Gia Lai: Chủ động các phương án Phòng – chống cơn bão Noru
Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai (PCTT và TKCN) vừa có công văn số 3862/BCH-PCTT gửi các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Thực hiện Công điện số 29/CĐ-QG hồi 9 giờ 00 phút ngày 24-9-2022 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng-chống thiên tai
Do ảnh hưởng của bão, từ trưa và chiều 25-9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông: cấp 3. Ngoài ra, khu vực Bắc Trung Bộ hiện đã có mưa lớn từ 100- 200 mm và còn tiếp tục mưa trong những ngày tới.
Theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, đêm ngày 25-9, bão Noru vào biển Đông với sức gió cấp 9-10, giật cấp 13 và có xu hướng mạnh thêm. Đến ngày 27-9, sáng ngày 28-9 bão đổ bộ khu vực miền Trung với sức gió vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14.
Để chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng mưa lũ trên địa bàn tỉnh; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN theo địa bàn được phân công tại Quyết định số 591/QĐ-BCH ngày 2-11-2021 của Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng-chống, ứng phó thiên tai ở các địa phương được giao phụ trách.
UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để nắm bắt thông tin, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Khi có tình hình thời tiết diễn biến xấu tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
Chủ động chỉ đạo thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.
Đồng thời, chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại. Tổng hợp, báo cáo kịp thời các thiệt hại do mưa lũ về Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Các chủ đầu tư; chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, bố trí lực lượng trực ban 24/24 trong thời gian xảy ra mưa, lũ tại công trình. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa, phương án bảo vệ đập, phương án phòng-chống lụt bão và bảo đảm an toàn đập trong mùa lũ, phương án phòng-chống lũ lụt cho vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Kiểm tra, rà soát và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, hậu cần đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” để phục vụ công tác bảo đảm an toàn đập, vùng hạ du đập trong mùa mưa lũ năm 2022. Phối hợp với chính quyền địa phương thông báo kịp thời việc xả lũ hồ chứa thủy lợi, thủy điện đến nhân dân vùng hạ du đập để chủ động phòng tránh, ứng phó, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân khi xả lũ hồ chứa.
Thuỷ điện An Khê – Ka Nak chủ động hợp tác ứng phó bão lũ
Thủy điện An Khê - Ka Nak, nằm trên dòng sông Ba thuộc huyện Kbang và thị xã An Khê, Gia Lai, có tổng công suất thiết kế cho 2 nhà máy là 173 MW. Trong đó, Nhà máy Thủy điện Ka Nak có công suất 13 MW, dung tích hồ chứa hữu ích 285 triệu m3, vận hành điều tiết theo năm; Nhà máy Thủy điện An Khê công suất 160 MW với dung tích hồ chứa hữu ích 5,6 triệu m3, vận hành điều tiết theo ngày.
Dựa trên quy chế phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) các huyện Kbang, Kông Chro, Đak Pơ và thị xã An Khê, hàng năm, Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak chủ trì, cùng các địa phương, đơn vị tổ chức tuyên truyền đến người dân vùng hạ du về công tác phòng-chống lụt bão, xả lũ các hồ chứa. Cùng với đó, Công ty phối hợp rà soát, thống kê số lượng hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm cần phải sơ tán di dời đến nơi an toàn; kiên quyết di dời các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm cố tình không chịu di dời, áp dụng biện pháp cưỡng chế khi thiên tai nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người dân; tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm sau các mùa mưa bão hoặc sau các đợt lũ lớn…
Ông Đặng Văn Tuần-Giám đốc Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak chia sẻ; để chủ động phương án PCTT và TKCN trong mùa mưa bão năm nay, Công ty đã sớm hoàn thành việc kiểm tra, xử lý các bất thường đối với thiết bị kỹ thuật, cửa lấy nước, vận hành thử cửa van cung, kiểm tra các đường dây tự dùng, hệ thống thông tin liên lạc và 9 trạm cảnh báo lũ. Công ty cũng thực hiện duy tu bảo dưỡng các đường vận hành; xử lý chống thấm, chống dột cho các nhà vận hành; chặt cây, phát tuyến, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy của các mương thoát nước nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn trong mùa mưa bão.
Bên cạnh đó, Công ty còn tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện, diễn tập công tác vận hành thiết bị, xử lý sự cố, các tình huống xả lũ để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa bão nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các nội dung phòng-chống lũ lụt cho vùng hạ du thủy điện An Khê-Ka Nak, nhắc nhở người dân có kế hoạch sản xuất phù hợp, di dời tài sản và thu hoạch hoa màu trước mùa lũ.
Đồng thời, Công ty đã phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương kiểm tra, đánh giá hiện trạng các hạng mục công trình như đập dâng, công trình xả lũ, cửa nhận nước, hành lang thoát lũ… để khắc phục kịp thời các hư hỏng, khiếm khuyết; theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn và phối hợp với cơ quan chức năng để vận hành hồ chứa theo đúng quy trình; tăng cường cảnh báo đến người dân vùng hạ du khi vận hành phát điện và xả lũ.
Công ty cũng thường xuyên cập nhật dự báo thời tiết, kiểm tra, theo dõi chặt chẽ công tác vận hành các công trình, mua sắm các vật tư, phương tiện, trang-thiết bị dự phòng liên quan để kịp thời cung cấp, thay thế, sử dụng khi cần thiết theo phương án PCTT và TKCN đã được phê duyệt. Đến thời điểm này Công ty đã thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nội dung chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu yêu cầu về Phòng – chống bão lũ.
PV TT Tây Nguyên