Gia Lai: Giám sát hoạt động khai thác khoáng sản bảo vệ tài nguyên môi trường
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai Trương Văn Đạt yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
Trước tình trạng vi phạm các quy định trong lĩnh vực khai thác khoáng sản ngày càng nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn lao động, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Chiều 22/9, đoàn giám sát HĐND do ông Trương Văn Đạt làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về “Việc chấp hành các quy định về quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khoáng sản ở khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, khoáng sản bãi thải của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2022”.
Tại buổi làm việc, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này, từ năm 2017-2022, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 623 trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng (trong đó, UBND tỉnh xử phạt 7 trường hợp, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường xử phạt 17 trường hợp, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Công an tỉnh xử phạt 599 trường hợp); tịch thu nhiều tang vật liên quan.
Ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 85 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó, thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường là 2 mỏ, thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh là 83 mỏ. Trên cơ sở kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm UBND tỉnh phê duyệt, giai đoạn 2017-2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương thanh tra, kiểm tra tình hình hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng khoáng sản của 47 tổ chức, cá nhân, địa bàn hoạt động.
Trước đó, thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017 và các văn bản hướng dẫn liên quan, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo, sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, lập quy hoạch xây dựng phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn để tích hợp vào quy hoạch tỉnh với 666 khu vực mỏ. Trong đó, có 128 khu vực mỏ đã được UBND tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác, tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản các mỏ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp các mỏ đất san lấp bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với 97 khu vực mỏ.
Tại buổi làm việc, nhiều nội dung liên quan đã được UBND tỉnh Gia Lai giải trình như; phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo vệ khai thác khoáng sản; công tác phối hợp trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, khoáng sản tại khu vực giáp ranh, công tác thanh-kiểm tra và xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép; việc đánh giá chất lượng khoáng sản và xác định sản lượng khoáng sản khai thác, việc truy thu nợ thuế, việc hoàn thổ sau khi đóng cửa mỏ; các tồn tại trong lắp đặt trạm cân, camera giám sát, việc xử lý vướng mắc liên quan đến thủ tục thuê đất…
Qua kết quả khảo sát thực tế cũng như báo cáo giải trình của UBND tỉnh Gia Lai, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt đánh giá công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản cần được xử lý dứt điểm; nhiều khu vực mỏ không thực hiện cắm mốc thực địa, không có phương án bảo vệ môi trường, bảo hộ khu vực khai thác; không chấp hành nghiêm trong lắp đặt trạm cân, camera giám sát, hoàn thổ sau đóng cửa mỏ. Bên cạnh đó, công tác quản lý nổ mìn theo quy chuẩn thiếu chặt chẽ; không có giải pháp cụ thể trong kiểm tra sản lượng khoáng sản khai thác; vẫn còn khai thác trái phép khoáng sản nhỏ lẻ…
Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép chưa nghiêm, chưa dứt điểm; quyền lợi của các địa phương có khu vực mỏ được cấp phép không cao dẫn đến còn lơ là trong công tác quản lý…
Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
Tăng cường bảo vệ khoáng sản trong diện quy hoạch cần bảo vệ, gồm có khoáng sản chưa khai thác, đôn đốc các doanh nghiệp tuân thủ các quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản, kiểm tra việc chấp hành khai thác khoáng sản cũng như sản lượng khai thác của các mỏ đang hoạt động thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh.
Đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND đề nghị UBND tỉnh bám sát quy hoạch để xây dựng quy hoạch về khoáng sản, trong đó quan tâm đến đánh giá, phân loại trữ lượng khoáng sản để có lộ trình khai thác phù hợp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Nghiên cứu, quy định phân cấp nguồn thu liên quan đến nguồn thu phí bảo vệ môi trường từ hoạt động khoáng sản, khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phù hợp hơn để đảm bảo kinh phí cho các địa phương, từ đó tạo điều kiện cho các địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn.
Trọng Nghị