Thứ sáu, 03/05/2024 05:55 (GMT+7)
Thứ năm, 31/08/2023 06:55 (GMT+7)

Giáo dục tiết kiệm năng lượng - Sự đầu tư lâu dài, bền vững (Bài 1)

Theo dõi KTMT trên

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là yếu tố góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho tương lai, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức tiết kiệm điện cho trẻ em là điều rất quan trọng.

Giáo dục tiết kiệm năng lượng - Sự đầu tư lâu dài, bền vững (Bài 1) - Ảnh 1

LỜI TÒA SOẠN

Trong nhiều năm qua, việc cung ứng điện cho nền kinh tế luôn được đảm bảo, làm nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định xã hội. Tuy nhiên, diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp; sự phụ thuộc ngày càng sâu rộng vào năng lượng sơ cấp nhập khẩu; nguồn điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác vẫn còn hạn chế; nhiệt điện gặp nhiều khó khăn trong mở rộng đầu tư đang khiến cho ngành năng lượng gặp khó.

Bên cạnh đó, nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng ở mức cao, bình quân khoảng 8,5%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Vì thế, việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả phải được xem là giải pháp quan trọng, cấp bách nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng, phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đất nước trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, Bộ Công thương, EVN và nhiều cơ quan hữu quan đã có các biện pháp quyết liệt, thiết thực kêu gọi các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, người dân tiết kiệm năng lượng và đã có những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nỗi lo thiếu điện vào mùa cao điểm vẫn là bài toán khó đối với các cơ quan chức năng. Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc tuyên truyền để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiết kiệm điện thì công tác giáo dục tiết kiệm năng lượng cần được đẩy mạnh. Bởi đây là “nền móng” cho sự ra đời của “một thế hệ” sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả. Và đây cũng chính là nội dung trong tuyến bài viết của Tạp chí Kinh tế Môi trường.

Giáo dục tiết kiệm năng lượng - Sự đầu tư lâu dài, bền vững (Bài 1) - Ảnh 2

Thực tế cho thấy, ở nhiều quốc gia trên thế giới, tiết kiệm điện được coi là “nguồn năng lượng đầu tiên”. Tại Việt Nam, tiết kiệm điện nói riêng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung đã được luật hoá và có hiệu lực thi hành từ năm 2011.

Trước những biến động khó lường của nguồn cung về điện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025; giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500MW vào năm 2025.

Theo đánh giá của các chuyên gia lĩnh vực năng lượng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của nước ta còn rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp (lĩnh vực có tỉ lệ sử dụng năng lượng chiếm trên 50% tổng nhu cầu năng lượng), tiềm năng tiết kiệm có thể đạt từ 20% đến 35%. Ngoài ra, các lĩnh vực dân dụng, giao thông vận tải, lĩnh vực xây dựng có thể đạt trên 30%.

Giáo dục tiết kiệm năng lượng - Sự đầu tư lâu dài, bền vững (Bài 1) - Ảnh 3
Tiết kiệm điện đồng nghĩa với việc bảo vệ Trái đất. Ảnh internet.

Các tính toán cho thấy, chỉ cần tiết kiệm được 2% lượng điện năng tiêu thụ đúng như yêu cầu đặt ra tại Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 5 tỷ kWh điện. Sản lượng điện này tương đương với lượng điện của một nhà máy nhiệt điện có công suất 1.200 MW.

Trước đó, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/5/2023 cũng đã khẳng định giải pháp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là một trong các giải pháp, nguồn lực để thực hiện thành công Quy hoạch này.

Ngày 14/4/2006, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg về Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 – 2015 hay Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/03/2019 về Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Đặc biệt, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (ban hành năm 2010), sau Luật chúng ta có một hệ thống các văn bản pháp luật như: nghị định, thông tư, quyết định… liên quan đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn; hiện đã có trên 50 quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định các định mức tiêu hao năng lượng cho 26 loại sản phẩm là các thiết bị công nghiệp, gia dụng, phương tiện..

Có thể thấy, các Quy hoạch chuyên ngành kể trên đều đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hiện thực hóa các mục tiêu tiết kiệm năng lượng của quốc gia và định hướng chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam một cách bền vững.

Trao đổi tại Hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023 vào tháng 5 mới đây, Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An (khi đó còn đang là Thứ trưởng Bộ Công Thương) nhấn mạnh, gần đây, thị trường năng lượng thế giới diễn biến rất phức tạp, giá năng lượng tiếp tục bị đẩy lên mức rất cao. Cùng với sự tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước kéo dài, làm cho lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều giảm mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trước.

Ông Đặng Hoàng An khẳng định, các chuyên nhân trên ảnh hưởng lớn đến khả năng phát điện của các nhà máy thuỷ điện. Trước thực trạng trên, bên cạnh việc thực thi những giải pháp để tăng cường khả năng sản xuất, cung ứng điện thì việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả được xem là một trong những giải pháp quan trọng, cấp bách, góp phần bảo đảm đủ nguồn điện cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội thời gian tới.

“Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và tin cậy trong mùa khô và cả năm 2023, Bộ Công Thương kêu gọi và đề nghị các bộ, ngành Trung ương có liên quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả”, Chủ tịch HĐTV EVN kêu gọi.

Giáo dục tiết kiệm năng lượng - Sự đầu tư lâu dài, bền vững (Bài 1) - Ảnh 4

Nhằm thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện tiết kiệm trong sử dụng điện và chương trình tiết kiệm điện, thời gian qua ngành Giáo dục đã có một số hoạt động nghiên cứu, triển khai như biên soạn tài liệu, tập huấn giáo viên phổ thông phương pháp dạy tích hợp nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ngày 18/12/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn 11562/BGDĐT-VP về Thực hiện tiết kiệm trong sử dụng điện ở các trường học.

Qua đây nâng cao ý thức tự giác, gương mẫu thực hành tiết kiệm năng lượng trong cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên bằng cách sử dụng điện hợp lý; Tạo phong trào tiết kiệm điện trong toàn ngành giáo dục, góp phần cùng toàn dân thực hành chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Trở thành một nội dung thi đua trong các nhà trường, là nội dung rèn luyện đối với học sinh, sinh viên trong quá trình học tập tại trường.

Để hưởng ứng và thực hiện hiệu quả phong trào này, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu: Đối với các cơ quan, trường học phải, xây dựng quy định chi tiết về sử dụng điện phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ quan, trường học theo tinh thần tiết kiệm điện hợp lý nhất; tập trung vào các biện pháp:

Tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên, có cơ chế tắt bớt đèn chiếu sáng, điều hòa nhiệt độ khi số người làm việc trong phòng giảm. Tắt các thiết bị dùng điện không cần thiết khi ra khỏi phòng và cắt hẳn nguồn điện khi không sử dụng các thiết bị sau giờ làm việc. Sử dụng hợp lý số lượng đèn chiếu sáng chung ở hành lang, sân, vườn, hàng rào cơ quan, trường học.

Giáo dục tiết kiệm năng lượng - Sự đầu tư lâu dài, bền vững (Bài 1) - Ảnh 5
Đồ họa: Hải An.

Không để các thiết bị sử dụng điện hoạt động không tải, hạn chế sử dụng điện để trang trí, quảng cáo, thắp sáng vào ban ngày. Chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết, dùng quạt thay thế điều hòa nhiệt độ khi thời tiết không quá nóng.

Khi thay thế các thiết bị sử dụng điện, khuyến khích trang bị những thiết bị sử dụng điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng.

Khuyến khích các đề tài khoa học nghiên cứu sử dụng điện tiết kiệm, thay thế điện bằng các nguồn năng lượng khác có hiệu quả hơn.

Tuân thủ nghiêm các quy định tại địa phương về chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả, sẵn sàng cắt, giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của Điện lực tại địa phương trong trường hợp xảy ra thiếu điện; sử dụng các loại bóng đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng; khuyến khích chuyển đổi sử dụng các thiết bị tiêu thụ các loại năng lượng khác như gas, năng lượng mới.

Bố trí cán bộ chuyên trách công tác giám sát tiết kiệm điện, đưa công tác tiết kiệm điện vào các hoạt động thi đua của đơn vị, nhà trường.

Đối với cán bộ công chức, nhà giáo, học sinh, sinh viên: Mỗi cán bộ, giáo viên, giảng viên, HSSV phải thực hiện đúng những quy định của cơ quan, trường học, của ký túc xá về tiết kiệm điện khi đến làm việc, học tập, đồng thời gương mẫu vận động gia đình, bạn bè nêu cao ý thức tự giác, tiết kiệm điện, sử dụng hợp lý, tự điều chỉnh cắt giảm các nhu cầu chưa cần thiết, hạn chế sử dụng điện giờ cao điểm. Tăng cường sử dụng bóng đèn compắc và sử dụng các thiết bị điện có hiệu suất sao khi học tập, nghiên cứu và trong sinh hoạt.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều công văn yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường học tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, giải pháp tiết kiệm điện trong ngành, thậm chí chương trình dạy học cũng có lồng ghép việc giáo dục ý thức tiết kiệm điện.

Theo số liệu thống kê, cả nước có trên 23 triệu học sinh, sinh viên. Giáo dục ý thức tiết kiệm điện cho học sinh nghĩa là làm cho gần 25% dân số hiểu biết các vấn đề về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Con số này sẽ nhân lên nhiều lần nếu học sinh thực hiện tốt việc tuyên truyền về tiết kiệm điện trong cộng đồng. 

Giáo dục tiết kiệm năng lượng - Sự đầu tư lâu dài, bền vững (Bài 1) - Ảnh 6

Hưởng ứng chiến dịch tiết kiệm điện của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những năm gần đây, nhiều trường học phối hợp với ngành Điện lực trên cả nước tích cực tuyên truyền việc tiết kiệm điện qua các cuộc thi, hoạt động ngoại khóa, lồng ghép các tiết học. Những buổi học này theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, giúp trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng về sử dụng điện trong trường học, gia đình. Đồng thời, qua chương trình, mỗi học sinh sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực lan tỏa đến bạn bè, gia đình và cộng đồng về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công Thương và Công ty Điện lực Hà Tĩnh vừa phối hợp tổ chức Hội thi “Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong trường học năm 2023” tại Trường THCS Xuân Diệu, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Mỗi câu chuyện được các em học sinh mang đến hội thi đều có hàm ý nhắc nhở mỗi người phải có trách nhiệm chung tay với cộng đồng, với xã hội nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vì lợi ích của mỗi gia đình và của quốc gia. Các đội đã tham gia 3 phần thi gồm: khởi động, kiến thức, chung sức.

Giáo dục tiết kiệm năng lượng - Sự đầu tư lâu dài, bền vững (Bài 1) - Ảnh 7
Đồ họa: Hải An.

Theo đó, ở phần thi khởi động, các đội thể hiện theo nội dung phù hợp với chủ đề cuộc thi. Có thể sử dụng hình thức tấu, vè, tiểu phẩm… Các câu hỏi liên quan đến sử dụng tiết kiệm năng lượng, sơ cứu người bị điện giật… Ngoài ra, mỗi đội triển khai vẽ tranh về chủ đề “Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Mỗi bức tranh là một thông điệp ý nghĩa về tiết kiệm năng lượng và hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, bảo vệ môi trường…

Trường THCS Trưng Vương và Trường Tiểu học Lý Công Uẩn phối hợp với Điện lực Hải Châu (Đà Nẵng) tổ chức Hội thi “Học sinh với kiến thức an toàn, tiết kiệm điện” với nhiều phần thi phong phú, được đông đảo giáo viên, học sinh ủng hộ, tham gia. Hội thi diễn ra gồm 3 phần: thi rung chuông vàng, tìm hiểu kiến thức chung về an toàn, tiết kiệm điện; thi vẽ tranh theo chủ đề “Tiết kiệm điện”; thi hùng biện với chủ đề “Trường học chung tay tiết kiệm điện” lồng ghép với các tiểu phẩm.

Ngày 15/4/2023, Điện lực Liên Chiểu (PC Đà Nẵng) phối hợp với Phòng GĐ&ĐT quận Liên Chiểu tổ chức Hội thi “Học sinh với kiến thức an toàn, tiết kiệm điện” năm học 2022 - 2023 với sự tham gia của 08 trường THCS trên địa bàn quận. Ông Bùi Đỗ Quốc Huy, Phó Giám đốc PC Đà Nẵng cho biết, Hội thi không chỉ giúp truyền tải những kiến thức về tiết kiệm điện đến các em một cách tự nhiên, gần gũi hơn, không nặng về mặt hình thức, mà còn giúp các em trở thành một “tuyên truyền viên nhí” để cùng lan tỏa, vận động người thân, bạn bè thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện hiệu quả, hợp lý, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài việc thực hành tiết kiệm nhằm giảm chi phí tiền điện hàng tháng, nhiều trường học còn tăng cường giáo dục ý thức tiết kiệm điện cho học sinh bằng cách lồng ghép vào chương trình giảng dạy.

Trường THPT số 1 Bát Xát (Lào Cai) phối hợp với Điện lực Bát Xát tổ chức tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, an toàn cho học sinh nhà trường. 

Trường THCS Kỳ Bá (Thái Bình) với gần 1.800 học sinh là một trong những đơn vị tiêu biểu trong phong trào tiết kiệm điện. Các phòng làm việc, phòng học đều trang bị điều hòa, quạt, điện thắp sáng... nên điện năng tiêu thụ tại trường học hàng tháng rất lớn. Đối với mỗi giáo viên, ngoài việc gương mẫu sử dụng điện hợp lý còn có trách nhiệm là những tuyên truyền viên trong từng buổi họp lớp, ngoại khóa để giáo dục và rèn luyện học sinh về ý thức tiết kiệm điện tại trường cũng như ở gia đình. Những kiến thức về tiết kiệm điện sẽ giúp các em hình thành thói quen tốt như ra khỏi phòng thì tắt điện, biết lựa chọn những thiết bị tiêu tốn ít điện năng phục vụ cuộc sống.

Những phần tranh tài sôi nổi với nhiều hình thức đa dạng và phong phú, hội thi đã thật sự thu hút sự quan tâm của mọi người. Qua đó, nhiều thông điệp ý nghĩa được truyền tải một cách nhẹ nhàng như: Sử dụng điện một cách hợp lý, tắt các thiết bị khi không sử dụng, lựa chọn thiết bị tiết kiệm năng lượng… đã giúp học sinh nâng cao nhận thức và có hành động tốt hơn trong vấn đề tiết kiệm năng lượng góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu.

Việc tuyên truyền tiết kiệm điện cho học sinh cũng là sự đầu tư lâu dài cho thế hệ tương lai. Những kiến thức về điện hôm nay có tác dụng hình thành nhận thức và phát triển toàn diện của các em, là hành trang theo suốt cuộc đời của các em về trách nhiệm của bản thân trong tiết kiệm năng lượng cho đất nước, phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội mỗi địa phương.

Nội dung: Phạm Giang
Đồ họa: Hải An

Bạn đang đọc bài viết Giáo dục tiết kiệm năng lượng - Sự đầu tư lâu dài, bền vững (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).
Khởi động Chương trình Bảo vệ loài gấu
Sáng ngày 19/3, trong kế hoạch bảo vệ gấu tại Hà Nội năm 2024, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và Tổ chức Động vật châu Á tiếp tục các chuỗi hoạt động và sự kiện tuyên truyền bảo vệ gấu.

Tin mới

Giá xăng tăng nhẹ trở lại
Tại kỳ điều hành giá xăng, dầu chiều ngày 2/5, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng thêm 40 đồng/lít đối với xăng RON95-III và tăng 08 đồng/lít với xăng E5RON92.