Giải pháp nào cho quản lý đất công hiệu quả tại Đồng Nai
Nhằm sử dụng quỹ đất công có hiệu quả, thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã thường xuyên chỉ đạo các sở ban ngành, UBND các huyện, Thành phố tập trung rà soát, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giải quyết tình trạng lấn chiếm đất công...
Theo phương án quản lý và khai thác sử dụng quỹ đất công được phê duyệt vào năm 2018, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 29 ngàn thửa đất công. Trong đó, có khoảng 15,3 ngàn thửa đất nông nghiệp và gần 13,7 ngàn thửa đất phi nông nghiệp.
Đối với đất do UBND cấp xã quản lý, sử dụng (đất của UBND cấp xã), toàn tỉnh Đồng Nai có 29.608 thửa đất/13.143,33 ha đất của UBND cấp xã được đánh giá đến thời điểm 31/12/2017. Trong đó, đất của UBND cấp xã sử dụng (theo quy định tại Khoản 2, Điều 7 Luật Đất đai năm 2013) là 3.034 thửa/922,67 ha, chiếm 7,02% diện tích và đất của UBND cấp xã quản lý (theo quy định tại Khoản 2, Điều 8 Luật Đất đai năm 2013) là 26.034 thửa đất/12.220,85 ha, chiếm 92,98% diện tích.
Toàn tỉnh Đồng Nai còn có 149 khu đất/1.112 thửa đất với tổng diện tích 746,67 ha được giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, khai thác. Trong đó, sử dụng vào mục đích nông nghiệp 437 thửa/380,32 ha, chiếm 50,9% tổng diện tích và sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp 675 thửa/366,35 ha, chiếm 49.1% tổng diện tích. Riêng quỹ đất của các nông, lâm trường hiện đang quản lý, sử dụng là 48.043 thửa đất/241.625,94 ha thuộc 15 đơn vị nông, lâm nghiệp, gồm: 28 nông, lâm trường.
Để khai thác có hiệu quả quỹ đất công nêu trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần yêu cầu UBND các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc đo đạc, cắm mốc ranh giới đất công do UBND cấp xã quản lý, sử dụng; kê khai, đăng ký đất đai theo quy định và thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác sử dụng đất công trên địa bàn. Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai và các nông, lâm trường thực hiện việc đo đạc, cắm mốc ranh giới quỹ đất được giao quản lý, sử dụng; kê khai, đăng ký đất đai và lập thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất (đối với đất các nông, lâm trường); thực hiện các giải pháp đảm bảo việc quản lý sử dụng chặt chẽ quỹ đất được giao.
Sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay hầu hết các địa phương đã cơ bản hoàn tất việc đo đạc, xác định ranh giới đối với gần 4,3 ngàn thửa đất công cần được cắm mốc. Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường) Lưu Thị Mai Hương cho biết, các thửa đất công giao cho UBND cấp xã quản lý, sử dụng đã được thực hiện xuất hồ sơ kỹ thuật thửa đất (khu đất) hoặc trích lục, biên vẽ bản đồ địa chính. Nếu các thửa đất trên có ranh giới ổn định, rõ ràng, không tranh chấp, lấn chiếm, hiện trạng đang quản lý, sử dụng phù hợp với bản đồ địa chính, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì bàn giao cho địa phương kê khai đăng ký và cấp giấy chứng nhận.
Dù việc cắm mốc đã cơ bản hoàn tất, thế nhưng tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất công ở Đồng Nai đã tồn tại và kéo dài nhiều năm chưa giải quyết được dứt điểm. Từ năm 2017, các địa phương trong tỉnh đã tổng hợp được gần 1,4 ngàn thửa đất công bị tranh chấp, lấn chiếm nhưng đến nay chưa thửa đất nào xử lý xong để đưa vào khai thác, sử dụng. Các khu đất đang tranh chấp, lấn chiếm đa số có liên quan đến đất của các nông, lâm trường.
Ngoài ra, kết quả thực hiện việc chấm dứt cho thuê, mượn và thu hồi các thửa đất công ở các địa phương còn thấp, không đảm bảo thời gian theo yêu cầu. Kết quả rà soát đến năm 2018, toàn tỉnh có gần 1.150 thửa đất với diện tích 760ha đang cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê và 412 thửa đất cho mượn có diện tích hơn 300ha.
Trước tình trạng trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, các địa phương, đặc biệt cấp xã phải tiếp tục tăng cường công tác quản lý, rà soát từng trường hợp tranh chấp, lấn chiếm đất công để có phương pháp xử lý dứt điểm.
Thanh Tùng