Thứ bảy, 23/11/2024 04:17 (GMT+7)
Thứ ba, 14/06/2022 15:05 (GMT+7)

Bình Dương: Khẩn trương giải quyết vướng mắc điện mặt trời mái nhà

Theo dõi KTMT trên

Trước thực trạng ngành điện lực tạm ngưng thanh toán tiền điện với tất cả các công trình điện mặt trời mái nhà gây bức xúc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các sở ngành sớm tháo nút thắt.

Chưa có cách hiểu thống nhất về quy định cấp phép xây dựng

Thời gian vừa qua, ngành điện lực Bình Dương tạm ngưng thanh toán tiền điện với tất cả các công trình điện mặt trời mái nhà đã gây ra làn sóng bức xúc trong dư luận xã hội. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, nhất là ảnh hưởng tới môi trường thu hút đầu tư của tỉnh Bình Dương.

Để giải quyết cho vấn đề trên, ngày 10/6, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản thông báo kết luận của ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh về việc lên kế hoạch giải quyết vướng mắc liên quan các công trình điện mặt trời mái nhà. Theo đó, Chủ tịch tỉnh chỉ đạo các ban ngành liên quan khẩn trương thực hiện tháo gỡ khó khăn cho các dự án này.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã giao Sở Xây dựng chủ động chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Công ty Điện lực, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và các địa phương, các ngành liên quan để thống nhất nội dung giải pháp thực hiện. Qua đó, tìm ra cách hướng dẫn cho doanh nghiệp, người dân hoàn thiện hồ sơ theo hướng đơn giản hơn, nhất là đối với các hộ dân đã đầu tư, sử dụng công trình điện mặt trời mái nhà.

Bình Dương: Khẩn trương giải quyết vướng mắc điện mặt trời mái nhà - Ảnh 1
Ảnh minh hoạ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã giao Giám đốc Sở Công Thương làm Tổ trưởng tổ công tác với sự tham gia của Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương; lãnh đạo các sở, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện mặt trời mái nhà sớm nhất có thể.

Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, liên quan kiến nghị của các nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà, vấn đề mấu chốt là chưa có cách hiểu thống nhất về quy định cấp phép xây dựng.

Theo vị lãnh đạo này, đối chiếu các quy định trong lĩnh vực xây dựng thì các hệ thống điện mặt trời mái nhà là "công trình cấp IV" và "không thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng". Thẩm quyền cấp phép xây dựng đối với hệ thống trong khu công nghiệp là Ban Quản lý các khu công nghiệp, còn lại là UBND cấp huyện nơi có công trình.

Tuy nhiên, dựa trên kiến nghị của một số nhà đầu tư: Hệ thống điện mặt trời mái nhà chỉ là một thiết bị lắp đặt trên mái nhà (đã được cấp phép trước đó), nên không cần phải xin phép xây dựng... Tới nay hầu hết các hệ thống điện mặt trời đã đi vào hoạt động ổn định mới đòi hỏi giấy phép xây dựng thì nhà đầu tư không thể xin phép với công trình đã hiện hữu.

Nhà đầu tư rơi vào vòng luẩn quẩn chưa lời giải

Theo tìm hiểu, từ tháng 4/2022, ngành điện lực đã tạm ngưng thanh toán tiền điện với tất cả các công trình điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai,… với lý do “thiếu thủ tục”.

Theo ông Nguyễn Quốc Huy – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Huy Hoàng chia sẻ, văn bản của Sở Xây dựng Bình Dương, gửi cho các doanh nghiệp cho rằng “hệ thống điện mặt trời mái nhà là công trình xây dựng, loại công trình công nghiệp cấp IV, nên phải xin cấp phép xây dựng”.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đã liên hệ để được cấp phép thì ngành xây dựng lại trả lời rằng “không có cơ sở để cấp giấy phép xây dựng đối với hệ thống đã lắp trên mái nhà xưởng, bởi công trình bên dưới đã có giấy phép xây dựng" – ông Huy bức xúc.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH SoLar Sài Gòn, cho rằng: Trong câu chuyện này đang có sự hiểu nhầm của Sở Xây dựng Bình Dương khi trả lời Công ty Điện lực Bình Dương tại Công văn số 1531/SXD-KTKT ký ngày 22/4/2022. Trong đó có hướng dẫn: Hệ thống điện mặt trời mái nhà là công trình xây dựng, loại công trình công nghiệp (công trình năng lượng) cấp IV, không thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng, phải xin cấp phép xây dựng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Bình Dương: Khẩn trương giải quyết vướng mắc điện mặt trời mái nhà - Ảnh 2
Theo nhà đầu tư, đang có sự hiểu nhầm của Sở Xây dựng Bình Dương khi trả lời Công ty Điện lực Bình Dương tại Công văn số 1531/SXD-KTKT ký ngày 22/4/2022.

Việc hướng dẫn như vậy có những vấn đề hết sức bất hợp lý. Bởi, hướng dẫn của Sở Xây dựng không phù hợp với thực tiễn của hàng loạt hệ thống điện mặt trời mái nhà đang tồn tại trên địa bàn toàn tỉnh Bình Dương, cụ thể:

Một là, nếu hệ thống điện mặt trời mái nhà hiện đang được lắp tại các công trình dân dụng (như nhà dân, khách sạn, bệnh viện, trường học, trụ sở doanh nghiệp, các tổ chức nước ngoài…) đang có công suất dưới 1MW. Theo hướng đẫn của Sở Xây dựng đều thuộc các công trình xây dựng, loại công trình công nghiệp (năng lượng) cấp IV và theo qui định không thuộc dạng miễn cấp phép xây dựng, phải xin cấp phép xây dựng hệ thống.

Vậy thực tế hàng loạt các công trình hệ thống điện mặt trời mái nhà đang tồn tại (không có giấy phép xây dựng) tại các khu đô thị có phải là lắp đặt trái phép không? Và nếu nó không trái phép thì nó được phép lắp đặt dựa trên các văn bản pháp lý nào?

Hai là, nếu hệ thống điện mặt trời mái nhà hiện đang được lắp tại các khu vực cấm không qui hoạch các công trình công nghiệp thì liệu nếu cấp giấy phép xây dựng cho hệ thống thuộc công trình công nghiệp có phải là cấp trái qui hoạch được duyệt không? (Giả sử như trong trường hợp lắp trên mái của trường học, bệnh viện thuộc khu vực cấm qui hoạch công trình công nghiệp)?

Ba là, hướng dẫn của Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương chưa phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành (Luật Xây dựng, Quyết định13 của Thủ tướng, Thông tư 06 của Bộ Xây dựng) về Khái niệm công trình xây dựng được qui định tại Khoản 10, Điều 1 - Luật Xây dựng số: 50/2014/QH13 ngày 18/06/2014 và Luật số: 62/2020/QH14 luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng: “Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế.

Công trình xây dựng bao gồm công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình khác”. Bên cạnh đó, khái niệm này cho thấy, công trình xây dựng phải được liên kết định vị với đất; Một sản phẩm không được liên kế định vị với đất sẽ không phải là công trình xây dựng.

“Do đó, việc Sở Xây dựng trả lời như vậy là thiếu thực tiễn” – đại diện SoLar Sài Gòn nói.

Được biết, hệ thống điện mặt trời mái nhà là các thiết bị được lắp đặt trên mái nhà tương tự các máy móc thiết bị khác được lắp đặt trong nhà xưởng, trên mái nhà xưởng như dây chuyền sơn gỗ được lắp trên mái nhà xưởng do đó không làm được các thủ tục xin phép xây dựng. Khi đó, Bộ Xây dựng cũng chưa ra các văn bản, quy định quản lý ngành nghề kinh doanh này một cách cụ thể, không yêu cầu giấy phép xây dựng; Cục cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ cũng chưa đưa ra quy định giấy phép PCCC,...

Trước những thay đổi yêu cầu về thủ tục bổ sung trên, các doanh nghiệp cũng cho biết đã liên hệ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Sở Xây dựng, UBND huyện nơi dự án đang hoạt động để xin cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhận được câu trả lời là không thể xin giấy phép xây dựng cho công trình đã lắp đặt. Và cũng vì giấy phép xây dựng còn thiếu nên giấy phép PCCC cũng khó hoàn thành với các dự án điện mặt trời áp mái đã đầu tư trước và trong năm 2020 – thời điểm không yêu cầu thủ tục này.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Bình Dương: Khẩn trương giải quyết vướng mắc điện mặt trời mái nhà. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới