Giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển tài chính xanh, hướng tới phát triển bền vững
Tại Hội thảo “Tài chính xanh - Giải pháp thúc đẩy nhằm hướng đến phát triển bền vững ở Việt Nam”, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia và nhà khoa học đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả phát triển tài chính xanh.
Chiều 18/12, Học viện Ngân hàng tổ chức Hội thảo “Tài chính xanh - Giải pháp thúc đẩy nhằm hướng đến phát triển bền vững ở Việt nam”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ hợp tác chiến lược giữa Học viện Ngân hàng và Quỹ hợp tác quốc tế các Ngân hàng tiết kiệm Đức (DSIK).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng nhấn mạnh: Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức to lớn từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên, việc tìm kiếm các giải pháp tài chính xanh để hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững trở thành một yêu cầu cấp bách và quan trọng. Tại Việt Nam, tài chính xanh là hướng đi cần thiết trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và đã đạt được những kết quả quan trọng ban đầu.
Về góc nhìn từ các doanh nghiệp, ông Hoàng Quốc Anh, Chuyên gia Tài chính xanh, Phó Tổng thư ký Hội thành viên độc lập HĐQT doanh nghiệp Việt Nam (VNIDA), CEO Investment Banking - Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam nhấn mạnh: Ngành tài chính đã tài trợ cho các công ty có tác động tích cực với môi trường và xã hội, khuyến khích các công ty quản lý rủi ro ESG của mình; thông qua các báo cáo, sáng kiến hợp tác, phát triển công cụ tài chính và kêu gọi chính phủ hành động. Tuy nhiên, vẫn còn một số rào cản như việc cân bằng giữa hiệu quả tài chính ngắn hạn và tác động tài chính dài hạn, thiếu sự đồng thuận về cách định nghĩa các hoạt động xanh/bền vững, khung pháp lý còn yếu, và thiếu nhu cầu từ phía người tiêu dùng.
Về góc nhìn từ nhà nghiên cứu, TS. Doãn Công Khánh, Nguyên Giám đốc Trung tâm Thương mại và Môi trường, Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng: Phát triển kinh tế xanh là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đã được phản ánh trong Báo cáo chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030. Xu hướng phát triển xanh đã và đang hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư. Các tiêu chuẩn bền vững chỉ đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường.
TS. Doãn Công Khánh cũng đề xuất các giải pháp cần chú trọng bao gồm: Đẩy nhanh quá trình xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế thông qua các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh kỳ hạn dài, lãi suất thấp; tín dụng xanh; bảo hiểm xanh. Xây dựng thuế sinh thái hay thuế xanh đánh vào những hoạt động kinh tế có sử dụng tài nguyên thiên nhiên và có tác động tiêu cực đến môi trường.
Bộ Tài chính cần xây dựng danh mục hàng hóa thân thiện với môi trường được ưu tiên lựa chọn khi thực hiện dự án đầu tư, mua sắm công, phối hợp cùng Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành hệ thống thuế Tiêu dùng xanh khuyến khích sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu các hàng hóa TTMT (là các hàng hóa mà quá trình sản xuất ra chúng ngăn chặn, hạn chế, tối thiểu hóa hoặc không gây ra sự hủy hoại môi trường), phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước sửa đổi cơ chế tín dụng hoặc quỹ bảo lãnh tín dụng giúp các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để tham gia các chuỗi cung ứng hàng hóa.
Ông Ngô Bình Nguyên, chuyên gia ESG lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng cho rằng, hiện nay các ngân hàng thương mại đang làm rất tốt trong việc triển khai các nguồn vốn tín dụng xanh. Dù vậy vẫn còn nhiều vướng mắc và bất cập như vẫn chưa có bộ chỉ số đánh giá tín dụng xanh dẫn đến khó khăn trong định giá các dự án, đồng nghĩa với việc khó tiếp cận được với nguồn vốn xanh. Điều này cần có một giải pháp đồng bộ, cũng như sự phối hợp và hỗ trợ của nhiều cấp.
Để phát triển tín dụng xanh, ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đề xuất một số giải pháp liên quan đến việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; tập trung nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh.
Bên cạnh đó, cần thống kê đầy đủ tín dụng xanh trong hệ thống ngân hàng; tăng cường hợp tác quốc tế, tạo điều kiện các TCTD huy động nguồn vốn nước ngoài để tài trợ vốn cho các dự án xanh, có lợi ích về môi trường, xã hội; khuyến khích TCTD trong nước đẩy mạnh thực hành ESG (Environment - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị doanh nghiệp) và công bố báo cáo phát triển bền vững; và tăng cường các hoạt động đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm giữa các TCTD trong nước.
Với nhiều ý kiến khác của các chuyên gia, nhà khoa học, Hội thảo đã diễn ra sôi nổi, mang tới nhiều giải pháp chất lượng góp phần nâng cao hiệu quả phát triển tài chính xanh, hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam.
Sông Hồng