Thứ sáu, 29/03/2024 14:22 (GMT+7)
Thứ hai, 21/03/2022 18:00 (GMT+7)

Giá xăng giảm nhẹ sau 7 lần tăng sốc: Hi vọng vào kỳ điều chỉnh sau

Theo dõi KTMT trên

Giá xăng dầu giảm tuy không nhiều song đó là tín hiệu tốt. Giá dầu thế giới đang có dấu hiệu hạ nhiệt, cộng với việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường trong thời gian tới, hi vọng rằng trong đợt điều chỉnh tiếp theo giá xăng sẽ giảm sâu hơn

Chiều 21/3, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng, dầu theo chu kỳ. Theo đó, xăng E5 RON 92 giảm 650 đồng/lít; xăng RON 95 sẽ giảm 630 đồng/lít; mỗi lít dầu diesel giảm 1.630 đồng, dầu hỏa giảm 1.670 đồng/lít, còn dầu mazut giảm 560 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 28.330 đồng/lít; RON 95 là 29.190 đồng/lít; dầu diesel 23.630 đồng/lít, dầu hỏa 22.240 đồng/lít, dầu mazut 20.420 đồng/kg.

Giảm nhẹ còn hơn tăng

Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc điều chỉnh giá xăng giảm 650 đồng/lít là tín hiệu tốt.

"Giá xăng dầu giảm tuy không nhiều song đó là tín hiệu tốt. Giá dầu thế giới đang có dấu hiệu hạ nhiệt, cộng với việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường trong thời gian tới, hi vọng rằng trong đợt điều chỉnh tiếp theo giá xăng sẽ giảm sâu hơn. Giá xăng giảm cho thấy được sự cầu thị của Chính phủ, sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia và doanh nghiệp", Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội chia sẻ.

Theo ông Liên, giá xăng, dầu tăng quá cao đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân cũng như doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ thì đây là giai đoạn khủng hoảng kép, rất khó để có thể tồn tại.

"Thứ nhất, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hành khách di chuyển bằng xe khách vẫn rất thưa thớt, nhiều nhà xe phải bù lỗ để giữ lốt. Thứ hai, để tồn tại chỉ còn biện pháp duy nhất là tăng giá cước, thế nhưng tăng giá cước mà không có sự cân nhắc, tính toán, các doanh nghiệp vận tải hoàn toàn có thể đối mặt với tình trạng nguy hiểm hơn.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn đang cố gắng giữ giá cước vì không muốn mất khách. Một số khác có điều chỉnh giá nhưng vẫn rất dè dặt và thận trọng. Đây gần như là đối sách duy nhất mà các doanh nghiệp vận tải có thể lựa chọn để đối phó với tình trạng xăng tăng, khách vắng. Song đó chỉ là giải pháp tình thế", ông Liên nói thêm.

Giá xăng giảm nhẹ sau 7 lần tăng sốc: Hi vọng vào kỳ điều chỉnh sau - Ảnh 1
Ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội

Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (Chủ sở hữu nhà xe Sao Việt) nhận định, việc giá xăng dầu giảm sau 7 lần tăng liên tiếp là tín hiệu đáng mừng.

"Tuy giá xăng dầu giảm không nhiều, nhưng còn hơn là tăng. Hi vọng, trong kỳ điều chỉnh tới, khi mà áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường thì giá xăng sẽ giảm sâu hơn", ông Bằng kỳ vọng.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát giá xăng, dầu liên tục tăng mạnh thời gian qua đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải thật sự khốn đốn. Sau tết Nguyên đán, Công ty mới hoạt động trở lại được khoảng 30% đầu xe vì lượng hành khách đi xe còn ít. Để thích ứng với tình hình, nhà xe đưa các xe cỡ nhỏ, ít giường vào hoạt động.

Nếu giá xăng, dầu tiếp tục leo cao thì chỉ một thời gian ngắn nữa, doanh nghiệp sẽ không thể hoạt động được. Thông thường, khi giá nhiên liệu tăng, doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh tăng giá vé để cân bằng thu - chi. Tuy nhiên, trong thời dịch bệnh như hiện nay, cách làm này đôi khi còn phản tác dụng khi khách đi xe ngày càng vắng.

Trích lập Quỹ Bình ổn

Được biết, trong kỳ điều chỉnh lần này, xăng RON 95 thực hiện trích lập quỹ Quỹ Bình ổn xăng dầu ở mức 50 đồng/lít; xăng E5 là 200 đồng/lít, dầu DO trích quỹ 500 đồng/lít; dầu hoả trích quỹ 200 đồng mỗi lít.

Trước đó, ngày 11/3, giá xăng dầu trong nước đã có mức tăng mạnh nhất trong lịch sử dù liên bộ Công Thương - Tài chính đã chi 750-1.000 đồng từ Quỹ bình ổn xăng dầu cho mỗi lít xăng, 1.500 đồng cho mỗi lít dầu diesel.

Mặt bằng giá bán lẻ trong nước với xăng RON 95 đã lên sát 30.000 đồng một lít, xăng E5 RON92 là 28.980 đồng, còn dầu diesel 25.260 đồng. Đây là các mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Giá xăng giảm nhẹ sau 7 lần tăng sốc: Hi vọng vào kỳ điều chỉnh sau - Ảnh 2
Người dân mong chờ vào lần điều chỉnh giá xăng tiếp theo của Bộ Công thương. Ảnh minh họa.

Sự tăng mạnh này do chịu ảnh hưởng từ sự đi lên thẳng đứng của giá nhiên liệu thế giới. Giá dầu thô đã có phiên tăng vọt, lên mức cao nhất 14 năm vào ngày 7/3, gần chạm mốc 140 USD một thùng, trước khi giảm 13% vào ngày 9/3, rồi giảm tiếp 2% hôm 10/3.

Để hạ nhiệt giá xăng dầu, mới đây Chính phủ đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng với mỗi lít xăng, 1.000 đồng với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn và 700 đồng với dầu hỏa.

Nếu được Thường vụ Quốc hội thông qua, mỗi lít xăng dự kiến giảm 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh giảm 1.100 đồng/lít. Đây cũng là điều mà người dân và doanh nghiệp mong chờ trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 1/4 tới.

Hoàng Hải

Bạn đang đọc bài viết Giá xăng giảm nhẹ sau 7 lần tăng sốc: Hi vọng vào kỳ điều chỉnh sau. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.