career năm 2019 cùng hàng loạt giải thưởng và đề cử bài báo khoa học xuất sắc nhất - “Best Paper” trong các hội thảo về khoa học công nghệ hàng đầu thế giới như ACM Mobicom, ACM Sigmobile, ACM Research Highlight, Sensys…
Thêm vào đó, không thể không nhắc đến “kho” bằng sáng chế gồm 25 bằng mà anh đã sở hữu và đang tiếp tục đăng ký.
Thảo Lê