Giá xăng dầu trong nước có thể tăng đến 1.200 đồng/lít vào ngày mai (11/2)?
Theo Lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu TP.HCM, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tăng, gián đoạn nguồn cung từ các nhà sản xuất khiến sản phẩm này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Dự báo, giá xăng có thể điều chỉnh quanh mức 1.000-1.200 đồng/lít trong ngày mai.
Ghi nhận đầu giờ sáng nay 10/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 3 được giao dịch ở mức tăng 0,31 cent, tương đương 0,35% lên 89,97 USD/thùng, gần tiệm cận mốc 90 USD/thùng.
Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 3 ổn định ở mức 91,55 USD/thùng.
Giá dầu ngày 10/2 tăng mạnh chủ yếu do thị trường ghi nhận thông tin tồn kho dầu thô của Mỹ giảm mạnh và nhu cầu nhiên liệu lên mức cao kỷ lục và nguồn cung ngày càng eo hẹp.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 4/2 đã giảm tới 4,8 triệu thùng, xuống còn 410,4 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018. Tổng sản lượng cung ứng, dữ liệu phản ánh nhu cầu tiêu thụ, cũng lên mức kỷ lục 21,9 triệu thùng/ngày trong 4 tuần gần đây.
Trong diễn biến mới nhất, phát biểu trước báo giới, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết giới chức nước này đang cùng các đối tác sản xuất dầu xem xét tăng sản lượng; ngoài ra, cùng với các nước tiêu thụ dầu lớn, Mỹ cũng đang bàn về việc mở kho dự trữ chiến lược.
Giá dầu hôm nay cũng được thúc đẩy bởi triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu thời gian tới khi thời tiết ở châu Âu trở lạnh, trong khi các nguồn cung khí đốt tự nhiên vẫn hạn chế, các kho dự trữ khí đốt xuống mức thấp kỷ lục.
Ngoài ra, giá dầu hôm nay còn được thúc đẩy bởi đồng USD suy yếu và kỳ vọng tiêu thụ dầu toàn cầu tăng cao khi các hoạt động kinh tế được đẩy mạnh.
Phản ứng trước sự “leo dốc” của giá dầu, Chính quyền của ông Biden một lần nữa tuyên bố trong tuần này rằng họ đã thảo luận với các nhà sản xuất dầu lớn về tăng sản lượng nhiều hơn, cũng như khả năng “giải phóng” thêm kho dự trữ chiến lược của các nước tiêu thụ dầu lớn như đã từng làm hồi cuối năm ngoái.
Dữ liệu năng lượng lạc quan của Mỹ đã “đẩy” giá dầu tăng trong khi trước đó, cả hai mặt hàng dầu thô Brent và WTI đều đã giảm mạnh bởi triển vọng tăng nguồn cung từ Iran khi Washington nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp với Iran để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 10/2 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 23.595 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 24.360 đồng/lít; dầu diesel không quá 18.903 đồng/lít; dầu hỏa không quá 17.793 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.993 đồng/kg.
Ngày mai (11/2), Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Kỳ điều chỉnh gần đây nhất là vào ngày 1/2 nhưng rơi vào ngày nghỉ Tết nên được lùi sang kỳ điều chỉnh mới. Đây cũng là lí do khiến áp lực về giá cả tăng cao thời gian qua.
Theo doanh nghiệp đầu mối, kỳ điều hành tới, mỗi lít xăng sẽ tăng trên 1.000 đồng khi giá nhập vào liên tục đi lên thời gian qua. Dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 7/2 cho thấy, bình quân xăng RON 92 có giá 101,8 USD/thùng, giá xăng RON 95 ở mức 104,13 USD một thùng. Mức này tăng 7% so với kỳ điều chỉnh trước đó.
Ở một phương án khác, nếu nhà chức trách vẫn quyết không để giá xăng, dầu tăng cao thì có thể vừa dùng quỹ vừa tăng giá ở mức 600-700 đồng/lít.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP.HCM cho rằng, nhu cầu tiêu thụ xăng và dầu toàn cầu tăng, căng thẳng Nga - Ukraine, gián đoạn nguồn cung từ các nhà sản xuất như Libya khiến sản phẩm này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
"Kỳ điều hành này, giá xăng có thể điều chỉnh quanh mức 1.000-1.200 đồng/lít. Còn dầu tăng quanh mức 800-900 đồng một lít", lãnh đạo đầu mối ở TP.HCM chia sẻ.
Lan Anh (T/h)