Thứ sáu, 22/11/2024 11:25 (GMT+7)
Thứ năm, 11/08/2022 07:30 (GMT+7)

Giải pháp nào để đánh thức tiềm năng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài

Theo dõi KTMT trên

Sau gần 24 năm kể từ ngày thành lập, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) vẫn không thể thoát ra khỏi hai từ “tiềm năng”, mặc dù khu kinh tế này có rất nhiều lợi thế về vị trí, ưu đãi và cơ chế phát triển...

Ngày 10/8 vừa qua, Tỉnh ủy Tây Ninh đã phối hợp với Hội đồng lý luận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “ Quan điểm, định hướng giải pháp phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng Đô thị - Công nghiệp - Dịch vụ xanh, bền vững, giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”.

Chủ trì hội thảo là các đồng chí Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh.

Cùng với đó, Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ và các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.

Giải pháp nào để đánh thức tiềm năng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài - Ảnh 1
Toàn cảnh Hội đồng lý luận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “ Quan điểm, định hướng giải pháp phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng Đô thị - Công nghiệp - Dịch vụ xanh, bền vững, giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm thông tin, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được xác định là một trong những Khu kinh tế trọng điểm của cả nước. Làm sao để Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phát triển đúng với vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế, xứng đáng là cửa ngõ, là hình ảnh đối ngoại của quốc gia ở biên giới phía Tây Nam là sự trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Tây Ninh.

Thực tế cho thấy, đến nay sau 24 năm hình thành và phát triển, việc thu hút đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài còn gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã thu hút được 56 dự án đầu tư, trong đó có 20 dự án vốn đầu tư nước ngoài và 36 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 401 triệu USD và 8.600 tỷ đồng. Trong đó có 33 dự án đang triển khai hoạt động gồm 11 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 22 dự án có vốn đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, đóng góp của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đối với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh còn chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của khu kinh tế. Theo số liệu thống kê, năm 2015 thu ngân sách đạt 149,45 tỷ đồng, năm 2019 tăng lên 380,65 tỷ đồng, đến năm 2021 đạt 246,14 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu năm 2015 là 476,66 triệu USD đến năm 2019 là 878 triệu USD; năm 2021 đạt 718,49 triệu USD; Số lượt phương tiện thu phí qua lại cửa khẩu là 2015 đạt 136.785 lượt phương tiện, đến năm 2019 tăng lên 234.948 lượt, năm 2021 đạt 154.935 lượt; Số lượt người qua lại cửa khẩu bình quân mỗi năm trên 2 triệu lượt người; giải quyết việc làm cho 17.500 lao động địa phương.

Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được đánh giá là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Tây Ninh và cả khu vực Đông Nam bộ. Tuy nhiên, hơn 20 năm qua quy hoạch và phát triển, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, khó khăn, do chính sách thiếu nhất quán từ trung ương đến địa phương và hay thay đổi. Trong đó, chính sách đất đai đối với các dự án đầu tư làm cho việc giải tỏa, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, xác định ưu đãi đầu tư, thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Giải pháp nào để đánh thức tiềm năng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài - Ảnh 2
Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được đánh giá chưa phát huy được hết tiềm năng

Cũng tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia đã có nhiều ý kiến trình bày, thảo luận làm rõ hạn chế, vướng mắc và đề xuất kiến nghị các giải pháp phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng đô thị - công nghiệp - dịch vụ cửa khẩu xanh, bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các đại biểu tham dự Hội thảo, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, Mộc Bài có nhiều lợi thế, việc phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài không chỉ cho tỉnh Tây Ninh mà còn cho các khu vực Đông Nam Bộ và cả nước. Do đó, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài cần có những giải pháp đặc thù ngang tầm khu vực để phát triển xanh và bền vững. Trong đó, chính sách phát triển cần xác định rõ tầm nhìn dài hạn, có tính linh hoạt. Bên cạnh đó, Mộc Bài phải tận dụng lợi thế có sẵn về tự nhiên, lao động và xây dựng chính sách để huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư.

Một vấn đề đặc biệt quan trọng để thúc đẩy sự phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được các chuyên gia chỉ ra là hạ tầng giao thông. Theo đó, để Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phát triển hết tiềm năng cần có các giải pháp liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, đưa Mộc Bài trở thành điểm kết nối giao thương, văn hóa của khu vực Đông Nam bộ và giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Cùng với đó, cần phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất của doanh nghiệp, thông quan hàng hóa, hạ tầng phục vụ cho người dân.

Cũng tại Hội thảo, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, hiện nay vùng Đông Nam Bộ đang xoay quanh 2 “tâm điểm” mới, đó là Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép. Do đó, để Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phát triển, cần phải có quy hoạch mang tính khả thi, trong đó, cần quan tâm đến ba vấn đề quan trọng sau:  một là kết nối hạ tầng giao thông Vùng Đông Nam Bộ (trong đó ủng hộ Tây Ninh sớm làm đường cao tốc kết nối Thành phố Hồ Chí Minh, cảng Cái Mép, Cảng hàng không quốc tế Long Thành); hai là phát triển Mộc Bài thành nơi sản xuất, xuất khẩu hàng hóa qua Campuchia và Thái Lan (chiến lược phát triển cho 10-20 năm tới) và cuối cùng là cần tính toán, chuẩn bị nhân lực lao động, việc thu hút chọn lọc dự án đầu tư quyết định tương lai khu kinh tế đẳng cấp, có giá trị gia tăng cao.

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được thành lập năm 2008, Khu kinh tế không chỉ là một cửa ngõ của tỉnh Tây Ninh trong việc phát triển giao lưu thương mại với Campuchia mà còn giữ vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế, có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia, đặc biệt đây là khu vực đầu tàu cho toàn bộ tuyến biên giới Tây Nam trên con đường hội nhập.

So với các khu kinh tế cửa khẩu khác trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có lợi thế đặc biệt nằm trên các trục giao thông quốc gia và quốc tế ở phía Nam. Từ năm 2013 đến nay, luôn được xác định là một trong những khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm, được ưu tiên tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013 - 2015, giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 – 2025 để thúc đẩy phát triển kinh tế toàn khu vực.

Thư Anh

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào để đánh thức tiềm năng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới