Đắk Lắk lưu truyền Cồng chiêng Tây Nguyên – Nét văn hoá, du lịch giữa đại ngàn
Cồng chiêng là nét văn hoá truyền khẩu, kiệt tác văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận vào ngày 25/11/2015. Ngày 22 /09 vừa qua, UBND huyện Krông Búk đã tổ chức học và bế giảng lớp đánh cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc năm 2022.
Cồng chiêng Tây Nguyên – Nét văn hoá, du lịch giữa đại ngàn
Đến với Tây Nguyên, ai cũng muốn được thưởng thức những âm thanh trầm bổng, vang vọng của cồng chiêng giữa núi rừng đại ngàn. Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt bởi sự đa dạng độc đáo của kỹ thuật diễn tấu, mà còn là tiếng nói tâm linh, là biểu tượng cho cuộc sống của con người nơi đây.
Tây Nguyên được biết đến là xứ sở của những thiên sử thi đẫm chất huyền thoại, vùng đất của đại ngàn xanh thẳm, của không gian văn hóa cồng chiêng đậm đà bản sắc. Không gian văn hóa cồng chiêng trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên, như Êđê, Bana, Xơđăng, Jrai, M’nông, Cơ ho…
Cồng chiêng xuất hiện trên mảnh đất Tây Nguyên chan hòa nắng gió từ bao giờ không ai rõ. Nó như mạch nước ngầm thấm đẫm hơi thở cuộc sống. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, cồng chiêng có từ thời cổ đại, bắt nguồn từ nền văn minh Đông Sơn có cách đây ít nhất 3.500-4.000 năm, với hai nhạc cụ điển hình là trống đồng và cồng chiêng.
Theo quan niệm của người Tây Nguyên, cồng chiêng là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người với thế giới siêu nhiên. Nó được coi là biểu hiện cho tài sản, quyền lực, sự an toàn trong mỗi gia đình và cộng đông.
Cồng, chiêng được làm từ hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20 đến 50-60cm, loại cực đại tới 90-120cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi tới 18-20 chiếc.
Trong một bộ chiêng, chiêng mẹ (chiêng cái) là quan trọng nhất. Cồng chiêng có thể được gõ bằng dùi hoặc đấm bằng tay. Có dân tộc còn áp dụng kỹ thuật chặn tiếng bằng tay trái hoặc tạo giai điệu trên một chiếc chiêng...
Trải qua 15 năm bảo tồn và phát triển, kể từ sau khi được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ngày 25/11/2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã trở thành một điểm nhấn về văn hóa, du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của vùng đất cao nguyên.
Bên cạnh đó, Cồng chiêng Tây Nguyên cũng được vinh danh qua nhiều lễ hội, sự kiện mang tầm quốc gia và khu vực, như: Liên hoan cồng chiêng tại các kỳ lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, Tuần Văn hóa-Du lịch Kon Tum…
Những lễ hội cồng chiêng đặc sắc của dân tộc Tây Nguyên đã và đang thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đến với nơi đây. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã trở thành một điểm nhấn đặc biệt về văn hóa, du lịch, đồng thời góp phần phát triển kinh tế-xã hội của vùng đất cao nguyên đầy nắng và gió.
Huyện Krông Búk – Đắk lắk tổ chức lớp dạy đánh cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc cho thanh thiếu niên
Để lưu truyền nét văn hoá đậm đà chất Tây Nguyên này, huyện Krông Búk đã tổ chức lớp đánh Cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc năm 2022 cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số ở buôn Drah 1,2 – xã Cư Né đã bế giảng vào ngày 22/9 vừa qua.
Sau hơn 1 tháng học tập, 31 học viên được các nghệ nhân truyền dạy về cách cầm chiêng, đánh chiêng, phân nhịp, nghe tiếng và cách tấu các bài chiêng cơ bản. Ngoài ra, các học viên còn được hướng dẫn cách sử dụng nhạc cụ Đing năm, Ky pah…
Kết thúc khóa học, các học viên đã nắm bắt được kỹ năng sử dụng nhạc cụ và có thể đánh được một số bài chiêng cơ bản để phục vụ trong các lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tại lễ bế giảng, Ban tổ chức đã trao Giấy chứng nhận cho 31 học viên hoàn thành khóa học.
Việc mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ là một trong những hoạt động thiết thực, góp phần duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng huyện Krông Búk nói riêng và văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung. Hằng năm, UBND huyện thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, qua đó tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về việc giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp, mang đậm chất Tây Nguyên này.
PV TT Tây Nguyên