Giải pháp nào để phát triển điện mặt trời cho các doanh nghiệp?
Theo các chuyên gia, nguồn điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà đang lựa chọn ưu việt và phù hợp với các yêu cầu của doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu xanh hóa trong sản xuất.
7 thách thức lớn trong phát triển điện mặt trời
Tọa đàm “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Nhu cầu, lợi ích và giải pháp phát triển” vừa được tổ chức, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA).
Phát biểu tại tọa đàm, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, trong những năm qua, nhiều biện pháp đã được thực hiện để hạn chế năng lượng hóa thạch và chuyển dần sang việc sử dụng năng lượng tái tạo. Đặc biệt, khi Chính phủ có Quyết định số 11 năm 2017 và Nghị quyết 13 năm 2020, đây là "cú hích" rất lớn để tạo đà cho việc phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Ngoài ra, việc phát triển điện mặt trời áp mái đã giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, chủ động nguồn điện, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi giá năng lượng đang tăng rất cao và nguy cơ có thể thiếu điện trong thời gian tới.
"Chính từ những biện pháp mạnh mẽ đó, trong những năm qua, năng lượng mặt trời đã phát triển rất mạnh. Tính lũy kế, đến ngày 31/12/2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời đạt 19.400 MW. Trong đó, năng lượng mặt trời áp mái cũng đã phát triển rất nhanh, với trên 100.000 công trình trong 2 năm 2019-2020. Riêng trong năm 2020, tổng công suất điện mặt trời đã đạt 10,6 tỷ KW, trong đó điện mặt trời mái nhà đạt 10,6 tỷ KW. Đây là một tỷ lệ rất cao. Tính chung lại, tổng công suất lắp đặt của điện mặt trời chiếm 25% tổng công suất phát điện của Việt Nam. Việt Nam cũng là nước được đánh giá đi đầu Đông Nam Á và cao hơn Cộng hòa Liên bang Đức về tỷ trọng lắp đặt", ông Võ Tân Thành thông tin.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, hiện nay những vướng mắc, bất cập về chính sách đang gây bất lợi cho doanh nghiệp và chủ đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà. Cùng với đó, trong quá trình thực hiện triển khai có nhiều vướng mắc. Đặc biệt là vấn đề xử lý rác thải, xử lý các tấm pin đã hết hạn sử dụng. Đây sẽ là một vấn đề lớn trong tương lai gần. Cụ thể:
Thứ nhất, điều kiện lắp đặt cho điện mặt trời vẫn chưa có quy định rõ ràng. Hiện nay những thẩm định về tiêu chuẩn, tính hợp pháp là vẫn chưa rõ, và đa phần mang tính tự phát. Điều đó dẫn đến chi phí thẩm định lớn, ước tính khoảng từ 300-500 triệu. Những quy định về trách nhiệm khi xảy ra sự cố vẫn chưa rõ, mặc dù đây là điều rất quan trọng khi làm điện áp mái.
Thứ hai, thiếu tính nhất quán và quy định xuyên suốt. Chi phí để thực hiện, cấp phép không phải là nhỏ nhưng hiện nay mỗi nơi, mỗi địa phương làm khác nhau. Một số doanh nghiệp vẫn còn lúng túng do vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Điều này cần cụ thể rõ, thủ tục tránh nhiêu khê.
Thứ ba, vấn đề phòng cháy chữa cháy. Hiện nhiều doanh nghiệp đang phải làm hồ sơ rất khó khăn. Cũng rất mong các thủ tục rõ ràng và thuận tiện hơn.
Thứ tư, vấn đề nghiệm thu các chủ đầu tư. Nên định kỳ có đoàn liên ngành thực hiện kiểm tra, đưa ra các ý kiến, kiến nghị để doanh nghiệp đỡ bị nhiêu khê. Và cũng nên có đầu mối, đường dây nóng để nhận ý kiến và đưa ra hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Thứ năm, cần phải có quy định về tiêu chí lắp đặt. Thời gian vừa qua có hiện tượng ồ ạt lắp đặt điện mặt trời mái nhà, khiến bị đội giá thành, chất lượng công trình chưa đảm bảo.
Thứ sáu, cần có định nghĩa về “tự dùng”. Các khái niệm, định nghĩa về “pin năng lượng”, “tự dùng” nên rõ ràng hơn, phù hợp với thực tế hơn để có một thái độ đúng hơn.
Thứ bảy, cần những kênh cung cấp những thông tin chính thống, chính xác. Hiện nay Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam đang thành lập 1 ban kỹ thuật về lắp đặt, quản lý bảo hành, bảo trì, đồng thời cũng đang biên soạn một bộ hướng dẫn kỹ thuật, bảo hành bảo trì và hy vọng sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong ngành này.
Chuyên gia hiến kế phát triển
Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Du Dương, Trưởng đại diện Văn phòng Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TP.HCM cho rằng, điện mặt trời áp mái phát triển rất nhanh trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc. Điển hình như việc thẩm định kết cấu mái nhà hiện vẫn thực hiện tự phát, chi phí thẩm định lớn.
Phân tích rõ hơn về điều này, ông Dương cho hay, hiện chi phí thẩm định dao động từ 300 – 500 triệu đồng. Tuy nhiên việc ràng buộc giữa đơn vị thẩm định với nhà đầu tư trong quá trình triển khai lắp đặt vẫn chưa có. “Đến nay chúng ta đã qua 2 FIT với thời gian gần nhau nên đã phát triển ồ ạt. Trong giai đoạn chạy đua để hưởng giá FIT, người người đi lắp pin, nhà nhà đi lắp pin mà không có một yêu cầu nào về tiêu chuẩn với từng đơn vị, điều này khiến chất lượng công trình bị ảnh hưởng”, ông Dương nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời phục vụ sản xuất, Chính phủ cần ban hành chính sách một cách nhất quán, sát với thực tế và có tính ổn định, dài lâu.
Cùng quan điểm, ông Phan Công Tiến – chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cho biết, nguồn điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà đang lựa chọn ưu việt và phù hợp với các yêu cầu của doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu xanh hóa trong sản xuất.
Vì vậy, mô hình này cần được Nhà nước khuyến khích mạnh mẽ và tạo cơ chế thông thoáng để phát triển. Bởi lợi ích của nguồn điện này không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng mà giúp các lĩnh vực sản xuất cắt giảm phát thải khí nhà kính, giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh, là bước đệm giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sớm hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Do đó, ông Tiến đề xuất 4 kiến nghị cho việc phát triển mô hình điện mặt trời mái nhà cho các doanh nghiệp tự sử dụng.
Một là, để tạo điều kiện thông thoáng, bãi bỏ các cơ chế “xin cho”, việc xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà tự dùng không cần thiết có thỏa thuận đấu nối. Bởi hệ thống này không thực hiện mua bán với điện lực, điểm đấu nối cũng không nối trực tiếp vào điện lực, nối trong nội bộ hệ thống điện là sở hữu của doanh nghiệp và người dân, hệ thống sử dụng zero export không đẩy công suất lên lưới, ko gây quá tài hay ảnh hưởng gì đến đặc điểm dành cho điểm đấu nối nên không cần có thỏa thuận đấu nối.
Hai là, Bộ Công Thương cần ban hành cụ thể tiêu chuẩn Inverter. Vì đây là thiết bị chủ yếu kết nối với lưới điện và ảnh hưởng các yếu tố của lưới điện như tần số, dòng điện, điện áp, chất lượng điện năng.
Ba là, các Điện lực sẽ kiểm tra các tiêu chuẩn ở giai đoạn kiểm soát giai đoạn đóng điện.
Bốn là, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về quy trình phát triển hệ thống điện mặt trời quy mô nhỏ, kiến nghị quy trình kiểm soát hệ thống điện mặt trời tự sử dụng gồm 2 bước sau: Bước 1: Trong giai đoạn Xây dựng, chủ đầu tư chịu trách nhiệm thuê đơn vị Thiết kế - Lắp đặt có năng lực theo quy định về hoạt động xây dựng của Nhà nước. Trong bước này, chủ đầu tư hoặc chủ đầu tư ủy quyền cho đơn vị tư vấn, lắp đặt xin các giấy phép cần thiết như Giấy phép xây dựng, giấy phép phòng cháy chữa cháy.
“Sản xuất xanh” đang là xu hướng mà thế giới đang hướng tới, nhất là trong các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như da giày, dệt may… Do đó, việc sử dụng điện mặt trời sẽ giúp thúc đẩy sản xuất xanh, đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu.
“Một trong những giải pháp để có thể đáp ứng các điều kiện phát triển đó là sử dụng nguồn năng lượng từ hệ thống điện mặt trời, cụ thể là chủ động sử dụng điện mặt trời áp mái nhà, giải pháp tối ưu và dễ thực hiện của nhiều doanh nghiệp để tiến tới kế hoạch “xanh hóa”, bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhấn mạnh.
Lan Anh