Thứ sáu, 22/11/2024 17:07 (GMT+7)
Thứ ba, 08/12/2020 10:45 (GMT+7)

Giảm thiểu rác thải nhựa trong doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới nền kinh tế tuần hoàn

Theo dõi KTMT trên

Phát triển kinh tế xanh, bền vững thông qua việc giảm rác thải nhựa, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn được xem là lợi ích kép cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới là 10% do việc quản lý và xử lý rác thải nhựa chưa triệt để.

Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã thay đổi cách tiếp cận quản lý môi trường, trong đó mở rộng trách nhiệm của doanh nghiệp đối với một sản phẩm, kể cả khi sản phẩm đó trở thành rác thải. Do đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi và tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần.

Với tình trạng ô nhiễm nhựa ngày càng tăng ở Việt Nam, Chính phủ đã tiến hành các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải nhựa. Đồng thời, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách với định hướng “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.

Trong đó, phát triển kinh tế xanh, bền vững thông qua việc giảm rác thải nhựa, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn được xem là lợi ích kép cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng đến tăng trưởng xanh bền vững và các giải pháp thân thiện với môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu, không chỉ riêng nông nghiệp mà tất cả các lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, thương mại… đều chuyển hướng ưu tiên sang những mô hình, cách thức sản xuất xanh.

Xanh hóa sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm và phát thải nhà kính hướng tới tăng trưởng bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp Việt hòa vào dòng chảy xu hướng quốc tế mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực, cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình.

Giảm thiểu rác thải nhựa trong doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới nền kinh tế tuần hoàn - Ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp đã loại bỏ dần rác thải nhựa trong hoạt động kinh doanh. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì các doanh nghiệp cần quan tâm đến vấn đề môi trường nhiều hơn, có nhiều hành động thiết thực hơn. Muốn thâm nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới, bên cạnh chất lượng sản phẩm thì tiêu chí về môi trường được xem là giấy thông hành, nhất là các thị trường có yêu cầu cao.

Bà Tô Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) cho biết, với mục đích, giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, CED đang phối hợp với các đối tác tại Việt Nam triển khai dự án “Nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa” do Quỹ PepsiCo (PepsiCo Foundation) tài trợ.

Dự án sẽ phối hợp với các đối tác thực hiện một chuỗi các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần trong khu vực tư nhân để nhựa không còn là rác thải.

“Dự án tập trung nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa cho hai nhóm đối tượng chính là doanh nghiệp nhỏ và vừa và các bạn trẻ và các nhà lãnh đạo trẻ. Đối với doanh nghiệp, CED hợp tác với VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề ô nhiễm nhựa đang ngày càng tăng và khuyến khích họ giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động của doanh nghiệp và trong gia đình người lao động. Chúng tôi cũng hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp để thảo luận, trao đổi cùng tìm ra các giải pháp sáng tạo nhằm thay thế, giảm thiểu và tái sử dụng rác thải nhựa trong ngành bao bì” - bà Tô Kim Liên, Giám đốc CED khẳng định.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 vừa được Quốc hội thông qua sẽ có tác động rất lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trọng tâm của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi là gắn trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nghĩa là doanh nghiệp không chỉ chịu trách nhiệm đến giai đoạn bán sản phẩm cho người tiêu dùng mà còn chịu trách nhiệm đến giai đoạn xử lý vật liệu được thải bỏ và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa.

Do vậy, các doanh nghiệp phải nhận thức rõ để kịp thời có những điều chỉnh tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi để kinh doanh một cách bài bản, thân thiện với môi trường. Đây là một bài toán để doanh nghiệp lựa chọn công nghệ và hướng đi cho sản phẩm hàng hóa của mình.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI, Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, các doanh nghiệp tham gia vào dự án “Nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa” không chỉ góp phần cùng xã hội bảo vệ môi trường mà còn góp phần xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp có trách nhiệm với khách hàng, đối tác, cộng đồng.

Ngoài ra, việc tham gia dự án cũng gợi mở cơ hội, ý tưởng kinh doanh mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế tuần hoàn.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Giảm thiểu rác thải nhựa trong doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới