Gần 500 ha rừng phòng hộ xin chuyển thành khu công nghiệp: Quảng Trị có khát dự án?
Tỉnh Quảng Trị đang gấp rút thẩm định trình phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng gần 500 ha diện tích rừng phòng hộ để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú.
Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án không thuộc UBND tỉnh
Được biết, ngày 29/4/2020, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị nhận được Hồ sơ dự án đầu tư: Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú tại huyện Triệu Phong, thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị của Công ty Cổ phần Trung Khởi. Hồ sơ dự án được lập đầy đủ và hợp lệ theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Đầu tư.
Theo đề xuất ban đầu, dự án có diện tích chiếm đất là 580 ha tại các xã Triệu Sơn, Triệu Trạch và Triệu Lăng. Trong đó, dự án có diện tích đất rừng phòng hộ là 537,95 ha. Tại thời điểm bổ sung hồ sơ (3 tháng sau), diện tích đất rừng phòng hộ là 496,25 ha. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm rõ loại đất rừng phòng hộ, trên cơ sở đó thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật.
Tổng vốn đầu tư dự án là hơn 4.533 tỉ đồng, trong đó vốn vay là 3.853,5 tỉ đồng (có cam kết tín dụng từ Vietinbank - Chi nhánh 4 TP.HCM); Dự án được phân kỳ đầu tư gồm ba giai đoạn từ năm 2022 tới năm 2030 (bắt đầu cho thuê lại đất đầu tư xây dựng nhà máy từ năm 2023 cho đến khi lấp đầy toàn bộ dự án).
Tuy nhiên, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ đang là điểm thắt trong quá trình xin phê duyệt chủ trương của dự án này. Cụ thể, căn cứ Luật Đầu tư, dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lần biển, bảo vệ môi trường từ 500 ha trở lên; Rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.
Căn cứ theo Luật Đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị xác định việc chuyển mục đích đất rừng phòng hộ sang thực hiện Dự án Khu công nghiệp Triệu Phú thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
Tuy nhiên, dẫn chiếu Luật Lâm nghiệp (với các thông số như rừng trồng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay 379,4 ha, rừng trồng ngoài quy hoạch 3 loại rừng – Sản xuất 57,1 ha), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xác định thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc Thủ tướng.
Từ đây, dự án được xác định như sau: Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc Quốc hội, thẩm quyền chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất thuộc Thủ tướng, thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc Thủ tướng.
Ngoài ra, dự án còn tồn tại việc chồng lấn quy hoạch. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, dự án Khu công nghiệp Triệu Phú trùng diện tích đã quy hoạch cho dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR). Toàn bộ diện tích đề xuất của dự án trùng với diện tích đã quy hoạch cho dự án FMCR, sẽ ảnh hưởng tới tính khả thi của dự án. Đồng thời, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ sang mục đích khác với diện tích lớn sẽ ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ ven biển, giảm tính thích ứng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu đối với vùng cát ven biển.
Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này đề nghị Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh và UBND tỉnh Quảng Trị xem xét tính khả thi của dự án Khu công nghiệp Triệu Phú. Để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Sở đề xuất UBND tỉnh tổ chức thẩm định về hồ sơ trình phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Khu công nghiệp Triệu Phú trên cơ sở các nội dung thẩm định của các Bộ, ngành liên quan.
Được UBND tỉnh hết mực ủng hộ, Công ty Cổ phần Trung Khởi có gì?
Đáng chú ý, dự án có vẻ nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía tỉnh Quảng Trị. Ngay trong ngày nhận được hồ sơ dự án từ Công ty Cổ phần Trung Khởi, ngày 29/4/2020, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị đã có Văn bản số 370/KKT-QLĐT gửi các Sở: Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, và UBND huyện Triệu Phong để lấy ý kiến thẩm định dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Trước ngày 13/5/2020, các đơn vị này đã gửi ý kiến về để BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị tổng hợp, sau đó tỉnh này đã gửi hồ sơ xin ý kiến của các Bộ, ngành.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Trung Khởi được thành lập ngày 4/3/2020 (chỉ trước khi xin dự án gần 2 tháng) do ông Mai Tuấn Hà (sinh năm 1993) làm Tổng Giám đốc – Đại diện pháp luật. Doanh nghiệp có trụ sở chính tại 36A Nguyễn Huệ, Khu phố 6, P.1, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra, ông Mai Tuấn Hà còn là đại diện cho Công ty TNHH Việt Hưng TTC Hà Nội.
Thời điểm mới thành lập, vốn điều lệ ban đầu của Trung Khởi chỉ ở mức 100 tỉ đồng, gồm các cổ đông sáng lập là Công ty Cổ phần Xây dựng năng lượng MCD Việt Nam (5%), ông Nguyễn Hữu Mến (50%), ông Dương Minh Đức (40%), ông Mai Tuấn Hà (5%).
Chỉ sau 1 tháng, Trung Khởi tăng vốn khủng lên mức 700 tỉ đồng và đến tháng 5/2020 tiếp tục tăng lên thành 815 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông lúc này như sau: Ông Nguyễn Hữu Mến góp 407,5 tỉ đồng tương ứng tỉ lệ 50%, ông Dương Minh Đức góp 326 tỉ đồng (40%), 10% được chia đều cho MCD Việt Nam và ông Mai Tuấn Hà.
Được biết, MCD Việt Nam là công ty mẹ của Trung Khởi, thuộc sở hữu của nhóm nhà đầu tư ông Dương Minh Đức và ông Nguyễn Hữu Mến. Theo đó, MCD Việt Nam thành lập vào cuối năm 2018, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện, trụ sở chính đặt tại ngõ 279, đường Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đông Đa, TP.Hà Nội. Công ty có vốn điều lệ đạt 300 tỉ đồng, trong đó ông Nguyễn Hữu Mến là cổ đông lớn nhất nắm 90% cổ phần, 10% còn lại được chia đều cho ông Dương Minh Đức và bà Nguyễn Thị Phan Chanh.
Dù mới thành lập 1 năm và sở hữu vốn 300 tỉ, nhưng cuối năm 2019, doanh nghiệp này đã mạnh tay thể hiện tham vọng trong lĩnh vực điện năng qua việc đề xuất triển khai dự án hơn 1.000 tỉ đồng tại Quảng Trị.
Cụ thể, tháng 11/2019, MCD Việt Nam đã đề xuất xây dựng dự án Nhà máy Điện mặt trời Hải Dương. Dự án có tổng công suất 80 MWp, dự kiến tổng mức đầu tư lến đến 1.346,9 tỉ đồng trên diện tích đất 62,6 ha tại xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Khi hoàn thành đưa vào sử dụng, dự kiến mỗi năm nhà máy này sẽ cung cấp sản lượng điện khoảng 112,1 triệu kWh, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Sau khi nhận được đề xuất, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung dự án này vào quy hoạch phát triển điện lực để dự án có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Như vậy, trước khi đề xuất dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú, Công ty Cổ phần Trung Khởi cũng đã có “quen biết” nhất định với tỉnh Quảng Trị thông qua việc cổ đông sáng lập MCD Việt Nam đề xuất thực hiện dự án Nhà máy Điện mặt trời Hải Dương.
Cẩm Anh