Thứ bảy, 23/11/2024 01:42 (GMT+7)
Thứ năm, 15/09/2022 06:30 (GMT+7)

Giải pháp nào để ứng phó biến đổi khí hậu tại Tiền Giang?

Theo dõi KTMT trên

Tỉnh Tiền Giang đang tích cực xây dựng, triển khai thực hiện nhiều mô hình, giải pháp để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), song hành với việc ổn định kinh tế, sản xuất và đời sống của người dân trên khu vực.

Tình hình BĐKH còn diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, vào mỗi mùa khô hằng năm, độ mặn trên cửa sông Tiền và sông Vàm Cỏ lấn sâu vào nội đồng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất vùng ngọt hóa Gò Công và diện tích vườn cây ăn trái ở các huyện phía Tây của tỉnh.

Đặc biệt hơn là tình trạng thiếu nước ngọt làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân ở các huyện phía Đông, điển hình nhất là 2 huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông.

Giải pháp nào để ứng phó biến đổi khí hậu tại Tiền Giang? - Ảnh 1
Tỉnh triển khai xây dựng đê, kè ven biển để góp phần ứng phó với BĐKH

Diện tích đất rừng phòng hộ ven biển của tỉnh cũng bị ảnh hưởng trầm trọng do nước biển dâng xâm thực và xói lở.Trước kia, bên ngoài khu vực bờ biển (chiều dài 32km) đã từng có một đai rừng phòng hộ khá dày từ 100m - 800m. Tuy nhiên, đến nay rừng phòng hộ nơi đây đã bị suy thoái dần và có nơi bị mất trắng, diện tích đất rừng ven biển Gò Công bị mất mỗi năm theo tính toán trung bình từ 15 - 20ha.

Thông tin số liệu thống kê của ngành chức năng Tiền Giang, trên toàn tỉnh còn có hơn 21km khu vực bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng.

Điển hình, từ năm 1973 đến nay, bờ biển bị xâm thực sâu vào đất liền từ 120m tại xã Kiểng Phước, sâu vào đất liền từ 600m - 800m tại xã Tân Điền và Tân Thành thuộc huyện Gò Công Đông. Diện tích đất ven biển bị mất do xâm thực từ năm 1973 đến nay là trên 1.300ha, tốc độ sạt lở khoảng 15 - 17m/năm; tính riêng giai đoạn từ 2006 đến nay là trên 500ha.

Không dừng lại ở đó, những năm gần đây, tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch ở Tiền Giang ngày càng diễn biến rất phức tạp và có xu thế gia tăng cả về phạm vi và mức độ nguy hiểm. Cụ thể, thời gian qua, trên địa bàn đã xảy ra trên 100 điểm sạt lở bờ sông, bờ kênh với chiều dài trên 5.000m.

Triển khai đề án cắtvụ, chuyển đổi mùa vụ

Trước tình hình BĐKH diễn biến phức tạp như vậy, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện và triển khai nhiều giải pháp, hoạt động thích ứng trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan đã tích cực triển khai xây dựng các văn bản để triển khai, thực hiện ứng phó một cách cụ thể, phù hợp với ngành, lĩnh vực và địa phương.

Đồng thời, Tiền Giang đã chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, bố trí hợp lý cơ cấu cây trồng và mùa vụ thích ứng BĐKH để góp phần giúp nông dân địa phương giảm bớt khó khăn, mở rộng hướng sản xuất nông nghiệp bền vững và hiệu quả,

Tỉnh đã xây dựng và triển khai đề án cắt vụ (giảm bớt một vụ lúa và để đất trống khi vào cao điểm hạn mặn), chuyển đổi mùa vụ và cây trồng các huyện phía Đông đến năm 2025.

Trong đó, tỉnh ưu tiên mở rộng diện tích rau màu thực phẩm cùng các cây trồng phù hợp, điều này vừa giúp tiết kiệm được nguồn nước bơm tưới, vừa giảm nguy cơ thiên tai gây hại.

Cụ thể hơn, được sự khuyến khích của Nhà nước, nông dân vùng duyên hải Gò Công tích cực khắc phục khó khăn do hạn hán và xâm nhập mặn, đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nhằm phát huy tốt tiềm năng lao động, đất đai, xây dựng và nhân rộng những mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả.

Giải pháp nào để ứng phó biến đổi khí hậu tại Tiền Giang? - Ảnh 2
Nông dân chuyển đổi đất lúa trồng thanh long tại huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang (Ảnh- Hữu Đức)

Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 20.000 ha. Trong đó, cắt vụ trên 5.200 ha, chuyển sang trồng màu trên 4.200 ha, chuyển vụ trên 7.200 ha. Diện tích còn lại chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thay cây lúa bằng trồng cây ăn quả khác như thanh long, mãng cầu...

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ, tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp phi công trình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn...

Tỉnh còn tập trung triển khai các dự án, công trình và mô hình ứng phó BĐKH. Qua đó, các mô hình như: Trồng rừng ngập mặn, khu tái định cư cho cư dân vùng sạt lở, đê kè ngăn mặn và tiêu úng nước, công trình thủy lợi kết hợp đường giao thông… sau khi hoàn thành đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần hỗ trợ tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Huỳnh Mai

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào để ứng phó biến đổi khí hậu tại Tiền Giang?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới