Giải quyết ùn tắc giao thông, giảm mối nguy hại tới môi trường
Ùn tắc giao thông là một trong những tác nhân gây ra tình trạng quá tải, đe dọa tới môi trường. Do đó, cần có các giải pháp, phương án điều chỉnh tổ chức giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông.
Tổ chức đếm lưu lượng phương tiện tại một số nút giao tại Hà Nội
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường các biện pháp tổ chức giao thông nhằm giảm thiểu ùn tắc.
Trong đó, Ban duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội được yêu cầu chủ trì cùng các đơn vị quản lý đường bộ tổ chức đếm lưu lượng phương tiện tất cả các hướng đi tại một số nút giao. Cụ thể, tại trục Quốc lộ 6, sẽ đếm xe tại nút giao Ngã Tư Sở, Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, Vũ Trọng Khánh - Trần Phú. Trên trục đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển, ngã ba Xa La - cầu Bươu, đếm xe tại nút giao cầu Tó. Trục đường Láng Hạ - Lê Văn Lương đếm xe tại nút giao Vũ Trọng Khánh - Tố Hữu, Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám.
Căn cứ số liệu đếm lưu lượng phương tiện tính toán khả năng thông hành của các nút, Ban Duy tu hạ tầng giao thông đề xuất các giải pháp, phương án điều chỉnh tổ chức giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông.
Sở Giao thông vận tải cũng yêu cầu Thanh tra Sở tăng cường công tác bố trí chốt trực hướng dẫn phân luồng giao thông, giảm ùn tắc giao thông tại các nút giao trên các trục đường gồm: Trục đường Quốc lộ 6 nút giao Ngã Tư Sở, Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, Vũ Trọng Khánh - Trần Phú; Trục đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển ngã ba Xa La - cầu Bươu, nút giao cầu Tó, ngã ba Ngọc Hồi - Phan Trọng Tuệ.
Trục đường Láng Hạ - Lê Văn Lương gồm: Nút giao Vũ Trọng Khánh Tố Hữu, nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám; Nút giao Trần Duy Hưng - Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý tình trạng các xe khách, xe hợp đồng đi chậm, dừng đỗ đón trả khách trái quy định trên các tuyến đường Giải Phóng, Kim Đồng để hạn chế tình trạng mất an toàn giao thông và ùn tắc.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đếm xe xác định lưu lượng phương tiện đường Vành đai 3 trên cao đoạn từ cầu Dậu đến cầu Mai Dịch và ngược lại để nghiên cứu điều chỉnh tốc độ khai thác phục vụ sửa chữa khẩn cấp sự cố xô lệch gối cầu tại vị trí trụ T50 và trụ T91.
4 điểm đếm xe được xác định gồm điểm giao cắt giữa đường Vành đai 3 trên cao và lối xuống đường Nguyễn Xiển, hướng đi Mai Dịch; Giao cắt giữa đường Vành đai 3 trên cao và lối lên đường Vành đai 3 trên cao từ đường Khuất Duy Tiến, hướng đi Mai Dịch; Giao cắt giữa đường Vành đai 3 trên cao và lối xuống đường Khuất Duy Tiến, hướng đi Pháp Vân; Giao cắt giữa đường Vành đai 3 trên cao và lối lên đường Vành đai 3 trên cao từ đường Nguyễn Xiển, hướng đi Pháp Vân.
Ùn tắc giao thông gây ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường đã trở thành một vấn đề không chỉ của một quốc gia, một khu vực mà là mối quan tâm chung của toàn nhân loại. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới dẫn đã đến những tác động to lớn đến môi trường, làm cho môi trường sống của loài người bị biến đổi và có xu hướng ngày càng trở nên xuống cấp trầm trọng. Đó là sự biến đổi của khí hậu - nóng lên toàn cầu, sự suy giảm tầng ozone và mưa axit… đặc biệt là ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải gây ra. Ở Việt Nam ô nhiễm môi trường trên địa bàn các đô thị lớn đang trở thành một vấn đề bức xúc.
Ở Hà Nội, khi tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí đang diễn biến phức tạp do lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh, gây ra tình trạng quá tải, đe dọa môi trường, thì giao thông xanh lại vẫn còn khá mới mẻ. Phần lớn người dân không có thói quen đi bộ, đi xe đạp hay sử dụng phương tiện vận tải công cộng, mà vẫn lệ thuộc rất lớn vào xe cá nhân, nhất là xe máy chạy bằng xăng. Chuyên gia giao thông đô thị Đặng Minh Tân nhận định, thành phố có khoảng 10 triệu người dân mà có tới gần bảy triệu xe cơ giới, trong đó 90% là xe máy, thì đương nhiên sẽ khó lòng hạn chế được ùn tắc và ô nhiễm không khí.
Từ nhiều năm qua, các nhà khoa học tại các trung tâm nghiên cứu môi trường của Đại học Yale và Đại học Columbia ở Mỹ đã tiến hành nghiên cứu chỉ số hiệu suất môi trường (Environmental Performance Index - EPI) ở 132 quốc gia, kết quả cho thấy Việt Nam được xếp hạng thứ 79 trong danh sách này. Trên cơ sở tiêu chuẩn cho phép của thế giới về đánh giá chất lượng không khí (Air Quality Index- AQI), nếu mức độ sạch của không khí từ 150-200 điểm thì đã bị coi là ô nhiễm, từ 201-300 thì coi là cực kỳ cấp bách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Trong khi đó, tại Việt Nam, hai khu vực ô nhiễm nhất là Hà Nội và TP.HCM, chỉ số AIQ trong ngày ở mức 122-178. Còn vào các khung giờ cao điểm, khi xảy ra các vụ ùn tắc hoặc ùn ứ giao thông thì chỉ số AIQ trên địa bàn các đô thị lớn phải lên tới trên 200. Điều đó cho thấy Việt Nam đang đứng ở ngưỡng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, gây ra những hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe của người dân.
Trong năm 2015, trên địa bàn thủ đô Hà Nội và TP.HCM tuy không xảy ra ùn tắc giao thông trên 30 phút, nhưng tình hình ùn ứ giao thông vẫn còn xảy ra do mật độ phương tiện cao, nhất là vào giờ cao điểm. Mặt khác khi xảy ra mưa to gây ngập nước trên một số tuyến đường gây cản trở giao thông. Khi xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông, mức độ ô nhiễm hơi xăng dầu có thể tăng lên 4 - 5 lần so với lúc bình thường. Ô nhiễm khí CO và hơi xăng dầu (HC) thường xảy ra ở các nút giao thông lớn. Do đó, nguồn khí thải từ giao thông vận tải đang trở thành một nguồn gây ô nhiễm chính đối với môi trường không khí ở đô thị, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Thực tế, khí thải ô nhiễm môi trường ở đô thị có tới 70% bắt nguồn từ các phương tiện giao thông. Ở Việt Nam, khoảng 75% số lượng ô tô chạy bằng nhiên liệu xăng, 25% số lượng ôtô chạy bằng dầu DO, 100% xe máy chạy bằng xăng. Khi các phương tiện sử dụng nhiên liệu để vận hành, động cơ sẽ phát thải một lượng lớn các chất khí có thành phần độc hại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tham gia giao thông và sinh sống dọc các tuyến đường giao thông.
Vấn đề ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải đô thị gây ra ở nước ta xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, đó là ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa gắn liền với quá trình công nghiệp hóa. Quá trình đô thị hóa một mặt sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và kéo theo đó dân số đô thị sẽ không ngừng gia tăng.
Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh trong điều kiện kết cấu hạ tầng chưa được cải thiện nhiều, chủ trương di dời các bệnh viện, trường học, cơ quan hành chính lớn, bến xe… ra khỏi nội đô thành phố chưa được thực hiện tốt. Trong năm 2015, trên địa bàn thủ đô Hà Nội và TP.HCM tuy không xảy ra UTGT trên 30 phút, nhưng tình hình ùn ứ giao thông vẫn còn xảy ra do mật độ phương tiện cao, nhất là vào giờ cao điểm. Mặt khác khi xảy ra mưa to gây ngập nước trên một số tuyến đường gây cản trở giao thông. Khi xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông, mức độ ô nhiễm hơi xăng dầu có thể tăng lên 4 - 5 lần so với lúc bình thường. Ô nhiễm khí CO và hơi xăng dầu (HC) thường xảy ra ở các nút giao thông lớn.
Do đó, nguồn khí thải từ giao thông vận tải đang trở thành một nguồn gây ô nhiễm chính đối với môi trường không khí ở đô thị, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Theo các chuyên gia, giao thông xanh là các phương tiện giao thông hạn chế các loại khí thải độc hại ra môi trường. Giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén...
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, câu chuyện phát triển giao thông xanh tại các đô thị lớn tại Việt Nam là một hành trình dài, bởi để thực hiện được mục tiêu này cần một lộ trình dài hơi. Phát triển đô thị xanh, không gian xanh là định hướng mang tính chiến lược cần có sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội từ Trung ương tới địa phương và toàn thể cộng đồng.
“Chúng ta cần phải tích cực giáo dục và truyền thông, để người dân nhận thức được lợi ích của giao thông xanh, đồng thời hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, nhất là những phương tiện cũ nát, quá niên hạn sử dụng...”.
Lan Anh